
Dư nợ cho vay tăng mạnh so với cùng kỳ
Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 15/4/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,23 triệu tỷ đồng, tăng 3,95% so với cuối năm 2024. Mức tăng trưởng này cải thiện tích cực so với cùng kỳ 2024 (tăng 1,21%). Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng 18,19%.
Tại địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực II cho biết, tính đến cuối tháng 4/2025, dư nợ tín dụng đạt 4.046.000 tỷ đồng, tăng 2,62% so với cuối năm 2024 và tăng 12,78% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt ngưỡng kỹ thuật trên 4 triệu tỷ đồng và tăng cao hơn cùng kỳ các năm trước đây (cùng kỳ năm 2024, tín dụng tăng 1,31%; cùng kỳ năm 2023 tăng 1,72%).
Theo ông Lệnh, các yếu tố thuận lợi từ môi trường kinh tế - xã hội và chính sách tiền tệ, tín dụng của Ngân hàng Nhà nước là yếu tố chính tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng trong 4 tháng đầu năm.
Từ đầu năm, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các nhà băng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để phát triển sản xuất - kinh doanh. Trong đó, các đối tượng được tạo điều kiện vay vốn có cả chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà, nhà thầu xây dựng và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng thanh khoản cho thị trường bất động sản.
Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16%, vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn, cơ quan này đã thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng. Đồng thời, nhà điều hành tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng. Cụ thể, nhóm ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng hợp tác xã và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng được chủ động kiểm soát chỉ tiêu này trong năm nay.
Vì vậy, cho vay khách hàng của phần lớn ngân hàng trong số 27 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính đều ghi nhận tăng trưởng trong quý I/2025. Tổng số dư cho vay khách hàng của các ngân hàng này tăng 4% so với cuối năm trước. Nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối tiếp tục dẫn đầu về cho vay; trong đó, BIDV có số dư cho vay khách hàng cao nhất, vượt 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 2,5% so với cuối năm trước. Tiếp đến là VietinBank, ngân hàng này đã ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong nhóm, với mức tăng 4,6%, đưa giá trị cho vay khách hàng lên trên 1,8 triệu tỷ đồng.
Đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, MB tiếp tục dẫn đầu với lượng cho vay khách hàng đạt hơn 797.000 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cuối năm trước. VPBank bám sát với tốc độ tăng 5,4% trong 4 tháng đầu năm, lên gần 730.000 tỷ đồng. Tiếp đó là Techcombank, ACB, SHB, Sacombank và HDBank.
Nếu xét về tốc độ tăng trưởng tín dụng, Kienlongbank là ngân hàng có tốc độ tăng mạnh nhất, với 10,6%. Nhóm ngân hàng có tăng trưởng tín dụng cao còn phải kể đến SHB (tăng 9,2%), Eximbank (tăng 9,2%), NCB (tăng 9,6%), PGBank (tăng 9,4%). Nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh trong quý I, SHB đã vượt qua Sacombank, vươn lên vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng cho vay khách hàng.
Duy chỉ có hai ngân hàng cho vay khách hàng giảm trong quý đầu năm là ABBank (-0,7%) và Saigonbank (- 4,3%).
Kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm
Theo Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm chính là một trong những yếu tố tác động tích cực lên tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, tính đến ngày 10/4/2025, lãi suất cho vay bình quân với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng ở mức 6,34%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2024. Đồng thời, các ngân hàng đã công bố thông tin lãi suất cho vay bình quân trên website nhằm cung cấp thêm thông tin cho khách hàng tham khảo khi tiếp cận vốn vay, lãi suất thấp.
Chính sách tín dụng phù hợp, linh hoạt cùng chính sách lãi suất thấp đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển. Hiệu quả chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất đã phát huy và tác động tích cực đến hoạt động ngân hàng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết, tín dụng tiếp tục tập trung lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và hỗ trợ cho các nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế. Riêng tín dụng đối với 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu như: thương mại, du lịch; truyền thông; khoa học công nghệ; y tế; giáo dục; tài chính; nghệ thuật vui chơi giải trí… ở TP.HCM đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, chiếm 35,4% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực, tăng trên 3,6% so với cuối năm 2024.
“Tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm trên địa bàn Thành phố phản ánh xu hướng tích cực, gắn liền với hiệu quả chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất của Ngân hàng Nhà nước và tăng trưởng kinh tế… Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế có ý nghĩa quan trọng đối với việc mở rộng và tăng trưởng tín dụng”, ông Lệnh nói.
Từ phía ngân hàng thương mại, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB chia sẻ, 3 tháng đầu năm nay, nền kinh tế có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng từ đầu quý II thì những yếu tố không tích cực bắt đầu xuất hiện. Chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây cú sốc với thị trường. ACB đã tiến hành rà soát lại toàn bộ danh mục khách hàng để đánh giá sơ bộ mức độ ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong kịch bản vĩ mô tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, ACB vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay từ 16 - 18%.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc OCB cho hay, OCB sẽ tiếp tục mở rộng khai thác phục vụ chuỗi giá trị, các nhà cung cấp, kênh phân phối, khách hàng để đáp ứng nhu cầu vốn tốt hơn.
“Chúng tôi phát triển khách hàng bán lẻ (RB) thông qua các sản phẩm may đo cho từng khách hàng và định hướng phát triển khách hàng cá nhân thông qua hệ sinh thái của khách hàng doanh nghiệp. Ngân hàng cũng sẽ đẩy mạnh khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, lọc lại đối tượng khách hàng thông qua trung tâm dữ liệu. Bên cạnh đó, chúng tôi xác định doanh nghiệp FDI là cơ hội để phát triển, khi mà có sự dịch chuyển vốn từ Trung Quốc”, ông Hải cho biết thêm.
Năm 2025, OCB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 13%, ước đạt 316.779 tỷ đồng; tổng vốn huy động và tổng dư nợ thị trường 1 tăng lần lượt 14% và 16%; tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 3%. Kết thúc quý I/2025, quy mô tài sản của OCB đạt mức 289.067 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm; dư nợ thị trường 1 đạt 184.388 tỷ đồng, với sự đóng góp đáng kể từ nhóm khách hàng doanh nghiệp SME, với mức tăng trưởng 9,3%.
Tại VPBank, trong quý I/2025, tăng trưởng tín dụng đạt 5,3%; lợi nhuận hợp đạt 4.900 tỷ đồng, thực hiện 20% kế hoạch cả năm. Theo lãnh đạo ngân hàng này, nếu không có gì thay đổi, lợi nhuận hợp nhất quý II sẽ đạt khoảng 6.000 - 7.000 tỷ đồng. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, VPBank sẽ thực hiện được khoảng 45 - 47% kế hoạch năm. Thông thường, trong 6 tháng cuối năm, lợi nhuận ngân hàng sẽ tốt hơn so với nửa đầu năm, do dư nợ tín dụng cũng thường tập trung vào nửa cuối năm.
Nhận định được ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam đưa ra, trong quý I/2025, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và chủ động, đảm bảo vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vừa ổn định tỷ giá, lãi suất… và duy trì các mục tiêu kiềm giữ lạm phát. Theo ông Thành, dự báo hoạt động đàm phán về thuế quan giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ mang lại những kết quả tích cực cho cả hai phía, vì vậy, tín dụng kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt.