Lực cản tăng trưởng tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù tăng trưởng tín dụng đã khởi sắc trong quý đầu năm, nhưng bầu không khí quan ngại chưa được xua tan khi trước mắt là chính sách thuế quan của Mỹ và đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn tăng ở nhiều ngân hàng.
Nợ có khả năng mất vốn tăng ở nhiều ngân hàng Nợ có khả năng mất vốn tăng ở nhiều ngân hàng

Tiếp sức và kiến tạo

Trong tháng 4/2025, Agribank triển khai chương trình ưu đãi dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp “Mở tài khoản mới - Đón lộc kinh doanh”, kết hợp với một loạt gói tín dụng ưu đãi quy mô lớn, lãi suất cạnh tranh và thủ tục linh hoạt. Cụ thể, doanh nghiệp mở tài khoản mới sẽ được tặng tài khoản số đẹp, giảm phí mở tài khoản số đẹp, đồng thời được miễn phí quản lý tài khoản và phí dịch vụ ngân hàng điện tử dành cho doanh nghiệp Agribank Corporate eBanking…

Được biết, chương trình của Agribank được triển khai đồng bộ với các chương trình ưu đãi khác như giảm lãi suất đến 1,2%/năm so với sàn lãi suất cho vay thông thường, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) giảm bớt gánh nặng tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay, hay ưu đãi lãi suất 1,6%/năm so với sàn lãi suất cho vay thông thường dành cho doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu, cùng với các ưu đãi, hỗ trợ về dịch vụ tài trợ thương mại và thanh toán quốc tế…

Không chỉ tập trung bổ sung vốn ngắn hạn cho doanh nghiệp, Agribank còn triển khai chương trình tín dụng ưu đãi tài trợ các khoản vay trung - dài hạn phục vụ các dự án đầu tư trong nhiều lĩnh vực như năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển hạ tầng và công nghiệp chế biến… Với dòng vốn ổn định, lãi suất cố định đến 24 tháng chỉ từ 6%/năm, chương trình sẽ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hiện thực hóa các kế hoạch đầu tư lớn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

“Agribank kỳ vọng năm 2025 sẽ là năm bứt phá của doanh nghiệp. Đây là một bước đi chiến lược, thể hiện cam kết lâu dài của Agribank trong việc đồng hành, tiếp sức và kiến tạo thành công cùng cộng đồng doanh nghiệp, góp phần kiến thiết kinh tế đất nước”, một lãnh đạo cao cấp Agribank chia sẻ.

Hay như VIB phối hợp với đối tác Visa và Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY) chính thức giới thiệu bộ giải pháp tài chính và số hóa toàn diện, được thiết kế đặc biệt nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp SME Việt Nam nâng cao hiệu quả quản trị, tối ưu hoạt động và thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Ông Hồ Vân Long - Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB cho hay: “Thấu hiểu sâu sắc vai trò trụ cột của doanh nghiệp SME trong nền kinh tế, cùng những thách thức lớn về tiếp cận vốn và quản lý tài chính, VIB đã thiết kế bộ giải pháp tài chính toàn diện nhằm đồng hành và mang đến lợi ích tối ưu cho cộng đồng SME. Đây là một hệ sinh thái sản phẩm tài chính tích hợp, bao trùm từ việc khơi thông nguồn vốn, tối ưu hóa dòng tiền, đến hỗ trợ chuyển đổi số, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả quản trị cũng như năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới”.

Khơi thông “điểm nghẽn của điểm nghẽn”

Cần khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả, chất lượng pháp luật... vốn dĩ đang là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, lực cản rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững và bao trùm.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 28/4/2025, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 16.421.942 tỷ đồng, tăng 5,15% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 2,06%), trong đó tiền đồng tăng 5,03% và ngoại tệ tăng 8,27%.

Để đạt được con số trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, cơ quan quản lý đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất phù hợp phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh và nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”…

Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý trong hoạt động cấp tín dụng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng, cũng như nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của người dân, doanh nghiệp, chẳng hạn khách hàng có thể thực hiện vay vốn trên môi trường số mà không cần trực tiếp đến ngân hàng (cho vay bằng phương tiện điện tử), đơn giản hóa thủ tục vay vốn đối với các khoản vay có giá trị nhỏ…

Bên cạnh đó, triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp dưới nhiều hình thức nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận tín dụng ngân hàng. Từ tháng 3 đến đầu tháng 4/2025, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức thành công 13 hội nghị “Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” tại 13/15 khu vực (61 tỉnh, thành phố) nhằm đẩy mạnh kết nối cung - cầu tín dụng, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc và có giải pháp xử lý phù hợp.

Dẫu vậy, lực cản của tăng trưởng tín dụng cũng được “điểm mặt chỉ tên”. Báo cáo tài chính quý I/2025 của các ngân hàng cho thấy, cơ cấu nhóm nợ có sự dịch chuyển đáng kể, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng ở nhiều ngân hàng.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý II/2025 được Ngân hàng Nhà nước công bố chỉ ra rằng, mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng trong quý I/2025 được các tổ chức tín dụng nhận định tiếp tục tăng nhẹ so với quý trước đó, tăng cao hơn so với kỳ vọng ở kỳ điều tra trước và đà tăng nhẹ này dự báo sẽ tiếp tục được duy trì trong quý II/2025.

Ở thời điểm hiện tại, 26,3% tổ chức tín dụng nhận định rủi ro tổng thể của khách hàng ở mức “cao” (24,5%) và “khá cao” (1,8%). Trái với kỳ vọng về xu hướng giảm mặt bằng rủi ro trong năm 2025 ghi nhận tại kỳ điều tra trước, tại kỳ điều tra này, các tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng tiếp tục xu hướng “tăng nhẹ” năm nay.

Trong diễn biến có liên quan, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xử lý, thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng và tổ chức mua bán, xử lý nợ. Dù các tổ chức tín dụng đã rất tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp để xử lý, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh, nhưng trước bối cảnh kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình thế giới, trong khi hành lang pháp lý về xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu còn thiếu đồng bộ và thống nhất, dẫn đến nợ xấu gia tăng.

“Có nhiều nội dung trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 cần được sửa đổi, bổ sung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng trong hoạt động xử lý nợ xấu”, ông Hùng nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, cần khẩn trương sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 nhằm lấp khoảng trống pháp lý, quy định rõ các điểm còn chưa rõ ràng; đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán giữa các luật có liên quan và quan trọng hơn là tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả, chất lượng pháp luật... vốn dĩ đang là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, lực cản rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững và bao trùm.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục