Tín dụng trung, dài hạn tăng cao hơn ngắn hạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đến hết tháng 8/2020, dư nợ tín dụng trung, dài hạn chiếm tỷ trọng cao hơn khoảng 52% trong tổng tín dụng toàn địa bàn TP.HCM, ước tăng 4,31% so với cuối 2019; còn dư nợ tín dụng ngắn hạn tăng khoảng 3%.
Tín dụng trung, dài hạn tăng cao hơn ngắn hạn

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố tính đến 31/8/2020 ước đạt trên 2,38 triệu tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 3,68% so với cuối năm 2019 và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Phân loại theo tiền tệ: Dư nợ tín dụng bằng VND ước đạt hơn 2,215 triệu tỷ đồng, chiếm 93% trong tổng dư nợ tín dụng, tăng 0,39% so với tháng trước và tăng 4.04% so với cuối năm 2019.

Còn dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ ước đạt 165.000 tỷ đồng, chiếm 7%, tăng 0,44% so với tháng trước và giảm 0,39% so với cuối năm 2019.

Đối với kỳ hạn tín dụng: Dư nợ tín dụng trung, dài hạn chiếm tỷ trọng cao hơn khoảng 52% trong tổng tín dụng toàn địa bàn, ước tăng 4,31% so với cuối 2019; còn dư nợ tín dụng ngắn hạn tăng tăng khoảng 3%.

Số liệu thống kê cho thấy, con số 3,68% là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trên địa bàn TP.HCM so với cùng kỳ trong nhiều năm qua.

Ở thời điểm này trong 3 năm gần đây, tín dụng tăng tới 8,5 - 12,5%. Dù tăng trưởng tín dụng đạt thấp, song dòng tiền vẫn đang được bơm vào nền kinh tế ở các lĩnh vực quan trọng để góp phần thúc đẩy, khôi phục lại sản xuất trên địa bàn.

Theo lý giải của NHNN, tín dụng tháng 7/2020 tăng trưởng thấp so với tháng trước, tăng 0,2%; tính chung 7 tháng đầu năm tăng trưởng đạt 3,27% thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước.

Dự ước 8 tháng đầu năm 2020, tín dụng trên địa bàn tăng trưởng đạt 3,68%, thấp hơn mức tăng so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân, hiện nay ngành ngân hàng vẫn đang tập trung nguồn lực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phục hồi sản xuất, kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ, NHNN và UBND TP.HCM.

Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm nay, chương trình tín dụng đối với các doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp có sự tăng trưởng khá cao.

Tính đến cuối tháng 7/2020, dư nợ cho vay trong khu chế xuất - khu công nghiệp đạt 180.584 tỷ đồng với 3.740 khách hàng vay vốn, tăng 12,7% so với cuối năm trước.

Cũng trong 7 tháng, các tổ chức tín dụng đã cho 27 dự án vay trên 2.014 tỷ đồng theo chương trình kích cầu; đồng thời cho vay theo chương trình bình ổn thị trường đạt 617 tỷ đồng. Dư nợ cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với 5 nhóm, ngành lĩnh vực ưu tiên đạt 176.266 tỷ đồng với 31.866 khách hàng vay vốn…

Liên quan đến Thông tư 01/2020/TT-NHNN về miễn, giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp bị tác động bởi Covid-19, tính đến cuối tháng 7, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã hỗ trợ cho 240.407 khách hàng, với tổng dư nợ 583.157 tỷ đồng.

Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 170.915 khách hàng với dự nợ đạt 142.023 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 18.274 khách hàng, với dư nợ đạt 53.654 tỷ đồng.

Còn cho vay mới với lãi suất thấp lũy kế từ ngày 23/1/2020 là 51.218 khách hàng với doanh số đạt 387.481 tỷ đồng.

NHNN chi nhánh TP.HCM cũng trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo phản ánh qua các sở ngành, quận huyện và hiệp hội doanh nghiệp gửi đến; đồng thời, tổ chức thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận vốn ngân hàng và các chính sách tín dụng, lãi suất thấp khác...

Đến ngày 17/8, NHNN chi nhánh TP.HCM tiếp nhận 725 trường hợp được gửi về từ các sở ngành (Sở Công Thương, Sở Du Lịch và Ủy Ban nhân dân 24 Quận, huyện, từ đường dây nóng của NHNN).

Đồng thời, có 12 ngân hàng đăng ký tham gia chương trình kết nối ngân hàng -doanh nghiệp là 247.450 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 7/2020, thực hiện giải ngân gói tín dụng 208.291 tỷ đồng cho 8.104 khách hàng...

Trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế, đại diện NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19 phục hồi sản xuất kinh doanh.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục