Theo Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 20/3/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,55% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm trước tăng 2,54%).
Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,51% (cùng kỳ năm 2019 tăng 1,72%). Tín dụng của nền kinh tế tăng 0,68% (cùng kỳ năm trước tăng 1,9%).
Việc cả tín dụng, huy động lẫn tổng phương tiện thanh toán đều sút giảm cho thấy các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trao đổi với báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho hay, không chỉ tín dụng tăng chậm mà huy động vốn của ngân hàng cũng tăng chậm lại do nhiều doanh nghiệp, tổ chức kinh tế không còn nguồn tiền gửi ngân hàng. Do doanh thu sụt giảm, nhiều doanh nghiệp phải rút tiền gửi ngân hàng ra để trang trải các chi phí vận hành, trả lương nhân viên…
Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ngày 16/3/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, trong đó lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm.
Hiện tại, các ngân hàng cũng đang tích cực đẩy mạnh xem xét hồ sơ cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi vay cho doanh nghiệp và khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid – 19.
Tại cuộc họp với các ngân hàng thương mại tuần này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, chưa đặt ra vấn đề điều chỉnh tín dụng bởi dịch bệnh diễn biến còn rất phức tạp.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đè nghị các ngân hàng thương mại phải xây dựng các kịch bản để ứng phó với dịch bệnh, đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt.