Không dễ giải ngân
Các ngân hàng đang tiếp tục đẩy mạnh dòng vốn ưu đãi hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch Covid-19.
Chẳng hạn, Eximbank vừa đưa ra gói vốn 8.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp ảnh hưởng dịch Covid-19 vay với lãi suất tối thiểu 5%/năm.
Trong đó, gói tín dụng 5.000 tỷ đồng có mức lãi suất từ 6,99%/năm được áp dụng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ; gói tín dụng 3.000 tỷ đồng với mức lãi suất từ 5%/năm áp dụng cho doanh nghiệp có quy mô lớn.
Ngân hàng MSB cũng vừa triển khai gói vay thế chấp, với lãi suất chỉ 6,59%/năm, áp dụng trong thời gian từ nay tới 31/3/2020, nhằm hỗ trợ các cá nhân, hộ kinh doanh dễ dàng tiếp cận nguồn vốn trong mùa dịch.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, ngành ngân hàng đảm bảo đủ nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế.
Nhiều tổ chức tín dụng đã đăng ký tham gia gói tín dụng ưu đãi tổng giá trị 285.000 tỷ đồng, với lãi suất thấp hơn 0,5 - 1%/năm so với trước đó.
Các tổ chức tín dụng sẽ dựa trên tình hình, sức khỏe tài chính của mình để đưa ra mức lãi suất phù hợp. Các doanh nghiệp khi vay vốn cũng phải đáp ứng được điều kiện về khả năng hoạt động đảm bảo được nguyên liệu đầu vào, chứng minh được đầu ra.
Tuy nhiên, ông Hùng cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn.
Tính đến ngày 4/3, dư nợ toàn nền kinh tế chỉ tăng 0,1%, thấp hơn mức 0,85% của cùng kỳ năm 2019.
Bình luận về gói vay 285.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất, một chuyên gia tài chính cho rằng, hiện nay, hoạt động của nhiều doanh nghiệp đang bị ngừng trệ, thậm chí dừng hẳn, vì vậy, nhu cầu vay vốn trên thị trường không nhiều.
Khó khăn hiện tại của các doanh nghiệp không phải vấn đề của thị trường tiền tệ, mà là thị trường hàng hóa đang bị ngưng trệ.
Vì thế, gói vay hỗ trợ này chỉ có tác dụng khi thị trường hồi phục, còn hiện tại, ngân hàng tập trung vào giảm lãi vay, khoanh nợ cho doanh nghiệp sẽ thiết thực hơn.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Bùi Quang Tín cũng đưa ra nhận định, thị trường khó có thể hấp thụ được lượng vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng này trong một sớm một chiều.
Thời điểm này, bên cạnh những gói tín dụng lãi suất thấp, điều tốt nhất ngân hàng nên làm là xem xét miễn giảm lãi vay, với dư nợ hiện tại cho doanh nghiệp.
Báo cáo phát hành ngày 2/3 của Moody’s nhận định, chất lượng tài sản trong các ngân hàng Việt Nam sẽ gặp rủi ro vì Covid-19.
Nếu dịch bệnh kéo dài, nợ xấu trong khu vực sản xuất - kinh doanh, thương mại và một số lĩnh vực khác theo đó sẽ tăng lên, do Việt Nam phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Vì vậy, việc bơm gói tín dụng 250.000 tỷ đồng theo chỉ đạo của Chính phủ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng là giải pháp kịp thời trước mắt, vừa giúp doanh nghiệp vừa giúp ngân hàng vượt qua khó khăn.
Ngân hàng ưu tiên cơ cấu lại nợ
Thông tin được ông Nguyễn Quốc Hùng đưa ra, dịch Covid-19 có thể khiến một triệu tỷ đồng dư nợ toàn hệ thống thành nợ xấu, các ngân hàng cũng hiểu, hỗ trợ doanh nghiệp còn là tự cứu mình. Tính đến 4/3, ít nhất 926.000 tỷ đồng dư nợ của 23 nhà băng, tương đương 11% dư nợ toàn ngành bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Trước tình hình dịch Covid - 19 đang diễn biến ngày một phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân và hoạt động kinh doanh, các nhà băng cho biết sẽ tập trung vào tái cơ cấu các khoản nợ bị ảnh hưởng.
Ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt cho biết, trong giai đoạn này, Ngân hàng chú trọng vấn đề cơ cấu lại nợ vì những tác động trước mắt của dịch bệnh khiến doanh thu, thu nhập và dòng tiền ngắn hạn của khách hàng bị ảnh hưởng.
Ðối với các khách hàng hiện hữu, bao gồm cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay chậm trả, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị tác động.
Với khách hàng doanh nghiệp đang vay vốn có hoạt động kinh doanh trong các ngành bị ảnh hưởng và có doanh thu chính từ hoạt động kinh doanh sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước sẽ được hỗ trợ giảm lãi suất tối đa 0,5 - 1%/năm, tương ứng với các khoản vay ngắn hạn, trung và dài hạn. Gói vay hỗ trợ dành cho khách hàng doanh nghiệp lên đến 1.000 tỷ đồng.
Khách hàng cá nhân vay với mục đích xây dựng, sửa chữa nhà, sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng sẽ được Ngân hàng áp dụng mức lãi suất chỉ từ 8,38%/năm.
Các khách hàng vay tín chấp cũng sẽ được áp dụng mức lãi suất cạnh tranh chỉ từ 14,59%/năm.
Lãnh đạo một nhà băng khác cũng cho hay, trong bối cảnh hiện nay, khó có thể đẩy mạnh cho vay như bình thường, trong khi ngân hàng tập trung cơ cấu lại nợ.
Vì vậy, hạn mức tín dụng nhận được trên 10% đầu năm hiện chưa dùng đến. Quả thực, ở một số ngân hàng tăng trưởng tín dụng còn âm trong 2 tháng đầu năm 2020.
Ông Phan Ðức Tú - Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cho biết, huy động vốn và dư nợ cho vay của Ngân hàng đến hết tháng 2/2020 lần lượt giảm 1,6% và gần 2%.
Tính đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại dư nợ khoảng 21.700 tỷ đồng; miễn, giảm lãi cho vay với 8.000 khách hàng, với số dư nợ khoảng 350.000 tỷ đồng và đang xem xét với hơn 34.000 khách hàng có dư nợ 185.000 tỷ đồng.
Các ngân hàng cũng đang hoàn thiện hồ sơ xem xét hồ sơ 5.400 khách hàng với số cho vay mới dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng. Ðồng thời, các ngân hàng cũng không chuyển nhóm nợ và xem xét miễm giảm lãi cho các gói vay mới.
Sau khi nhận được báo cáo của các tổ chức tín dụng đánh giá về mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh, NHNN đã chủ động chỉ đạo các ngân hàng cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi cho các khách hàng thuộc lĩnh vực bị ảnh hưởng và đã có thông tư hướng dẫn.
Khách hàng có khoản nợ đáp ứng điều kiện sẽ được miễn giảm lãi, phí.
NHNN cũng quy định điều kiện các tổ chức tín dụng được giữ nguyên nhóm nợ với các khoản nợ được cơ cấu lại.
Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Trung Minh, điều này sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp tục vay mới, đồng thời các tổ chức tín dụng cũng có điều kiện cho vay và cân đối tài chính, song khó có thể kỳ vọng đẩy mạnh dư nợ.
Theo đánh giá của Chứng khoán Maybank Kim Eng, tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2020 sẽ thấp do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, nên NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng thấp hơn, trong khi vẫn cung cấp một khoản hợp lý cho các ngân hàng thương mại tăng trưởng và cũng cho phép NHNN duy trì việc giám sát các ngân hàng địa phương.
Nghĩa là, yêu cầu các ngân hàng quản lý chặt hơn chất lượng tài sản, tuân thủ các quy định, và hỗ trợ chính sách của NHNN, chẳng hạn như giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.
Mục tiêu này đã được đặt ra từ trước khi bùng phát dịch bệnh và hiện đang trở thành hành động cấp thiết được Chính phủ, NHNN kêu gọi các ngân hàng thực hiện.
Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cũng đưa ra nhận định rằng, cung cầu tín dụng được dự báo sẽ chậm lại trong diễn biến dịch bệnh. BSC dự báo, tăng trưởng tín dụng năm 2020 ở mức 12,5%, thấp hơn con số của năm 2019.
Theo BSC, cầu tín dụng sẽ giảm do nền kinh tế giảm tốc, GDP tăng trưởng chậm lại và nhu cầu vay vốn dài hạn để sản xuất - kinh doanh cũng tăng chậm.