Trong bản kiến nghị vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, HoREA cho rằng, nền kinh tế vẫn đang ở tình thế như thời chiến, do vậy, nếu các ngân hàng vẫn áp dụng điều kiện cho vay như Luật Các tổ chức tín dụng, thì sẽ rất khó cho cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp.
Chính vì vậy, Hiệp hội cho rằng, cần đưa ra tiêu chuẩn cấp tín dụng đặc thù, áp dụng riêng cho năm 2020, chẳng hạn giảm 30-50% lãi vay; giảm 50% giá trị tài sản bảo đảm vay vốn; nới lỏng hạn mức tín dụng với khách hàng vay vốn…
Câu chuyện ngân hàng - doanh nghiệp vốn đã “êm đềm” những năm gần đây bỗng nóng trở lại khi nhiều doanh nghiệp, không chỉ riêng trong lĩnh vực bất động sản - đồng loạt kêu khó tiếp cận vốn, đòi hạ lãi vay.
Thế nhưng, khác với giai đoạn trước, khi lãi suất cho vay vọt lên 20-30%, khi nhiều ánh nhìn thông cảm nghiêng về phía doanh nghiệp, thì nay, câu chuyện tiếp cận vốn, hạ lãi vay được nhìn nhận đa chiều, bởi nhiều bài học vẫn còn nóng hổi.
Còn nhớ, giai đoạn trước năm 2010, tín dụng bất động sản tăng mạnh, có thời điểm tăng tới 40%. Sự dễ dãi của ngành ngân hàng với chứng khoán, bất động sản chính là nguồn cơn của sự đổ vỡ thị trường bất động sản, nguồn cơn của khối nợ xấu khổng lồ hàng tỷ USD mà đến nay, hệ lụy vẫn chưa giải quyết hết. Nếu hạ chuẩn tín dụng, nền kinh tế sẽ lại có nguy cơ rơi vào vết xe đổ.
Thế nhưng, điều khiến các ngân hàng tâm tư nhất, là nguồn vốn mà hệ thống này hỗ trợ doanh nghiệp hoàn toàn là tín dụng thương mại, không phải nguồn từ ngân sách. Ngân hàng phải huy động vốn từ người dân mới có tiền cho doanh nghiệp vay, phải trả lãi cho người gửi không thể chậm một ngày, không thể giảm một xu. Ngân hàng cũng không thể hạ lãi suất huy động vì tiền gửi vào hệ thống đang giảm. Vẫn giữ nguyên lãi suất huy động mà giảm 50% lãi vay, tức lãi vay chưa đủ chi phí huy động vốn, thì ngân hàng lấy đâu ra nguồn bù lỗ?
Chưa kể, các đề xuất mà HoREA đưa ra vượt quá thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước, thậm chí là cả thẩm quyền của Chính phủ. Hạ chuẩn cho vay, tức phải sửa hàng loạt luật liên quan, sẽ phải cần tới Quốc hội thông qua. Nếu không sửa luật, chắc chắn không ngân hàng nào dám phá rào cho vay. Các đại án hình sự liên quan đến cán bộ ngân hàng vì cho vay sai quy định, gây nợ xấu, thất thoát vốn ngân hàng… đang là bài học nhãn tiền. Chính vì vậy, bài học sâu sắc nhất mà các ngân hàng rút ra sau nhiều cuộc khủng hoảng là phải đảm bảo an toàn hoạt động.
Trong phát biểu mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã quán triệt các ngân hàng phải hỗ trợ tối đa khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song tuyệt đối không hạ chuẩn tín dụng, không nới lỏng điều kiện cho vay. Đây là yếu tố tạo nền tảng lành mạnh lâu dài cho hệ thống ngân hàng và cũng là tiền để đảm bảo ổn định vĩ mô cho cả nền kinh tế. Bởi hạ chuẩn tín dụng, dù chỉ một năm, cũng có thể khiến nợ xấu bùng lên nhanh chóng và nền kinh tế phải mất hàng thập kỷ để xử lý. Thực tế, nợ xấu quý I/2020 đã dềnh lên rất nhanh, buộc các ngân hàng phải tăng 50-70% trích lập dự phòng.
Rõ ràng, hạ chuẩn tín dụng là một đề xuất không khả thi, lãi suất hiện nay cũng không phải là rào cản lớn nhất của doanh nghiệp. Song, đề xuất của HoREA cũng như phản ánh của nhiều doanh nghiệp thời gian qua về khó khăn trong tiếp cận gói hỗ trợ 300.000 tỷ đồng cũng cho thấy, sức chống chịu của doanh nghiệp đang yếu dần, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần phải triển khai nhanh hơn nữa.
Có một thực tế là ngân hàng thương mại hiện đưa chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng các chi nhánh đang phải chịu áp lực về chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận nên vẫn tìm cách trì hoãn cơ cấu nợ cho doanh nghiệp, hoặc chậm giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, thủ tục giải ngân vốn vẫn còn phức tạp.
Cho nên ngay cả khi chưa thể bàn đến chuyện giảm 50% lãi suất cho vay, hạ chuẩn tín dụng, nhưng cần phải sớm giảm thủ tục hành chính, đẩy nhanh cơ cấu nợ cho doanh nghiệp theo Thông tư 01/TT-NHNN. Bằng các công cụ như OMO, tái cấp vốn, tái chiết khấu, dự trữ bắt buộc… Ngân hàng Nhà nước cũng phải nhanh chóng vào cuộc, tạo nguồn vốn rẻ giúp ngân hàng thương mại hỗ trợ nền kinh tế.
Đương nhiên, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi không thể chỉ nhìn vào ngân hàng. Chưa bao giờ, câu chuyện phối hợp tài khóa - tiền tệ lại cấp thiết như hiện nay. Để kích hoạt nền kinh tế, trước hết đầu tư công phải vào cuộc nhanh hơn, các gói hỗ trợ về thuế, an sinh xã hội cũng cần được tiến hành khẩn trương. Về phần mình, doanh nghiệp cũng phải cân nhắc kỹ khi vay vốn, bởi vốn vay dù rẻ thì vẫn phải trả gốc và lãi, nên chỉ khi có dự án khả thi mới nên vay vốn.