Bài 1: Tín dụng, nghề không còn “hot”
Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo cao cấp một ngân hàng TMCP, đề nghị không nêu tên cho biết, cách đây khoảng 5 năm, trong những đợt tuyển nhân viên thì vị trí tín dụng và thanh toán là có nhiều hồ sơ nộp vào nhất. Thậm chí những trường hợp “đối ngoại” gửi gắm vào làm việc tại ngân hàng cũng chỉ đích danh làm việc tại bộ phận tín dụng.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo ngân hàng trên cho biết, tình hình này đã thay đổi trong vòng 1 năm trở lại đây. Không ít nhân viên tín dụng nhất quyết xin chuyển sang bộ phận khác và không ít trường hợp quay về làm việc tại cơ quan nhà nước với mức lương được coi là “ba cọc ba đồng”.
Còn những nhân viên tín dụng do thi tuyển mới vào được ngân hàng cũng âm thầm xin chuyển vị trí và khi không được chấp thuận, rất nhiều người chủ động chấm dứt hợp đồng làm việc.
“Sự chuyển dịch hàng ngày của nhân viên ngân hàng trong hệ thống không phải là điều gì quá bất ngờ, nhưng trong giai đoạn ngắn lại là câu chuyện thời sự tại nhiều chi nhánh và bộ phận nhân sự của ngân hàng”, Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP nói.
“Không chỉ nhân viên tín dụng mà ở các cấp lãnh đạo cao hơn trong hệ thống ngân hàng cũng có làn sóng âm ỉ nghỉ việc, chuyển hẳn sang ngành nghề kinh doanh khác”.
Giải thích về hiện tượng trên, Phó tổng giám đốc một ngân hàng cho biết: “Thị trường có ý kiến về việc tín dụng tăng chậm trong hơn 1 năm trở lại đây, các ngân hàng có nhiều tiền nhưng không giải ngân vốn. Tôi không biết ngân hàng khác thế nào nhưng câu chuyện này đúng đang xảy ra tại ngân hàng tôi, ít ra là trong thời gian gần đây. Từ đầu năm đến giờ, có không ít doanh nghiệp nộp hồ sơ vay vốn ngân hàng và các cán bộ tín dụng làm rất chặt theo quy trình, nhưng đến lúc ra quyết định cho vay hay không cho vay, mọi người đùn đẩy nhau vì sợ”.
Làm đúng thì không được mà…
Chia sẻ với ĐTCK, một lãnh đạo cao cấp của NHNN thừa nhận tình hình bằng câu nói khá ấn tượng: “Làm đúng thì không được mà làm được thì không đúng”, vậy nên đúng là có những nhân sự cao cấp trong hệ thống ngân hàng chuyển hẳn sang nghề khác.
“Kinh tế đi xuống, nợ xấu phát sinh lớn, các sai phạm bị đưa ra trước pháp luật. Cán bộ ngân hàng rơi vào vòng lao lý nhưng quan trọng là mong manh giữa án dân sự và hình sự khiến các nhân viên ngân hàng chùn bước”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Đồng quan điểm này, theo Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO, cán bộ tín dụng sợ công việc bởi những rủi ro liên quan đến pháp luật họ có thể bỗng dưng “rơi” vào. Thực tế cho thấy, những câu chuyện như vậy đã xảy ra.
Luật sư Trần Minh Hải chia sẻ một điển hình trong vụ án lớn gần đây, một bị cáo là nhân viên chi nhánh tại TP. HCM của một ngân hàng cổ phần đã bị tuyên án 14 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các TCTD” .
Cũng theo LS Hải, về tội cho vay vượt quá giới hạn theo quy định có 8 trường hợp, nhưng nhân viên ngân hàng kia đều không vi phạm. Vấn đề ở chỗ có một quy định khá “chung chung” là: “hành vi khác vi phạm pháp luật về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng" theo khoản 3 Điều 179 Bộ Luật Hình sự.
Cũng theo LS Hải, những phiên tòa liên quan tới hoạt động tín dụng ngân hàng gần đây khá nhiều, rất nhiều trường hợp là do nhân viên ngân hàng cố ý làm sai, nhưng cũng có không ít trường hợp rơi vào tình cảnh “thiếu hiểu biết pháp luật”. Điều này là một trong những lý do có tác động tới tâm lý các cán bộ tín dụng ngân hàng hiện nay.
“Hình sự hóa các quan hệ kinh tế vẫn là câu chuyện được nhắc đến, trong đó có ngành ngân hàng. Nhiều quy định hiện hành hoàn toàn có thể đưa cán bộ tín dụng thành những nạn nhân pháp lý tương lai” , LS Hải nói.
Tín dụng tăng chậm hơn 1 năm qua có nguyên nhân chính là nền kinh tế trong giai đoạn tái cấu trúc, nhưng sẽ thêm các nguyên nhân khác nếu đưa góc nhìn từ chính những người làm nghề.
Bài 2: Khó khăn đối với hệ thống ngân hàng