Tín dụng tăng chậm
Các ngân hàng cho hay, tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng qua vẫn chậm, do nhu cầu vốn của khách hàng không tăng. 2 quý đầu năm, dư nợ tín dụng của ACB chỉ tăng 3,3%; Vietcombank tăng 6,6%; SCB tăng trên 7% và Sacombank có phần trội hơn khi tăng 9,4%. Số liệu đưa ra từ NHNN cũng cho biết, đến ngày 31/7, tổng phương tiện thanh toán toàn hệ thống tăng 7,36%, huy động vốn tăng 6,98%, tăng trưởng tín dụng 3,68%. Tăng trưởng tín dụng các NHTM trên địa bàn TP. HCM ước 7 tháng đầu năm chỉ 3,3%.
Ông Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, hiện ngân hàng đã huy động đủ vốn cho vay, nhưng đầu ra đang hạn chế, do nợ xấu và nhu cầu vốn của doanh nghiệp sức khỏe tốt đủ điều kiện vay không tăng. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, nhiều doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng, nhất là DNNVV, khiến mặc dù tín dụng không tăng nhưng nợ xấu lại tăng. Trên thực tế, lãi suất cho vay tuy giảm, nhưng chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp khỏe.
Nợ có khả năng mất vốn vẫn tăng
Tín dụng chậm, song nợ xấu vẫn không ngừng tăng. Số liệu từ NHNN Chi nhánh TP. HCM cho thấy, đến cuối tháng 7/2014, nợ xấu chiếm 4,65% tổng dư nợ. Nhưng trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm đến 70%. Là một trong những nhà băng lớn và có kinh nghiệm trong quản lý nợ xấu, nhưng 7 tháng đầu năm nay, nợ xấu của Vietcombank vẫn tăng đến 70%.
Báo cáo tài chính quý II cho thấy, ngân hàng này có tổng cộng 9.031 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 3,09% tổng dư nợ, song trong đó, riêng nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) là 4.765 tỷ đồng, tăng 70,7% trong vòng 6 tháng. Cuối năm 2013, nợ xấu Vietcombank chỉ dừng ở mức 2,73% và nợ có khả năng mất vốn chưa đến 2.800 tỷ đồng.
Nợ quá hạn của PGBank cuối quý II/2014 là 1.723 tỷ đồng, chiếm đến 12,16% tổng dư nợ, cho dù trước đó nợ xấu ngân hàng này được kéo giảm về 4% cuối quý I/2014. Tỷ lệ nợ xấu của PVcombank đến 30/6 là 5,2%, tăng nhẹ so với mức 5,08% đầu năm nay. Tổng số dư nợ xấu của ACB đến cuối quý II/2014 là 4.037 tỷ đồng, chiếm 3,6% tổng dư nợ, trong đó, nợ nhóm 5 tăng 23,3% so với đầu năm lên 2.616 tỷ đồng.
Ở các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp hơn, tỷ lệ này cũng tăng lên trong 6 tháng đầu năm. Chẳng hạn, nợ xấu của Sacombank đến 30/6 chiếm 1,51% trên tổng dư nợ, tăng so với mức 1,48% cuối 2013.
Bức Tranh Lợi nhuận ngân hàng
Khó khăn kép kể trên khiến một số ngân hàng sụt giảm lợi nhuận, nhưng cũng có nhiều ngân hàng duy trì được mức tăng trưởng lợi nhuận sau trích lập dự phòng.
Dự phòng rủi ro Sacombank tăng khá mạnh trong năm nay, riêng quý II tăng gấp hơn 4 lần lên 215 tỷ đồng và 6 tháng tăng gần 25% so với cùng kỳ, với 308 tỷ đồng.
Về các hoạt động kinh doanh, thu nhập lãi thuần quý II/2014 của Sacombank đạt 1.832 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước và lũy kế 6 tháng đạt 3.340 tỷ đồng. Sacombank đạt 781 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế quý II, tăng 30,6% so cùng kỳ. 6 tháng, lợi nhuận trước thuế tăng 5,7%, đạt 1.531 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế quý II là 614 tỷ đồng, tăng 34%, trong khi 6 tháng tăng gần 9%, đạt 1.201 tỷ đồng.
Theo giải trình của Sacombank, lợi nhuận quý II của Ngân hàng tăng 156 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước là bởi phần thu nhập lãi thuần tăng tới 246 tỷ đồng, trong khi đó, chi phí trả lãi tiền gửi cũng như tiền vay giảm 353,6 tỷ đồng. Sở dĩ chi phí trả lãi tiền gửi và tiền vay giảm là do lãi suất huy động giảm.
Tương tự, tại Vietcombank do nợ xấu, nhất là nợ có khả năng mất vốn tăng cao nên trong quý II và lũy kế 6 tháng đầu năm, chi phí hoạt động lẫn dự phòng rủi ro của Ngân hàng đều tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, dự phòng rủi ro tín dụng của Vietcombank 6 tháng đầu năm nay là hơn 2.400 tỷ đồng, tăng 20% so cùng kỳ. Kết quả, lũy kế 6 tháng, lợi nhuận trước thuế là 2.846 tỷ đồng và sau thuế 2.223 tỷ đồng. Tuy vậy, lợi nhuận Ngân hàng vẫn tăng lần lượt 9,3%, 12,5% so với cùng kỳ.
Không được như Sacombank và Vietcombank, Báo cáo tài chính quý II của ACB cho thấy, mặc dù các hoạt động chính của Ngân hàng có sự tăng trưởng khá, trong đó, thu nhập từ lãi thuần tăng 18,2% so với quý II/2013, đạt 1.326 tỷ đồng, nhưng do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 124%, tương đương 320 tỷ đồng, khiến lợi nhuận sau thuế giảm 20% còn 573,3 tỷ đồng.
Chi phí huy động giảm, song lãi suất đầu ra giảm chậm hơn là một yếu tố đóng góp vào lợi nhuận của nhiều ngân hàng. Thông tin từ NHNN cho thấy, đến ngày 24/7, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm vẫn chiếm 4,5% tổng dư nợ cho vay VND, dư nợ có lãi suất trên 13%/năm chiếm 12,9% tổng dư nợ cho vay VND.
Theo số liệu từ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đến tháng 7/2014, lãi suất bình quân tiền gửi VND giảm 0,6 điểm phần trăm so với đầu năm, nhưng lãi suất cho vay chỉ giảm 0,25 điểm.
Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh, cách duy nhất để các ngân hàng có thể xử lý nợ xấu hiện nay là tăng trích lập dự phòng rủi ro nên buộc phải hy sinh lợi nhuận. Trong khi đó, việc Thông tư 09 và 02 đi vào thực tiễn đòi hỏi mức trích lập dự phòng rủi ro cao hơn. NHNN cũng khuyến cáo, các ngân hàng phải đặc biệt quan tâm, chủ động tái cơ cấu hoạt động, đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Trong đó, các giải pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản đảm bảo nợ vay, dự phòng rủi ro… cần được đặt lên hàng đầu.
Bức tranh lợi nhuận trong nửa đầu năm mặc dù có gam màu sáng, nhưng theo chuyên gia lĩnh vực tài chính - tiền tệ, khả năng hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận mà nhiều ngân hàng đưa ra cho năm nay là không dễ dàng, đặc biệt khi các quy định siết chặt việc phân loại nợ trong Thông tư 02 và 09 được áp dụng.