Đối với các khoản nợ trong nước, số tiền vay để bù đắp thâm hụt ngân sách tăng 32,2%.
Vay để đầu tư đã được điều chỉnh tăng 122,2% để thực hiện chủ trương kích cầu của Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 5,8% trong năm nay. Kế hoạch này được hiện thực hóa bằng việc phát hành 170.000 tỷ đồng trái phiếu trong giai đoạn 2014 - 2016.
Thứ hai, các khoản nợ trong nước được Chính phủ bảo lãnh đã được điều chỉnh giảm 21,7% so với kế hoạch trước đó. Thay vào đó, Chính phủ tăng tổng các khoản vay nợ thêm 52,4%, một phần để bù đắp cho việc giảm các khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh do chi phí vay nợ của Chính phủ luôn thấp hơn so với các tổ chức khác, như Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam.
Thứ ba, đối với vay ròng nước ngoài, tổng hạn mức vay của quốc gia đã tăng thêm 11,2% so với kế hoạch trước đó. Trong khi giới hạn cho vay thương mại nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh vẫn giữ nguyên, thì giới hạn vay nước ngoài của Chính phủ và vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh đã tăng 18% so với kế hoạch đưa ra trước đó.
Mặc dù các ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc mở rộng hoạt động tín dụng, song Chính phủ dường như thiên về vay nước ngoài, vì các khoản vay này có thể có lãi suất thấp hơn, hơn nữa, Chính phủ cũng không muốn tạo quá nhiều áp lực lên lãi suất đồng nội tệ (lãi suất VND có thể cao hơn nếu số lượng trái phiếu chính phủ phát hành tăng lên).
Tuy nhiên, việc tăng thêm quá nhiều khoản vay vốn nước ngoài có thể tạo ra áp lực về việc mở rộng cung tiền, tăng lạm phát, lãi suất VND và tỷ giá hối đoái. Nếu vay bằng ngoại tệ để tài trợ cho các dự án có thu nhập bằng VND sẽ tạo ra rủi ro ngoại hối và những biến động trong báo cáo thu nhập.
Để giảm áp lực trả nợ bằng ngoại tệ, Chính phủ đã và sẽ phải giữ tỷ giá không tăng quá nhiều, để có thể làm cho VND tăng giá thực so với USD (sau khi điều chỉnh lạm phát). Khi VND tăng giá thực, hàng nhập khẩu sẽ có giá rẻ hơn và khu vực xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm sức cạnh tranh hơn trên thị trường cả trong và ngoài nước.
Hơn nữa, nếu có bất kỳ sự suy giảm nào trong đánh giá định mức rủi ro tín dụng Chính phủ sẽ có thể dẫn đến việc bên cho vay yêu cầu trả nợ trước hạn, ngay cả khi các hoạt động kinh doanh của công ty tiến triển tốt.
Thực tế, chính sự phụ thuộc quá nhiều vào các khoản vay ngoại tệ kết hợp với suy giảm dự trữ ngoại hối đã dẫn đến sự mất giá của đồng baht Thái Lan trong cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997. Nợ nước ngoài của Việt Nam hiện nay không phải quá nhiều, nhưng vẫn cần theo dõi xu hướng để đảm bảo tình hình không xấu đi.