Tín dụng không “thong thả”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 có thể tiếp tục tác động đến các chỉ số kinh tế vĩ mô cũng như tình hình tín dụng ngân hàng, nhưng các doanh nghiệp và ngân hàng không còn bị động như cùng kỳ năm trước.
Nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động, qua đó giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua đại dịch Nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động, qua đó giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua đại dịch

Lãi vay giảm hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động

Ông Phan Thanh Tịnh, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Việt Ân kể, ngày đầu tiên đi làm sau Tết Nguyên đán 2021, các lãnh đạo ngân hàng như MBBank, ABBank… gọi điện chúc mừng năm mới và mời đi ăn nhân ngày đầu năm. Các cuộc điện thoại này rất đặc biệt vì đây là lần đầu tiên trong nhiều năm làm lãnh đạo doanh nghiệp, ông được các “VIP” ngân hàng quan tâm như vậy.

Tò mò hỏi về nội dung cuộc trao đổi với các lãnh đạo ngân hàng, ông Tịnh chia sẻ, một trong các nội dung chính là ngân hàng mời doanh nghiệp vay tiền.

Theo ông Tịnh, bên cạnh những doanh nghiệp vẫn đang “chơi” Tết thì không ít doanh nghiệp đã nhanh chóng quay trở lại sản xuất - kinh doanh. Như Thủy sản Việt Ân đã quay lại hoạt động từ ngày mồng 5 Tết do có những đơn hàng từ trước đang tồn. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, doanh nghiệp triển khai sản xuất “lai rai” theo nhu cầu hiện tại.

Trao đổi với một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm, các doanh nghiệp này phấn khởi “khoe” đã có đơn hàng đến hết tháng 8. Đây là tín hiệu tốt, bởi trong điều kiện nền kinh tế bình thường, không có biến động, đơn hàng đặt cao nhất ở thời điểm này các năm trước cũng chỉ đến hết tháng 8.

Còn ông Trần Tiến Sỹ, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư IDI cho biết, Công ty thuê đất của Nhà nước, đầu tư cơ sở hạ tầng rồi cho các doanh nghiệp thuê lại tại Cụm công nghiệp Hà Tĩnh. Ngay trước Tết, Công ty đã bắt đầu mở rộng dự án giai đoạn 2 tại Đức Thọ và bắt đầu giai đoạn 1 dự án tại Hồng Lĩnh.

“Với kỳ hạn vay 3 - 5 năm trước đây, lãi suất của Vietcombank và Agribank trên dưới 10%/năm, nhưng hiện nay chỉ từ 8,5 - 8,8%/năm. Lãi suất tốt cùng với việc vẫn có khách hàng nên doanh nghiệp duy trì quy mô hoạt động bình thường và nghe ngóng tình hình, nếu kinh tế lạc quan hơn sẽ đẩy mạnh mở rộng các dự án”, ông Sỹ nói.

Đáng chú ý, Vietcombank giảm đồng loạt lãi suất tiền vay cho toàn bộ dư nợ hiện hữu và cho vay mới của khách hàng trong thời gian 3 tháng từ 22/2/2021 đến 22/5/2021. Tổng số khách hàng được giảm lãi suất là 105.000 khách hàng với quy mô tín dụng 350.000 tỷ đồng, chiếm trên 40% dư nợ của Ngân hàng.

Năm 2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 9,2 triệu tỷ đồng, tăng 12,13% (năm 2019 tăng 13,65%). Mục tiêu năm 2021 của ngành ngân hàng là tăng trưởng tín dụng khoảng 12%, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên.

Được biết, lãi suất VND liên ngân hàng liên tục giảm trong 3 ngày sau Tết và đến ngày 22/2, các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần tiếp tục giảm khoảng 10 - 20 điểm, xuống quanh mức 0,5 - 0,7%/năm, nhờ thanh khoản dồi dào.

“Thanh khoản có một số thời điểm căng thẳng trước Tết, nhưng nhìn chung là dồi dào, giúp các ngân hàng có thêm nguồn lực giảm lãi suất huy động nhằm hạ lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp đi qua đại dịch”, bà Trịnh Thị Thanh, Giám đốc Khối Quản trị tài chính và Nguồn vốn SCB nhìn nhận.

Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng hơn 8.500 tỷ đồng trong 3 ngày sau Tết, cho thấy tiền đang quay lại hệ thống, thanh khoản ngày càng ổn định.

Nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động, qua đó giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Chẳng hạn, ngày 9/2/2021, TPBank hạ lãi suất huy động các kỳ hạn sau đợt giảm lãi suất vào ngày 3/10/2020. Theo đó, lãi suất tiết kiệm Tài Lộc kỳ hạn 7 tháng giảm từ 5,9%/năm xuống 5,7%/năm; lãi suất tiết kiệm online điện tử kỳ hạn 6 tháng giảm từ 5,8%/năm xuống 5,55%/năm…

Cũng đầu tháng 2, VPBank điều chỉnh giảm lãi suất huy động 0,8%/năm ở kỳ hạn 12 tháng, xuống 4,9%/năm và giảm 0,7% năm ở kỳ hạn 24 tháng, còn 5,0%/năm. Tương tự, VIB giảm 0,3%/năm ở kỳ hạn 24 tháng xuống 6,1%/năm...

Tín dụng tăng trưởng khả quan

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng có sự đóng góp tích cực từ tín dụng của hệ thống ngân hàng. Trong đó, Ngân hàng UOB đẩy mạnh hỗ trợ nhiều công ty Singapore nắm bắt cơ hội kinh doanh xuyên biên giới. Ngân hàng này đã ký thỏa thuận đối tác chiến lược với Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) để trở thành đối tác tài chính được chọn của Sáng kiến Đối tác chiến lược GlobalConnect@SBF.

Tính đến ngày 8/2/2021, tăng trưởng tín dụng đạt 1,12%, trong khi cùng kỳ năm 2020 chỉ tăng 0,38%.

Ông Wee Ee Cheong, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành UOB cho biết, sau khi vượt qua thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đang tìm kiếm những cơ hội tăng trưởng và mở rộng quy mô. Một trong những cơ hội hấp dẫn nhất đã xuất hiện tại ASEAN (trong đó có Việt Nam), khu vực kinh tế phát triển nhanh và có tiềm năng lớn.

“Được thành lập năm 2011, bộ phận tư vấn đầu tư trực tiếp nước ngoài của chúng tôi đã giúp hơn 3.500 công ty mở rộng quy mô hoạt động trên khắp khu vực. Giờ đây, thông qua sự hợp tác với SBF, chúng tôi sẽ giúp xây dựng môi trường kinh doanh năng động và kết nối, tạo điều kiện cho sự phát triển và lớn mạnh hơn nữa của nhiều doanh nghiệp”, ông Wee Ee Cheong nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 8/2/2021, tăng trưởng tín dụng đạt 1,12%, trong khi cùng kỳ năm 2020 chỉ tăng 0,38%. Về tín dụng các lĩnh vực, tính đến cuối tháng 1, dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn ước đạt 2.288.791 tỷ đồng, tăng 0,5%, trong khi tháng 1/2020 tăng trưởng âm 0,94%.

Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tính đến cuối tháng 1 ước đạt 277.715 tỷ đồng, tăng khoảng 2% so với cuối năm 2020, đây là mức tăng khả quan so với mức âm 1,35% của cùng kỳ năm 2020. Mức tăng này được đánh giá là hợp lý trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng chủ lực tăng trưởng mạnh.

“Nếu không có đợt bùng phát dịch vào trước Tết Tân Sửu, tín dụng được kỳ vọng tăng trưởng khá, bởi doanh nghiệp, người dân tăng nhu cầu vốn để khôi phục và mở rộng sản xuất - kinh doanh”, ông Tuấn Anh nói.

Theo các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB), trong tháng 1/2021, sản xuất công nghiệp tại Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với thời kỳ trước đại dịch. Sự tăng trưởng này một phần phản ánh khác biệt về thời điểm Tết Nguyên đán, khi các hoạt động kinh tế chững lại đáng kể. Kỳ nghỉ Tết năm 2020 rơi vào tháng 1, nhưng năm nay rơi vào tuần thứ hai và thứ ba của tháng 2.

Các chuyên gia của WB cho rằng, trong thời gian tới, viễn cảnh tăng trưởng kinh tế năm 2021 sẽ phụ thuộc không nhỏ vào việc kiểm soát đợt dịch mới cũng như thời gian triển khai tiêm chủng vắc-xin trong nước và trên thế giới. Nếu khủng hoảng tiếp tục kéo dài, Chính phủ có thể cân nhắc các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.

Về phía doanh nghiệp, lãnh đạo Thủy sản Việt Ân cho hay, trước đây, kế hoạch kinh doanh có thể dự đoán được dựa trên nền tảng kinh tế trong, ngoài nước và nội lực của doanh nghiệp, nhưng tình hình dịch bệnh hiện tại nằm ngoài các dự báo. Vậy nên, kế hoạch sản xuất - kinh doanh của Công ty đến cuối năm hiện cũng chưa có, chứ chưa nói đến kế hoạch dài hạn. Hy vọng, tình hình sẽ khả quan hơn và thành quả sẽ dành cho những doanh nghiệp dám đi và tiến bước.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục