Phát huy “công cụ đặc biệt” trong xử lý nợ xấu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong 5 tháng đầu năm 2025, các hoạt động mua, bán, xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đều ghi nhận những kết quả tích cực, góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính của các tổ chức tín dụng.
Ông Đoàn Văn Thắng, Phụ trách Hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản (VAMC) Ông Đoàn Văn Thắng, Phụ trách Hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản (VAMC)

Năm 2025, nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức từ bên ngoài, dưới tác động của xung đột địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới và biến động chính sách thuế quan của Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tích cực thực hiện mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, trong đó bao gồm sự chỉ đạo sát sao đối với hoạt động của VAMC, công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp…

Ngay từ đầu năm 2025, tại Chỉ thị 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2025, NHNN đã đề ra mục tiêu, định hướng cho VAMC: “Tiếp tục triển khai hoạt động mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt; phối hợp tích cực với các tổ chức tín dụng trong việc tăng cường xử lý thu hồi nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt; đẩy mạnh hoạt động của sàn giao dịch nợ; thực hiện hiệu quả hoạt động mua, bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, đảm bảo hiệu quả việc sử dụng vốn Nhà nước, tăng cường kiểm soát, giám sát chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn tại VAMC”.

Bám sát chỉ đạo của NHNN, cùng với hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu thông thoáng, thuận lợi hơn, VAMC đã xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề ra các mục tiêu cụ thể để triển khai đến từng đơn vị trực thuộc nhằm đẩy mạnh các hoạt động xử lý, thu hồi nợ xấu; đồng thời, triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025. Mặc dù trong những tháng đầu năm, hoạt động mua và xử lý nợ theo giá trị thị trường của VAMC gặp một số khó khăn do ảnh hưởng từ sự phục hồi khá chậm của thị trường bất động sản (tài sản bảo đảm của khoản nợ mà VAMC đã mua phần lớn là bất động sản), nhưng sau một thời gian tích cực phối hợp với các tổ chức tín dụng nhằm tìm ra giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh tiến độ mua và xử lý nợ, đến nay, hoạt động của VAMC đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Đối với hoạt động mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm, VAMC đã mua 3.797 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng với giá mua 3.673 tỷ đồng (tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2024). Lũy kế từ khi thành lập đến ngày 31/5/2025, VAMC đã mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt với tổng dư nợ gốc nội bảng là 447.393 tỷ đồng, giá mua nợ là 410.831 tỷ đồng.

Đối với mua nợ theo giá thị trường, lũy kế từ khi thành lập đến ngày 31/5/2025, Công ty đã mua nợ theo giá thị trường với tổng dư nợ gốc là 14.322 tỷ đồng, giá mua là 14.506 tỷ đồng.

Đối với hoạt động xử lý, thu hồi nợ, trong 5 tháng đầu năm 2025, VAMC đã xử lý nợ đạt 6.739 tỷ đồng dư nợ gốc. Lũy kế từ khi thành lập đến 31/5/2025, VAMC đã xử lý và phối hợp với các tổ chức tín dụng xử lý 371.785 tỷ đồng dư nợ gốc (đạt 81% tổng dư nợ gốc đã mua). Với kết quả đã đạt được, VAMC đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thu hồi, xử lý các khoản nợ xấu, giảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng trong bối cảnh nợ xấu tại các tổ chức tín dụng còn nhiều biến động khó lường.

Từ năm 2018, VAMC đã kết hợp giữa tự tổ chức đấu giá và thuê tổ chức đấu giá tài sản, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật và đã đạt được kết quả khả quan, trong đó đáng chú ý là 100% tài sản đấu giá thành đều do VAMC tự tổ chức. Lũy kế đến ngày 31/5/2025, VAMC đấu giá thành công 24 tài sản là khoản nợ/tài sản bảo đảm với tổng số tiền trúng đấu giá đạt 2.529 tỷ đồng; trong đó, 22 tài sản đấu giá thành là khoản nợ, chiếm 92% tổng số tài sản đấu giá thành của VAMC.

5 tháng đầu năm 2025, VAMC đã xử lý nợ đạt 6.739 tỷ đồng dư nợ gốc. Lũy kế từ khi thành lập đến 31/5/2025, VAMC đã xử lý và phối hợp với các tổ chức tín dụng xử lý 371.785 tỷ đồng dư nợ gốc.

Hoạt động của Sàn giao dịch nợ VAMC sau gần 4 năm thành lập đã đạt được kết quả khả quan. Tính đến 31/5/2025, nhà đầu tư Sàn giao dịch nợ đã thực hiện tổng cộng 42 hợp đồng tư vấn khoản nợ với tổng giá trị tư vấn 2.797 tỷ đồng, 7 hợp đồng tư vấn tài sản bảo đảm với tổng giá trị tư vấn là 433,8 tỷ đồng; ký 5 hợp đồng môi giới mua khoản nợ với giá trị 65,6 tỷ đồng và 1 hợp đồng môi giới bán khoản nợ với giá trị 7,4 tỷ đồng; thực hiện 8 hợp đồng mua nợ theo giá thị trường với tổng giá mua nợ đạt 60,5 tỷ đồng; cấp tài khoản cho 233 thành viên đăng ký; đăng tải thông tin của 3.942 khoản nợ và 587 tài sản bảo đảm trên website, đăng thông tin 3.942 khoản nợ xấu với tổng giá trị 92.297 tỷ đồng và 587 tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu với giá trị 4.516 tỷ đồng làm nguồn thông tin hỗ trợ khách hàng đưa ra quyết định đầu tư.

Là đơn vị vận động thành lập và giữ vai trò nòng cốt trong Câu lạc bộ Xử lý nợ với 23 hội viên từ các công ty quản lý nợ của các tổ chức tín dụng Việt Nam và 2 hội viên liên kết (OK DTC và Welcome DTC), VAMC đã tích cực triển khai các hoạt động thường xuyên và định kỳ, tổ chức thành công nhiều hội nghị, tọa đàm về xử lý nợ xấu; báo cáo đề xuất các giải pháp phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam…

Trong những tháng còn lại của năm 2025, VAMC tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động mua bán và xử lý nợ; tăng cường nguồn lực, nâng cao năng lực quản trị rủi ro của Công ty; đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xử lý nợ xấu. VAMC phấn đấu hoàn thành kế hoạch kinh doanh và kế hoạch tài chính năm 2025 được Ngân hàng Nhà nước giao, tiếp tục thực hiện tốt vai trò tạo lập và thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ tại Việt Nam, phát triển VAMC thực sự trở thành trung tâm trong hoạt động xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng; đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của các tổ chức tín dụng.

Đoàn Văn Thắng
Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng 2025

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục