Việt Nam sắp có thẻ tín dụng nội địa phát hành bởi 7 ngân hàng phối hợp với Napas

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trước đây từng có ngân hàng phát hành thẻ tín dụng nội địa của riêng mình nhưng không thành công, sau đó các ngân hàng tập trung vào phát hành thẻ tín dụng và ghi nợ quốc tế trên cơ sở liên kết với các tổ chức thẻ như VISA, Mastercard, JCB...
Ảnh Internet Ảnh Internet

Ông Nguyễn Quang Minh, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, dự kiến ngày 25/1, NAPAS với vai trò của tổ chức chuyển mạch quốc gia, sẽ phối hợp cùng 7 ngân hàng là ACB, VietinBank, Bản Việt, Sacombank, Bảo Việt, HDBank, VietBank phát hành thẻ chíp tín dụng và thẻ ghi nợ nội địa theo tiêu chuẩn cơ sở do Ngân hàng Nhà nước ban hành, nhằm tiếp tục triển khai chủ trương về thúc đẩy tài chính toàn diện.

Tính năng lớn nhất của thẻ tín dụng nội địa là chủ thẻ chi tiêu trước, trả tiền sau với thời gian miễn lãi lên tới 55 ngày (các thẻ tín dụng thông thường 45 ngày). Loại thẻ này cho phép chủ thẻ giao dịch trong hạn mức cho phép do ngân hàng phát hành thẻ quy định, thông thường là khoảng 100 triệu đồng.

Đối với các giao dịch thanh toán tại đại lý, cửa hàng chấp nhận thẻ, mức phí giao dịch sẽ ở mức từ 1,1 - 1,3% giá trị giao dịch, thấp hơn so với các thương hiệu thẻ khác. Đối với giao dịch rút tiền mặt, mức phí dự kiến từ 1 - 2% giá trị giao dịch (mức thu tối thiểu từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng) cũng thấp hơn rất nhiều so với các thẻ tín dụng quốc tế đang phát hành trên thị trường (hiện đang áp dụng 4%).

Hơn thế, chủ thẻ có thể thanh toán khi mua hàng, sử dụng dịch vụ tại các đơn vị chấp nhận thẻ, thanh toán qua Internet, các đơn vị chấp nhận thanh toán trực tuyến. Ngoài việc thanh toán, chủ thẻ tín dụng nội địa còn có thể rút tiền mặt tại tất cả các ATM trong nước, tại Hàn Quốc và một số nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia…

“Câu chuyện tại sao một số người khi cần tiền khẩn cấp phải tìm đến tín dụng đen là do họ không tiếp xúc dịch vụ tài chính chính thức nào cả nên buộc phải tìm đến kênh phí chính thức. Với hai sản phẩm thẻ tín dụng nội địa sẽ giúp người dân có thêm sự lựa chọn. Khi có nhu cầu vốn thì họ sẽ tìm đến ngân hàng. Hy vọng trong 1 - 2 năm tới, lượng thẻ tín dụng sẽ chiếm 15 - 20% trong tổng số thẻ trên thị trường. Còn đối với các thị trường phát triển, thẻ tín dụng chiếm trên 50%", ông Minh nói.

Ông Minh lưu ý thêm, tại các quốc gia phát triển, thẻ tín dụng nội địa chiếm phần lớn và sức sống thẻ tín dụng nội địa rất tốt. Việc ngân hàng cùng bắt tay với NAPAS phát hành thẻ tín dụng nội địa cũng sẽ góp phần hạn chế thanh toán tiền mặt, giúp người dân có thêm lựa chọn về tài chính tiêu dùng, ngăn chặn tín dụng đen.

Ngoài thẻ tín dụng nội địa, NAPAS và các ngân hàng còn phối hợp phát hành thẻ trả trước nội địa gồm thẻ trả trước định danh và thẻ trả trước không định danh. Với loại thẻ này, khách hàng phải nạp tiền vào thì mới thanh toán được. Trước mắt, khách hàng có thể mở tại 4 ngân hàng VietinBank, Sacombank, Vietbank và HDBank.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục