Tín dụng có con số bớt bi quan

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu như 2 quý đầu năm tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,65% thì đến 21/12/2020 đã tăng lên 10,14% và dự báo cả năm có thể đạt khoảng 11%.
Tăng trưởng tín dụng đã cải thiện mạnh mẽ trong nửa cuối năm. Ảnh: Dũng Minh Tăng trưởng tín dụng đã cải thiện mạnh mẽ trong nửa cuối năm. Ảnh: Dũng Minh

Vì sao tín dụng nửa đầu năm “giậm chân tại chỗ”?

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh, thiên tai… dẫn đến cầu tín dụng thấp, cho dù các tổ chức tín dụng đã đưa ra nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, quy mô lớn.

“Nửa đầu năm 2020 tín dụng tăng chậm, thậm chí có thời điểm tăng trưởng âm khiến chúng tôi rất lo lắng, đếm từng con số tín dụng được báo cáo hàng ngày, đồng thời liên tục làm việc với các tổ chức tín dụng để tìm giải pháp”, ông Tuấn Anh nói.

Tăng trưởng tín dụng vẫn “giậm chân tại chỗ”, điều này phần nào đồng nghĩa với việc sản xuất - kinh doanh, thương mại đình trệ và ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế, nên không khó hiểu khi cơ quan quản lý lo lắng và các ngân hàng cùng chung mối quan ngại.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, khác với mọi năm mỗi khi họp về tín dụng là phân tích chất lượng tín dụng, năm nay, họp rất nhiều và nội dung giao ban luôn là “trần” nhau tại sao tín dụng không tăng hay tăng chậm, trong khi nguồn vốn vẫn vào “ầm ầm”?...

“Quá trình trao đổi liên tục trong nội bộ cho thấy, tín dụng tăng chậm do sức hấp thụ vốn trong nền kinh tế yếu, cho dù nguồn vốn huy động vẫn tăng. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán năm nay sôi động cũng phần nào cho thấy nguồn tiền không chảy vào kênh tiết kiệm hay sản xuất - kinh doanh, nên tín dụng bị ảnh hưởng nhất định”, bà Phượng nói.

Ông Jacques Morisset, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới nhận định: “Tăng trưởng tín dụng giảm do giảm nhu cầu của doanh nghiệp và rủi ro cao hơn trong giai đoạn kinh tế suy thoái”.

Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021, ông Tuấn Anh cho biết, trước thực tế trên, ngành ngân hàng đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp về tín dụng như, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thực hiện điều chỉnh linh hoạt các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trên cơ sở đánh giá thực chất tình hình hoạt động, khả năng tài chính và năng lực của từng tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01, Chỉ thị 02 và các thông tư quy định việc tái cấp vốn 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0% để hỗ trợ Ngân hàng Chính sách xã hội cho người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão, lũ miền Trung - Tây Nguyên và hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

“Chính sách tiền tệ và các biện pháp hỗ trợ tài chính tạm thời cũng góp phần đem lại thành công... Tăng trưởng tín dụng được duy trì ở mức cao, gấp 3-3,5 lần so với tăng trưởng GDP, qua đó tạo kênh dẫn vốn cho các doanh nghiệp và hộ gia đình, giúp họ phòng vệ với hệ quả của suy giảm kinh tế...”, ông Jacques Morisset nói.

Những con số đỡ bi quan

Thực tế cho thấy, các biện pháp khẩn trương, mạnh mẽ đã mang lại những kết quả đỡ bi quan hơn so với kịch bản đầu năm. Bà Phượng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Agribank không tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá với nợ xấu là 1,71%, tín dụng của Ngân hàng đã đạt 7%, tương đương khoảng 850.000 tỷ đồng và dự kiến đến cuối năm sẽ nâng lên 8%, đạt chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước giao từ 8-10%.

“Tỷ lệ Agribank cho vay nông nghiệp - nông thôn thường ở quanh mức 70% và giai đoạn vừa qua là 67% tổng dư nợ, thực hiện đúng nhiệm vụ Ngân hàng Nhà nước giao là duy trì 2/3 nguồn vốn phục vụ tam nông”, bà Phượng nói và chia sẻ thêm, tại Agribank, tín dụng luôn tăng cao quý cuối năm bởi tính mùa vụ của nông nghiệp phục vụ cho vụ đông - xuân và bà con chuẩn bị hàng hóa cho dịp tết nên nhu cầu vay thường tăng mạnh và có giảm nhẹ đầu năm khi kết thúc vụ thu hoạch, nhưng gối tiếp vụ mùa nên dư nợ lại tăng.

Còn tại BIDV, một lãnh đạo cao cấp ngân hàng này chia sẻ: “Tăng trưởng tín dụng BIDV tính đến thời điểm hiện tại khoảng 7%. Tổng dư nợ đưa ra nền kinh tế tăng khoảng 80.000-90.000 tỷ đồng lên gần 1,2 triệu tỷ đồng, từ mức gần 1,1 triệu tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2019”.

Nhìn lại quá trình tăng trưởng từ đầu năm nay, ông Tuấn Anh thông tin, nếu như tại thời điểm cuối quý I tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 1,31%, thì cuối quý II đã tăng lên 3,65%, hết quý III tăng 6,08% và đến 21/12/2020 tăng 10,14%. Trong đó, cơ cấu tín dụng chuyển dịch phù hợp với cơ cấu các ngành trong GDP, cụ thể, so với cuối năm 2019, dư nợ tín dụng đối với ngành nông - lâm - thủy sản tăng khoảng 8,63% (chiếm 8,59% tổng dư nợ toàn nền kinh tế); ngành công nghiệp và xây dựng tăng 8,9% (chiếm 28,38%); ngành thương mại - dịch vụ tăng 11,5% (chiếm 63,03%).

“Tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. So với cuối năm 2019, tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 10,4%; nông nghiệp - nông thôn tăng khoảng 9,8%; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11%...”, ông Tuấn Anh nói.

Điều hành tín dụng theo hướng mở rộng

Để góp phần đạt được mức tăng trưởng GDP năm 2021 là 6% theo mục tiêu Quốc hội giao, trên tinh thần bám sát các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chỉnh phủ, căn cứ diễn biến kinh tế vĩ mô và thực tế, ông Tuấn Anh cho biết, cơ quan quản lý sẽ điều hành tín dụng theo hướng mở rộng.

Cụ thể, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là các dự án trọng điểm, có hiệu quả, có sức lan tỏa; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Bên cạnh đó, tích cực phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau để kịp thời nắm bắt và xử lý khó khăn cho khách hàng vay vốn.

“Tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể kéo dài và tiếp tục tác động tiêu cực đến kinh tế, thương mại trong nước”, ông Tuấn Anh nói.

Đồng thời, phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của doanh nghiệp và người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen” cũng như tiếp tục đơn giản hóa các quy trình, thủ tục nội bộ để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng.

“Dự kiến tín dụng cả năm 2020 sẽ tăng khoảng 11% so với cuối năm 2019, chúng tôi đã bắt đầu bớt lo lắng”, ông Tuấn Anh chia sẻ.

Theo Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã áp dụng chính sách tiền tệ theo mục tiêu ổn định giá trị đồng nội tệ, lãi suất trong nước được duy trì ổn định, tăng trưởng tín dụng cũng được thường xuyên rà soát và điều chỉnh. Chính sách tiền tệ thận trọng phần nào được nới lỏng hơn vào thời điểm bắt đầu khủng hoảng Covid-19, khi các cấp có thẩm quyền quyết định tháo gỡ khó khăn cho các khu vực kinh tế.

Trong kế hoạch hỗ trợ tổng thể, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành 100 điểm cơ bản vào tháng 3, giảm thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 8 và sau đó giảm thêm 50 điểm cơ bản vào ngày 1/10. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước còn cho phép các ngân hàng linh hoạt về yêu cầu dự phòng và giãn nợ cho khách hàng để giúp các ngân hàng nói riêng, toàn hệ thống ngân hàng nói chung, chống chịu khủng hoảng.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục