Tín dụng cho dự án PPP còn nhiều hạn chế, 5 giải pháp tháo gỡ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bà Đỗ Thị Bích Hồng, Viện Chiến lược, Ngân hàng Nhà nước cho biết, nguồn vốn vay ngân hàng là kênh chính trong các phương thức tài trợ vốn cho các dự án PPP bởi các dự án này luôn có nhu cầu về vốn lớn.
Bà Đỗ Thị Bích Hồng, Viện Chiến lược, Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại Hội thảo Bà Đỗ Thị Bích Hồng, Viện Chiến lược, Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại Hội thảo

Nhận định trên được đưa ra tại Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển hạ tầng một số lĩnh vực kinh tế-xã hội của Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức sáng nay (ngày 11/7).

Tín dụng cho PPP tiềm ẩn nhiều rủi ro

Bà Hồng thông tin, tính đến 31/3/2023, đã có 22 TCTD thực hiện cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, tổng hạn mức cấp tín dụng là 166.819 tỷ đồng, thời hạn phổ biến 10-15 năm; tổng dư nợ cấp tín dụng là 92.015 tỷ đồng, chiếm 0,75% tổng dư nợ cấp tín dụng đối với nền kinh tế.

Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển hạ tầng một số lĩnh vực kinh tế-xã hội của Việt Nam”

Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển hạ tầng một số lĩnh vực kinh tế-xã hội của Việt Nam”

Tăng trưởng tín dụng mạnh nhất trong giai đoạn 2011- 2015 do các dự án BOT, BT giao thông được triển khai mạnh. Từ năm 2016 đến nay, rất ít phát sinh các dự án mới, các ngân hàng chủ yếu giải ngân và thu nợ đối với các dự án đã cam kết cấp tín dụng.

“Nguồn vốn ngân hàng góp phần đảm bảo tiến độ, khối lượng đầu tư xây dựng các công trình giao thông, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển hạ tầng giao thông phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước”, bà Hồng nói.

Cũng theo bà Hồng, dư nợ tín dụng đối với các dự án PPP trong lĩnh vực khác chiếm từ 9 - 13% tổng dư nợ tín dụng đối với các dự án PPP (quy mô khoảng 10 - 15 nghìn tỷ đồng). Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng không đồng đều qua các năm (cao nhất trong những năm đầu của giai đoạn 2016-2017, nhưng năm tiếp theo duy trì trung bình ở mức 3-4%. Các dự án tập trung chủ yếu trong lĩnh vực xử lý nước, rác thải (chiếm khoảng 56%), điện (chiếm khoảng 29%), còn lại là các lĩnh vực khác.

Mặc dù vậy, bà Hồng cho biết, do đặc thù tín dụng ngân hàng đối với các dự án PPP, việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư này còn nhiều hạn chế.

Thứ nhất, các dự án giao thông đầu tư mới chủ yếu sử dụng vốn NSNN, chỉ có 05 dự án BOT sử dụng vốn tín dụng. Dư nợ tăng trưởng tín dụng có xu hướng giảm dần qua các năm do TCTD chủ yếu giải ngân, thu nợ đối với các dự án cũ. Tỷ trọng dư nợ các dự án PPP trên tổng dư nợ cấp tín dụng của nền kinh tế ở mức thấp (chỉ khoảng 1%). Nhiều dự án có doanh thu phí không đạt như phương án tài chính ban đầu (khoảng 50 dự án với dư nợ 66.919 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại 4 ngân hàng có tổng hạn mức cấp tín dụng lớn).

Thứ hai, so với tín dụng dự án thông thường, điểm khác biệt của tín dụng ngân hàng đối với các dự án PPP là các khoản vay dự án PPP thường ở dạng miễn truy đòi (non - recourse loans) hoặc truy đòi hạn chế (limited recourse loans). Nói cách khác, ngân hàng cho vay mà không có vật đảm bảo hoặc bảo lãnh từ các tài sản của dự án. Việc hoàn trả khoản nợ gốc và lãi của ngân hàng chỉ có thể dựa vào dòng tiền hoạt động của dự án.

“Trong giai đoạn đầu của dự án, doanh thu của dự án là tương đối thấp, do đó rủi ro vỡ nợ trong trường hợp này là tương đối cao. Vì vậy, rủi ro tín dụng là yếu tố quan trọng cần được các ngân hàng xem xét trong quá trình tham gia các dự án PPP”, bà Hồng nói.

Minh chứng cho việc cấp tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro (do vốn tự có của dự án chiếm tỷ trọng thấp, chỉ khoảng 20-25%, vốn vay lớn) dẫn đến nợ xấu cao, số liệu của NHNN cho biết, năm 2021 ở mức 7,23%, trong đó 6 dự án với tổng dư nợ 12.721 tỷ đồng đã chuyển sang nợ xấu, doanh thu chỉ đạt mức thấp (khoảng 20-30%) so với phương án tài chính tại hợp đồng dự án). Đến 31/3/2023, nợ xấu là 1.019 tỷ đồng, chiếm 1,11% tổng dư nợ tín dụng.

Thứ ba, dư nợ tín dụng đối với các dự án PPP trong lĩnh vực khác còn khá nhỏ (dưới 15 nghìn tỷ đồng), chưa tương xứng với nhu cầu vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.

Đi tìm những nguyên nhân

Theo bà Hồng, năng lực tài chính của nhiều nhà đầu tư kém, khó có khả năng chống đỡ khi có những biến động trái chiều. Nhiều trường hợp không đủ vốn sở hữu tham gia vào dự án theo đúng cam kết khi tổng mức đầu tư phát sinh tăng hoặc nguồn thu của dự án không đạt như dự kiến; dẫn đến khó khăn trong việc bổ sung vốn tự có tham gia hoặc thu xếp trả nợ ngân hàng, phải dừng thực hiện dự án.

“Bên cạnh đó là sự sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính, do việc điều chỉnh phương án thu phí của nhà nước nằm ngoài dự tính tại phương án tài chính ban đầu… ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng. Đồng thời, việc quyết toán chậm được phê duyệt, thời gian thu phí chậm được điều chỉnh, ảnh hưởng đến việc xem xét cơ cấu thời gian trả nợ của TCTD”, bà Hồng nhận định.

Đối với các TCTD, thực tế cho thấy, nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, việc cho vay bị ràng buộc bởi quy định giới hạn về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Do đó, không hoàn toàn phù hợp với việc cho vay các dự án đầu tư cho cơ sở hạ tầng nói chung và các dự án BOT giao thông nói riêng do nhu cầu vốn của các dự án này thường lớn và dài hạn, rủi ro cao, mức sinh lời thấp, thu hồi vốn chậm.

Việc xử lý tài sản đảm bảo của dự án thường khó khăn và kéo dài, TCTD có thể gặp phải rủi ro tín dụng trong trường hợp dự án đầu tư PPP dừng trước hạn, do tài sản bảo đảm các khoản vay đối với các dự án BOT chủ yếu là quyền thu phí, cần sự phối hợp cụ thể với nhà đầu tư và cơ quan có thẩm quyền (như Bộ Giao thông Vận tải) trong lựa chọn nhà đầu tư thay thế khi dự án có doanh thu không đủ trả nợ vay.

“Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 bắt đầu từ cuối năm 2019 đã tác động mạnh và trực tiếp đến các doanh nghiệp BOT, làm giảm khoảng 30-40% lưu lượng phương tiện vận chuyển, ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ ngân hàng, đặc biệt các dự án trước đó đã có doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu dự kiến càng khó khăn hơn trong việc trả nợ vốn vay”, bà Hồng thông tin

5 giải pháp tháo gỡ vướng mắc

Theo ước tính của ADB, từ nay đến năm 2030, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam vào khoảng 480 tỷ USD. Như vậy, chỉ riêng nguồn vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng cần ít nhất 20 tỷ USD/năm.

Báo cáo “Khảo sát nhà đầu tư kết cấu hạ tầng toàn cầu năm 2019” do Viện Nghiên cứu cơ sở hạ tầng EDHEC (Singapore) phối hợp với Global Infrastructure Hub thực hiện cũng khẳng định, Việt Nam thuộc top 5 quốc gia đang phát triển có thị trường hạ tầng nhiều tiềm năng nhất trong 5 năm tới.

Theo đó, Chính phủ Việt Nam xác định nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển mạng lưới cao tốc Việt Nam trong giai đoạn 2020-2030 là 599.186 tỷ đồng, sau giai đoạn 2030 là 460.474 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với giới hạn tỷ lệ trần nợ công so với GDP được Quốc hội cho phép (tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021: Trần nợ công hằng năm không quá 60% GDP, trần nợ chính phủ hàng năm không quá 50% GDP, trần nợ nước ngoài quốc gia hằng năm không quá 50% GDP), việc huy động nguồn vốn ngân sách để đầu tư cho giao thông sẽ rất hạn chế.

Nguồn: NHNN

Nguồn: NHNN

Theo đó, để đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa đầu tư các dự án PPP, tăng cường thu hút nguồn vốn tín dụng trong đầu tư các dự án, xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động cấp tín dụng đối với dự án PPP, bà Hồng khuyến nghị một số giải pháp.

Một là, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho đầu tư theo hình thức PPP;

Hai là, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương;

Ba là, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ tăng tính khả thi, hiệu quả của dự án, đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực thật sự, giảm thiểu rủi ro cho các TCTD trong việc tài trợ đối với các dự án cơ sở hạ tầng lớn, quan trọng, cấp bách (cần có quy định linh hoạt mức vốn Nhà nước hỗ trợ dự án phân loại theo từng quy mô, xây dựng cơ chế chia sẻ rủi ro thông qua bảo lãnh doanh thu...);

Bốn là, tăng cường huy động các nguồn vốn dài hạn, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng thông qua phát hành trái phiếu trong và ngoài nước, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn ODA vào phát triển các dự án, ưu tiên các nguồn vốn không yêu cầu bảo lãnh của Chính phủ. Nghiên cứu khả năng thành lập quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng để quản lý phần vốn Nhà nước hỗ trợ dự án PPP…;

Năm là, nâng cao năng lực tài chính của các doanh nghiệp thực hiện dự án thông qua tăng tỷ lệ vốn tự có tham gia dự án; đa dạng hóa các kênh huy động vốn, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục