Ngân hàng đóng vai trò chủ lực
Tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc tại Mộc Châu - Sơn La về tiếp tục hoàn thiện và nâng cao vai trò chính sách tín dụng ưu đãi đối với khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tổ chức cho thấy, không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà tín dụng chính sách cần có những nguồn lực, cơ chế để người dân thoát nghèo bền vững.
Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HÐQT CTCP chăn nuôi Minh Thúy Chiềng Chung cho biết, mặc dù nhận được sự quan tâm và tạo điều kiện của UBND tỉnh Sơn La, UBND huyện Mai Sơn cho Công ty có quỹ đất để xây dựng, nhưng giai đoạn đầu, Công ty gặp muôn vàn khó khăn, đặc biệt trong vấn đề về vốn.
Với sự quyết tâm của Ban lãnh đạo Công ty, sự đồng hành thấu hiểu của Agribank Chi nhánh tỉnh Sơn La đã tạo điều kiện cho Công ty vay với số tiền 82 tỷ đồng để thực hiện dự án.
“Từ năm 2016 đến nay, Công ty đã hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động với quy mô đàn 2.400 lợn nái sinh sản và 20.000 lợn thịt thương phẩm/năm; diện tích chuồng trại 32.000 m2.
Dự án đi vào hoạt động với quy mô đàn như thiết kế, Công ty đã có sản phẩm cung cấp ra ngoài thị trường, tạo công ăn, việc làm cho 150 lao động tại địa phương, với mức lương ổn định từ 5 triệu đồng/tháng trở lên”, ông Minh nói.
Ông Kiều Quốc Nhật, Phó giám đốc Hợp tác xã Chanh leo Mộc Châu chia sẻ, Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã tạo điều kiện cho Hợp tác xã vay vốn với lãi suất ưu đãi ngay từ những ngày đầu thành lập; nguồn vốn được dành đầu tư cho vật tư đầu vào, sản xuất như giống cây trồng, phân bón, phương tiện vận tải phục vụ thu mua…
Ðược biết, năng suất Hợp tác xã hiện tại ước tính giá trị sản phẩm đạt khoảng 200 triệu đồng/ha và năm 2018, lợi nhuận Hợp tác xã đạt hơn 1,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Sơn Vương, Phó giám đốc CTCP Chè Cờ Ðỏ cho biết, năm 2006 chuyển đổi thành CTCP từ nông trường quốc doanh khiến doanh nghiệp gặp một số vướng mắc. Nhưng nguồn vốn vay ưu đãi từ Agribank đã hỗ trợ Công ty đầu tư cơ sở hạ tầng mới, đầu tư tái sản xuất, đáp ứng chi trả lương nhân công…
Ðặc biệt, từ đầu năm 2019, doanh nghiệp đã đầu tư chuyển 2 xưởng chế biến về gần nhau để thuận lợi cho sản xuất, đầu tư thêm dây chuyền sản xuất, máy móc mới để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu cao hơn của thị trường xuất khẩu.
Cũng từ nguồn vốn vay này, Công ty đã mạnh dạn thay giống chè mới là chè hương Bắc Sơn, thay dần giống chè cũ. Mỗi năm, Công ty xuất khẩu khoảng 600 tấn chè sang thị trường Ðài Loan và Ðông Âu.
Bên cạnh đó, Công ty tạo công ăn, việc làm cho 256 hộ gia đình tại 3 bản Nà Tân, Nậm Tôm, Bà Hía là những người dân tái định cư từ vùng hồ Thủy điện Sơn La, với mức bình quân thu nhập 4 - 4,5 triệu đồng người/tháng.
“Hiện tại, Công ty vay của Agribank 24 tỷ đồng, Trong nhiều năm qua, trong quá trình chuyển đổi và phát triển, Công ty luôn được hưởng mức tín dụng ưu đãi của Agribank như năm 2017, 2018, mức lãi suất là 6,5%/năm và năm 2019, Công ty vay ngắn hạn 8 tỷ đồng, mức lãi suất 6%/năm”, ông Vương nói.
Chị Nguyễn Thị Thiết, công nhân CTCP Chè Cờ Ðỏ chia sẻ, thu nhập của chị đạt 7 - 8 triệu đồng/ tháng, đảm bảo trang trải chi phí cho con cái đi học, sinh hoạt trong gia đình và còn dành tiền xây được nhà, sắm được xe máy. Bên cạnh đó, các công nhân ở doanh nghiệp còn tham gia đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chính vì vậy, chị đã gắn bó với Công ty 14 năm nay.
Tiếp tục “cuộc chiến” chống tái nghèo và giảm tín dụng đen
Ông Ðào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho biết, với mạng lưới 176 chi nhánh cấp 1; 151 quỹ tín dụng nhân dân và 1.052 chi nhánh trực thuộc và phòng giao dịch, trong đó Agribank, NHCSXH đã phát triển mạng lưới, điểm giao dịch đến các phường, xã trong toàn khu vực, hệ thống tổ chức tín dụng ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn sản xuất - kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống đến khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Có tình trạng người dân ở một vài địa phương không muốn vào nhóm thoát nghèo để vẫn được hưởng những cơ chế ưu đãi.
Ðến hết tháng 7/2019, huy động vốn của khu vực đạt 381.603 tỷ đồng, tăng 9,08% so với năm 2018 (cao hơn mức tăng chung toàn quốc là 6,87%), chiếm khoảng 4,5% tổng nguồn vốn huy động toàn quốc.
Dư nợ tín dụng cho khu vực đạt khoảng 409.552 tỷ đồng, tăng 4,87% so với năm 2018, chiếm 5,29% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, trong đó dư nợ cho vay theo lĩnh vực ưu tiên đều có xu hướng tăng.
“Cụ thể, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn trong khu vực tăng 2,39% so với cuối năm 2018, chiếm khoảng 9% dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 1,96% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng 5,1% dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa toàn quốc”, ông Tú nói.
Ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank cho hay, đóng góp một phần vào kết quả trên, Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp; đặc biệt, với đặc thù hoạt động tại các địa bàn nông thôn rộng lớn, nhằm giúp khách hàng tiếp cận vốn ngân hàng nhanh chóng và thuận lợi, Agribank đã được NHNN phê duyệt Ðề án điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng.
Ðến nay, Agribank đã triển khai thành công giai đoạn I của đề án với 68 xe; trong thời gian tới, Agribank định hướng tiếp tục triển khai điểm giao dịch lưu động đến 50% số xã, huyện trên toàn quốc.
“Trong đó, tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc, mô hình điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng được triển khai rộng rãi tại 13 chi nhánh với 14 xe, đạt kết quả tốt với 1.618 phiên giao dịch phục vụ gần 200.000 khách hàng, giải ngân gần 200 tỷ đồng, thu nợ gốc và lãi số tiền gần 500 tỷ đồng. Ngoài ra, điểm giao dịch lưu động đã thực hiện một số nghiệp vụ khác như chi trả kiều hối, mở tài khoản, phát hành thẻ, bán bảo hiểm…”, ông Thành nói.
Ðại diện NHCSXH, ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc cho biết, để chuyển tải vốn tín dụng chính sách xã hội đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo trong điều kiện tiết giảm chi phí quản lý, chi phí xã hội..., NHCSXH đã thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù: phân công, phân cấp trách nhiệm trong việc xác định hộ nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện vay vốn; thực hiện dân chủ, công khai trong cộng đồng dân cư; kết hợp sự tham gia của 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác với vai trò giám sát xã hội và làm ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách…
Mặc dù kết quả đạt được khả quan, nhưng ông Tú cho biết, NHNN đã nắm được có tình trạng người dân ở một vài địa phương không muốn vào nhóm thoát nghèo để vẫn được hưởng những cơ chế ưu đãi.
“Thứ nhất, cần sự tuyên truyền rộng rãi, nâng cao nhận thức trách nhiệm của chính quyền địa phương cơ sở. Thứ hai, đối với người dân, cần có cơ chế tín dụng tiếp theo. Khi người dân mới thoát nghèo, cần có nguồn lực, cơ chế chính sách để hỗ trợ họ thoát nghèo bền vững. NHNN đã và đang trình Chính phủ cho phép bổ sung một chương trình cho vay thoát nghèo để người dân tiếp cận được nguồn vốn cho sản xuất - kinh doanh, tạo thu nhập, chống tái nghèo và giảm tín dụng đen”.