Hội thảo “Những thông lệ tốt nhất về tài chính nông nghiệp, nông thôn dành cho người nghèo - Kinh nghiệm của Việt Nam” do Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Hiệp hội tín dụng Nông nghiệp nông thôn châu Á - Thái Bình Dương (APRACA), Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) đã được tổ chức sáng nay 5/9.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo.
Tại hội thảo, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh, sau hơn 30 năm đổi mới, tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam luôn được Đảng, Chính phủ và ngành Ngân hàng đặc biệt quan tâm. Trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, chính sách tín dụng dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội đảm nhận.
Ông Tú cho biết, cùng với đó, các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho khu vực nông nghiệp, nông thôn được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo triển khai rộng khắp trong toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và trên phạm vi cả nước.
Đặc biệt, từ năm 2006 đến nay, các chương trình tín dụng của ngành Ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cho người nghèo là một trong những “trụ cột” của hệ thống chính sách giảm nghèo ở Việt Nam.
“Vì vậy, dòng vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần quan trọng cùng các dòng vốn đầu tư khác của nhà nước, của doanh nghiệp và người dân giúp Việt Nam hoàn thành Mục tiêu thiên niên kỷ về xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói vào năm 2002, sớm hơn 13 năm so với mục tiêu đặt ra; đồng thời đưa Việt Nam từ một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp chuyển mình thành một quốc gia có thu nhập trung bình từ năm 2010 với quy mô kinh tế đạt trên 220 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.385 USD năm 2017”, Phó Thống đốc Tú nói.
Trong những năm qua, NHNN Việt Nam đã tổ chức xây dựng kế hoạch, tham mưu cho Chính phủ Việt Nam ban hành và triển khai chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách tín dụng liên quan đến nông nghiệp, nông thôn và giảm nghèo... và đồng hành trong hành trình giúp người nghèo vươn lên phát triển kinh tế, luôn có sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành Ngân hàng nói chung và Ngân hàng Chính sách xã hội nói riêng.
Ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội phát biểu tại Hội thảo
Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi một cách thuận tiện để phát triển kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội đã chia sẻ tại Hội thảo, với hơn 20 chương trình tín dụng dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách, tổng dư nợ đến nay đạt 182.988 tỷ đồng, với hơn 6,7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ; trong đó tỷ trọng tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tới gần 94% tổng dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã phường, thị trấn trên cả nước.
Ông Thắng cho biết thêm, trong hơn 15 năm qua, nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần giúp trên 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút và tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động.
Đồng thời, giúp hơn 3,5 triệu học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,7 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; gần 525 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trên 104 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trên 111 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài....
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng và tổ chức thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù của Việt Nam thông qua việc ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội giúp đưa vốn tín dụng chính sách đến tận tay và đúng đối tượng thụ hưởng với chi phí thấp nhất và đạt chất lượng tín dụng cao nhất với tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,81%.
Thông qua các tổ chức chính trị - xã hội với vai trò vừa là người giám sát, vừa làm ủy thác một số nội dung công việc trong nghiệp vụ tín dụng. Với phương thức này hoạt động tín dụng ngân hàng không còn là công việc riêng của ngành ngân hàng mà đã từng bước được xã hội hóa - tạo điều kiện cho chính quyền, ngân hàng, các tổ chức chính trị - xã hội nhất là cấp cơ sở thường xuyên tiếp cận với nhân dân. Tín dụng chính sách thực sự đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ khách hàng, tín dụng xanh và tín dụng có trách nhiệm xã hội cao.
Mặc dù đã đạt được thành công nhất định trong thúc đẩy hoạt động tài chính nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là các hoạt động vì người nghèo, Phó Thống đốc Tú cho rằng, Việt Nam cũng như các nước trong khu vực vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Cụ thể như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, tài nguyên cạn kiệt… trong đó, sản xuất nông nghiệp là ngành chịu ảnh hưởng mạnh và rõ nét nhất.
"Khi tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại, đồng nghĩa với thu nhập của một bộ phận người dân sẽ ít được cải thiện hơn và người nghèo sẽ là nhóm dễ bị tổn thương hơn cả" Phó Thống đốc Tú nói.
Theo ông Tú, những vấn đề này đã, đang và sẽ đặt ra nhiều thách thức cho công tác giảm nghèo nói chung và hoạt động tín dụng nông nghiệp, nông thôn dành cho người nghèo nói riêng.
“Cần tập trung đánh giá một cách sâu sắc một số nội dung căn bản sau: thứ nhất, thực trạng tài trợ vốn và hạ tầng thể chế phục vụ cho nông thôn; thứ hai, tổng kết về thông lệ tốt nhất về tài chính nông thôn ở Việt Nam; thứ ba, nhận diện mô hình kinh doanh tài chính, kênh phân phối cho người nghèo ở khu vực nông thôn; thứ tư, thảo luận về những thông lệ tốt nhất cho tài chính nông thôn đến từ các nước; thứ năm, nhận diện những thách thức và các mảng cần tập trung trọng điểm để các tổ chức tài chính ở cấp quốc gia có thể mở rộng quy mô...”, ông Tú nhấn mạnh.