Tín dụng 8 tháng tăng hơn 4% đã là... tích cực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang phủ bóng đen lên triển vọng tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm, việc tín dụng 8 tháng tăng hơn 4% được đánh giá là tích cực.
Tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 được dự báo ở mức 8-9%. Tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 được dự báo ở mức 8-9%.

Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tín dụng tăng trưởng chậm với con số hơn 4% so với cuối năm ngoái trong bối cảnh thanh khoản của toàn hệ thống dồi dào.

Không khó để nhận thấy các ngân hàng rất khó khăn trong việc thúc đẩy cho vay mới. Ðơn cử, với ngành dịch vụ, trong quý II/2020, tăng trưởng ngành này sụt giảm 1,8% so với cùng kỳ (từ mức tăng 3,3% được ghi nhận trong quý I/2020) do tất cả các hoạt động dịch vụ đều giảm mạnh trong tháng 4/2020, khi toàn quốc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn đà lây lan của Covid-19.

“Mặc dù ngành dịch vụ đã ghi nhận xu hướng phục hồi trong giai đoạn tháng 5-7 sau khi Chính phủ dần nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội, nhưng sự phục hồi này có thể bị chững lại trong những tháng tới do làn sóng Covid-19 thứ hai diễn ra từ cuối tháng 7”, giám đốc khối bán lẻ một ngân hàng cổ phần nhận định.

Tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm 2020 (%YTD).

Tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm 2020 (%YTD).

Bên cạnh đó, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam (do IHS Markit công bố) giảm xuống mức 47,6 điểm trong tháng 7/2020 từ mức 51,1 điểm trong tháng 6/2020, cho thấy sự thu hẹp của hoạt động sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam tháng 7/2020 chỉ tăng 3,6% so với tháng trước (thấp hơn mức tăng 10,3% của tháng 6/2020) và tăng 1,1% so với cùng kỳ 2019 (thấp hơn mức 7,2% trong tháng 6/2019).

Ngành nông, lâm, thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 1,2% so với cùng kỳ 2019 - thấp nhất trong giai đoạn 2017-2020, do ngành này chịu tác động tiêu cực bởi thương mại xuyên biên giới bị thắt chặt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát. Xét theo các phân ngành nhỏ hơn, mức tăng cũng thấp: Nông nghiệp tăng 0,8%; lâm nghiệp tăng 2,2% và thủy sản tăng 2,4%.

Ðặc biệt, Covid-19 đã tác động tiêu cực đến thị trường lao động và việc làm tại Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tại Việt Nam tăng lên 2,7% trong quý II/2020 (so với mức 2,2% trong giai đoạn quý II/2019 - quý I/2020) và là mức cao nhất trong vòng một thập kỷ qua. Số người thiếu việc làm trong trong độ tuổi lao động tăng lên gần 1,5 triệu người, tăng 363.900 người so với quý trước và tăng 726.600 người so với cùng kỳ 2019.

Thu nhập của người lao động cũng suy giảm do đại dịch Covid-19 với mức bình quân hàng tháng của lao động làm công hưởng lương trong quý II/2020 giảm 9,2% so với quý trước và giảm 4,9% so với cùng kỳ 2019.

Trong bối cảnh lạm phát đang có xu hướng giảm tốc, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa yêu cầu NHNN quan tâm mở rộng tín dụng, bảo đảm mức tăng cần thiết để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, nhất là những lĩnh vực ưu tiên.

Trước đó tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương diễn ra hồi đầu tháng 7, Thủ tướng thậm chí còn chốt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ít nhất là 10% trong năm nay. Muốn đạt được mục tiêu này, những tháng cuối năm bình quân tín dụng sẽ phải tăng khoảng 1,3% mỗi tháng, điều không hề đơn giản…

Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, vấn đề quan trọng hiện nay là ngân hàng có tiền mà không cho vay được, kể cả khi giảm lãi suất cho vay, do thị trường rơi vào tình trạng tắc nghẽn chuỗi sản xuất và phân phối, nên cả cung và cầu đều rất kém.

“Với bối cảnh trên, rõ ràng, tăng trưởng dư nợ được hơn 4% như hiện nay đã là rất tốt. Nếu cứ cố để tăng dư nợ, thậm chí phải hạ chuẩn tín dụng, thì sẽ khó tránh được rủi ro và đẩy các ngân hàng vào tình cảnh ‘đứng cho vay, quỳ thu nợ’”, vị giám đốc khối bán lẻ trên nói.

Báo cáo mới nhất Ðiểm lại tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhận định, một hiệu ứng khi nới lỏng cho vay là một số ngân hàng có thể thấy kết quả kinh doanh kém đi do tỷ lệ nợ xấu trong danh mục tăng lên.

Dữ liệu theo thời gian thực khó có thể có được, nhưng những ước tính gần đây cho thấy chất lượng tài sản có ở một số ngân hàng đã giảm sút trong điều kiện lợi nhuận của các doanh nghiệp đi xuống trong vài tháng qua.

“Ðến giữa năm 2020, khoảng 1/4 danh mục vốn vay của Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và một số có khả năng trở thành nợ xấu”, báo cáo của WB nhận định.

Số liệu của NHNN cho biết, ước tính có khoảng 2,5 triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh (khoảng 30% tín dụng toàn hệ thống), điều này tiềm ẩn rủi ro với hoạt động ngân hàng.

Theo vị lãnh đạo cao cấp NHNN, nhiệm vụ của hệ thống ngân hàng là cung cấp đủ vốn cho nền kinh tế và vốn hiện đang rất thừa, phần còn lại là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Tín dụng hiện nay phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế, có hoạt động kinh tế doanh nghiệp mới đi vay và khi đó mới có tín dụng. Doanh nghiệp không muốn vay, ngân hàng không thể cố ép.

“Vỗ tay phải được thực hiện bằng cả hai tay. Hệ thống ngân hàng chỉ là một tay, tay còn lại phải là của doanh nghiệp và nền kinh tế”, vị lãnh đạo NHNN ví von.

Chia sẻ với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Ðinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô, Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo: “Khả năng nhu cầu tín dụng trong những tháng cuối năm vẫn ở mức thấp do nhiều doanh nghiệp quyết định tạm dừng mở rộng hoạt động kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát. Theo đó, dự báo tín dụng cả năm 2020 sẽ tăng khoảng 8-9% so với năm 2019, trong khi cung tiền M2 sẽ tăng nhanh hơn một chút, ở mức 9-10%”.


Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục