Trong sách kinh tế học, mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp dường như luôn được nói tới là tối đa hoá lợi nhuận. Tuy nhiên, rủi ro càng lớn, lợi nhuận càng cao. Theo cách hiểu đó, tối đa hoá lợi nhuận đồng nghĩa với tối đa hoá rủi ro và chắc chắn chủ sở hữu công ty không cho phép các nhà quản trị doanh nghiệp thực hiện điều đó. Vậy mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp là gì?
Muốn biết điều này, cần phân tích động cơ cổ đông của doanh nghiệp, bởi họ là chủ sở hữu thực sự của doanh nghiệp. Quyền lợi của cổ đông bao gồm: cổ tức được phân phối hàng năm; lợi nhuận để lại tái đầu tư và làm tăng giá cổ phiếu; quyền kiểm soát công ty. Nói chung, không phải tất cả cổ đông quan tâm tới quyền kiểm soát hay chính xác hơn, phần lớn cổ đông không quan tâm đến quyền lợi này. Song nhìn chung, các cổ đông đều mong muốn thu nhập của họ tăng càng nhiều càng tốt, hay nói cách khác, cổ đông luôn muốn tăng tối đa giá trị tài sản của họ. Đây là nguyện vọng chính đáng của cổ đông mà các nhà quản lý cần phải tôn trọng.
Mục tiêu trên không phải là tất cả. Những nhà quản trị công ty, các sáng lập viên do phải nắm giữ các cổ phiếu lâu dài nên họ dường như không quan tâm đến sự tăng giá trong ngắn hạn. Họ là những nhà đầu tư không muốn nhận cổ tức với lý do không phải họ quá giàu, mà là động cơ tránh thuế (giữ lợi nhuận tái đầu tư chưa phải đóng thuế thu nhập từ cổ tức). Muốn có cổ tức cao, tăng giá cổ phiếu lớn, công ty phải đầu tư vào các dự án có mức sinh lời cao. Khi công ty có lợi nhuận cao, các nhà quản lý cũng không được nhiều hơn các cổ đông khác, do chính sách phân phối "phổ thông đầu phiếu" - thu nhập của mỗi cổ phiếu là như nhau. Song lợi nhuận cao cũng đi kèm với rủi ro lớn. Khi mất giá, các nhà quản lý sẽ mất nhiều hơn các cổ đông khác. Đây là vấn đề luôn tồn tại trong các doanh nghiệp. Do đó, các nhà quản lý không hết lòng vì các cổ đông, họ làm việc chính vì bản thân họ.
Tuy nhiên, do cần phiếu bầu, các nhà quản lý phải làm vừa lòng các cổ đông bằng cách luôn làm tăng giá trị tài sản của họ. Xung đột lợi ích giữa cổ đông bên ngoài và các nhà quản lý, các cổ đông lớn sẽ được giải quyết bằng cách dung hoà các mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định giá trị tài sản của chủ sở hữu. Giá trị được phản ánh qua giá cả và việc can thiệp vào giá cả để duy trì tốc độ tăng trưởng là được phép (qua chính sách phân phối cổ tức, qua tách gộp cổ phiếu, qua mua bán cổ phiếu quỹ…). Do vậy, có thể nói, mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp là duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định thị giá cổ phiếu trên thị trường.