Tìm hiểu tình hình tài chính doanh nghiệp

(ĐTCK-online) Cùng tìm hiểu về tình hình tài chính doanh nghiệp thông qua các chỉ tiêu như: Vòng quay của tiền; Doanh thu, chi phí và hàng tồn kho; Tài sản, nợ ngân hàng và tiền mặt; Giá trị DN, giá trị vốn chủ sở hữu và giá trị các khoản nợ.
Tìm hiểu tình hình tài chính doanh nghiệp

Vòng quay của tiền

Vòng quay của tiền được tính từ khoảng thời gian giữa thời điểm mà sản phẩm (hay nguyên vật liệu) được DN thanh toán đến thời điểm DN thu hồi tiền từ việc bán sản phẩm. Việc xác định vòng quay hoạt động tiền của DN rất quan trọng do nó có ảnh hưởng đến nhu cầu tài chính của DN. Do vậy, DN thường xuyên nỗ lực thu ngắn vòng quay dòng tiền. Tuy nhiên, mỗi quyết định đưa ra cần cân nhắc sự ảnh hưởng của nó đến chu kỳ hoạt động của DN. Như việc thu ngắn dòng tiền sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ thương mại của DN với khách hàng và nhà cung cấp, dẫn đến khó khăn trong việc kinh doanh của DN.

 

Doanh thu, chi phí và hàng tồn kho

Doanh thu của DN được tính bằng việc lấy doanh thu trừ đi tổng chi phí. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại chi phí được coi là chi phí trong kỳ. Tiêu chuẩn kế toán và luật thuế nghiêm cấm việc loại trừ các loại chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất hàng tồn kho chưa được bán. Những chi phí đó cần được phân bổ vào giá trị hàng tồn kho và được xuất hiện trong bảng cân đối kế toán trong mục tài sản lưu động. Khi hàng tồn kho được bán thì giá trị hàng tồn kho trong bảng cân đối kế toán sẽ giảm xuống. Chi phí sản xuất hàng tồn kho hay giá vốn hàng bán được hiển thị trong báo cáo kết quả kinh doanh theo kỳ.

 

Tài sản, nợ ngân hàng và tiền mặt

Tài sản được phân ra thành tài sản lưu động và tài sản cố định. Điều này cung cấp thông tin hữu ích cho NĐT về giá trị tài sản DN đang sở hữu. Các chỉ số cơ bản có thể tính toán là vòng quay nợ phải thu, vòng quay hàng tồn kho, vòng quay nợ phải trả.

Tình hình tài chính của DN có thể được đánh giá qua việc tính toán các chỉ số tài chính khác nhau. Một số phương pháp đánh giá tình hình tài chính của DN như việc xem xét chỉ số đòn bẩy tài chính, tỷ suất lợi nhuận, lợi nhuận trên tài sản, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu và thanh khoản. Ngoài ra, DN còn được đánh giá dựa trên sự so sánh với các DN cùng ngành khác.

Thông thường, các khoản nợ của DN được phân làm nợ ngắn hạn (không quá một năm), nợ dài hạn (trên một năm), hay một số khoản nợ thỏa thuận cụ thể có sự thỏa thuận về giá trị và thời hạn hoàn trả giữa tổ chức tín dụng và DN. Ngoài ra, lượng tiền mặt của DN được sử dụng hiệu quả hay không là vấn đề quan trọng mà NĐT quan tâm. Có hai nguyên nhân làm tăng lượng tiền của DN là giảm tài sản và tăng nợ hoặc vốn chủ sở hữu. Tương tự, DN có thể sử dụng tiền mặt làm tăng tài sản và làm giảm các khoản nợ hoặc vốn chủ sở hữu.

 

Giá trị DN, giá trị vốn chủ sở hữu và giá trị các khoản nợ

Giá trị tài sản của DN được xác định bởi giá trị của tài sản. Trong trường hợp DN không sử dụng nguồn vốn vay thì giá trị vốn chủ sở hữu cũng chính bằng giá trị của DN. Khi DN huy động nguồn vốn vay thì tổ chức cung cấp  tín dụng được hưởng quyền lợi trước các cổ đông (đối với các khoản lãi vay và vốn). Cổ đông được hưởng quyền lợi dựa trên giá trị còn lại của DN sau khi hòan thành chi trả các khoản nợ và nghĩa vụ. Tổ chức tín dụng có thể yêu cầu các báo cáo về dòng tiền của DN và hoàn trả cả lãi và vốn vay từ phía DN khi đến kỳ hạn.

Bộ phận Tư vấn và Phân tích, CTCK Hà Nội - HSSC
Bộ phận Tư vấn và Phân tích, CTCK Hà Nội - HSSC

Tin cùng chuyên mục