Tìm giải pháp đột phá khôi phục các động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Theo Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Diễn đàn không chỉ bàn về những vấn đề trước mắt, mà giải quyết những vấn đề trước mắt để đặt cơ sở cho việc giải quyết những vấn đề trung hạn và lâu dài.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn.

Nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định khi phát biểu đề dẫn tại Diễn đàn phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, sáng 19/9.

Theo ông Thắng, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro, nhất là nguy cơ lạm phát gia tăng vào cuối năm; nguy cơ đổ vỡ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản chưa thể loại trừ; doanh nghiệp chưa thể đẩy nhanh phục hồi sản xuất, kinh doanh; ngay cả vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao, xuất khẩu vẫn có thể gặp khó nếu các thị trường lớn trên thế giới rơi vào suy thoái.

Niềm tin quyết định khả năng kiểm soát rủi ro

Để xác định kịch bản tăng trưởng trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các vị đại biểu thảo luận, tìm ra những giải pháp thực tiễn, khả thi, đột phá nhằm khôi phục các động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.

Vấn đề đầu tiên được ông Thắng đề cập là đánh giá đầy đủ và chủ động khôi phục tiêu dùng trong nước.

“Ngay cả khi đại dịch đã đi qua, đời sống của một bộ phận người dân vẫn còn rất khó khăn, nhất là khi công nhân tiếp tục bị cắt giảm việc làm và người dân tại các vùng miền chịu tác động của tình hình thời tiết cực đoan, thiên tai, bão lũ phức tạp, có nguy cơ bị trắng tay. Trong khi đó, làn sóng bùng nổ tiêu dùng và dịch vụ (như du lịch) của tầng lớp trung lưu sau đại dịch đã chững lại bởi người dân cần thận trọng đối lại chi tiêu và với việc thị trường bất động sản đóng băng, thị trường chứng khoán đi xuống khiến các tầng lớp nhân dân, nhất là tầng lớp trung lưu đã chủ động hạn chế chi tiêu với tâm thế đề phòng rủi ro’, ông Thắng nói.

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, cần đẩy nhanh sự hồi phục của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản để có tác động lan toả, tạo tín hiệu tích cực, lập lại niềm tin giúp tăng tiêu dùng và đầu tư.

“Thực tiễn cho thấy, cuối cùng là niềm tin chứ không phải các quy định hành chính mới quyết định khả năng kiểm soát rủi ro và ổn định thị trường trong những thời điểm nhạy cảm của hệ thống tài chính-ngân hàng”.

Nhấn mạnh như trên, ông Thắng cho rằng cần nhận thức rõ điều này để có các chính sách phù hợp, phân loại rõ đối tượng, xác lập hoạt động cần hạn chế hay khuyến khích, điều hành thống nhất thay vì thay đổi giật cục, hoặc áp dụng một chính sách chung cho tất cả, không rõ đối tượng, thiếu tính cụ thể, thậm chí chỉ như một lời khuyến cáo.

Việc làm trong sạch thị trường cần đi đôi với tạo lập môi trường thuận lợi, công bằng để khuyến khích mọi chủ thể kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, ông Thắng phát biểu.

Đề cập vấn đề tiếp theo là khôi phục dòng vốn đầu tư, ông Thắng nêu tình hình giải ngân vốn đầu tư công tuy được cải thiện ít nhiều nhưng còn rất chậm, thực trạng “có tiền nhưng không tiêu được” vẫn phổ biến đối với các dự án cả ở trung ương và địa phương, tạo ra những hệ luỵ dây chuyền, ảnh hưởng trực tiếp đến động lực đầu tư của khu vực tư nhân.

Không phải đến bây giờ chúng ta mới nhận ra và nói về điều này, nhưng việc tháo gỡ những vướng mắc về quy định, nguyên tắc phức tạp liên quan đến đầu tư công chưa làm được bao nhiêu, ông Thắng nhìn nhận.

“Cũng cần thấy rằng, chính sách tiền tệ có những giới hạn của nó, càng không được lạm dụng khi dư địa để điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều, nhất là khi mặt bằng lãi suất không còn là cứu cánh cho doanh nghiệp đã không còn đủ sức khỏe và không có nhu cầu vay vốn đầu tư do không tìm được thị trường đầu ra cho sản xuất kinh doanh. Điều này đòi hỏi phải chuyển hướng tập trung ưu tiên chính sách tài khóa, kết hợp triển khai chính sách tiền tệ và tài khóa một cách đồng bộ, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, để hướng dòng vốn vào những công trình hạ tầng lớn, những chương trình mục tiêu quốc gia, những ngành, lĩnh vực có khả năng sớm phục hồi và phát triển, dẫn dắt nền kinh tế’, ông Thắng phát biểu đề dẫn.

Khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai

Về tháo gỡ những khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, ông Thắng nói, trải qua gần ba năm cầm cự, chống chọi với đại dịch, nguồn lực của các doanh nghiệp đã bị suy kiệt, lại thêm những biến cố gần đây trên thị trường tiếp tục bào mòn niềm tin, tinh thần và ý chí sản xuất, kinh doanh. Quốc hội, Chính phủ đã khẩn trương ban hành nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ những rào cản, khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Điều quan trọng là cần tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, đưa những chính sách, giải pháp này vào cuộc sống. Ở đây, có hai vấn đề được đặt ra: một mặt, cần thống nhất cách hiểu và quy trình để hạn chế sự tùy tiện trong thực thi, tạo thuận lợi không chỉ cho doanh nghiệp mà cho cả cán bộ, công chức giải quyết thủ tục hành chính. Mặt khác, cần làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến sự chậm trễ trong thực thi công vụ, ông Thắng nhấn mạnh.

Vẫn theo Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023 không chỉ bàn về những vấn đề trước mắt, mà giải quyết những vấn đề trước mắt để đặt cơ sở cho việc giải quyết những vấn đề trung hạn và lâu dài. Vấn đề quan trọng mà Diễn đàn nêu ra: nâng cao năng suất lao động là phương thức căn bản nhất để Việt Nam hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, bởi điều này gắn liền với việc khởi tạo hai quá trình chuyển dịch cơ bản của nền kinh tế.

Một là, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, di chuyển nguồn lực từ các ngành có năng suất thấp sang các ngành có năng suất cao hơn nhằm sử dụng có hiệu quả nhất nguồn lực. Hai là, tạo hiệu ứng kinh tế quy mô, khai thác lợi thế nhờ quy mô để tăng năng suất trong từng doanh nghiệp, từng ngành và từng vùng kinh tế.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục