Cần giải quyết hợp lý thanh khoản của nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Bão thanh khoản” đã đi qua ở nhiều nước, nhưng ở Việt Nam vẫn hoành hành, do tăng trưởng cung tiền quá thấp so với tăng trưởng GDP, trong bối cảnh vòng quay tiền tệ giảm sâu...
TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế

1. Kinh tế toàn cầu gần đây có dấu hiệu cải thiện, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã nâng mức dự báo tăng trưởng năm nay thêm khoảng 0,2%. Lạm phát có xu hướng giảm rõ rệt, nhưng vẫn ở mức khá cao so với mục tiêu của các ngân hàng trung ương. Cụ thể, lạm phát của châu Âu gần đây khoảng 5%, châu Á 4%, Mỹ 3%, Nhật Bản 2 - 2,5%. Tuy nhiên, một số nước có lạm phát cao trên 2 con số như Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ.

Hầu hết ngân hàng trung ương đều giảm mức độ thắt chặt tiền tệ, chính sách này có thể kéo dài ở cường độ thấp từ nay đến cuối năm 2023. Sang năm 2024, một số khu vực có khả năng bắt đầu nới lỏng tiền tệ. Thực tế, Trung Quốc đã nới lỏng tiền tệ ngay trong quý III/2023 vì lo ngại thiểu phát (lạm phát hiện khoảng 0,2%), suy giảm tăng trưởng kinh tế và cầu tiêu dùng phục hồi chậm.

Hoạt động sản xuất - kinh doanh toàn cầu nhìn chung vẫn trong tình trạng trì trệ do cầu tiêu dùng yếu, lãi suất cho vay cao. Lãi suất cho vay kỳ hạn 30 năm ở Mỹ là 7,31%/năm, mức cao nhất kể từ năm 1980.

Ngược lại, thị trường lao động và việc làm ở các nền kinh tế phát triển khá vững chắc, điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng tiêu dùng, đồng thời dập tắt nỗi lo về suy thoái kinh tế trong năm 2024.

Đồng USD sau 1 năm suy giảm đã có diễn biến tăng trong 1 tháng qua, chỉ số Dollar Index từ mức đáy của chu kỳ là 100,14 lên 104,3, cao hơn 1,3% so với đầu năm 2023. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà phân tích, USD có thể giảm trở lại do lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có khả năng sẽ sớm đi xuống, các yếu tố đa cực ngày càng tăng và sự phụ thuộc của giá dầu mỏ, vàng vào USD đang giảm dần.

Thương mại toàn cầu phục hồi nhẹ sau một thời gian dài đứt gẫy chuỗi cung ứng, nhưng vẫn trong tình trạng trì trệ và giá vật liệu cơ bản có xu hướng giảm. Tuy nhiên, giá lương thực và nhiên liệu có thể tăng trở lại, chủ yếu do xung đột Nga - Ukraine và chính sách trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Ngân hàng Thế giới dự báo, kinh tế thế giới năm 2024 sẽ phục hồi với mức đủ để vượt qua nguy cơ suy thoái. Trái lại, công ty xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cho rằng, kinh tế thế giới sẽ giảm, cận kề mức suy thoái. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo, kinh tế thế giới sẽ phục hồi tích cực trong năm 2023. Lạm phát toàn cầu được dự báo tiếp tục giảm, nhưng chưa đạt được mức mục tiêu của các ngân hàng trung ương trước khủng hoảng Covid-19.

Lãi suất cho vay trung hạn của ngành ngân hàng cần được đưa về mức 7 - 8%/năm

Lãi suất cho vay trung hạn của ngành ngân hàng cần được đưa về mức 7 - 8%/năm

2. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có xu hướng chậm lại từ tháng 11/2022 cho đến tháng 8/2023, kéo dài so với các chu kỳ suy giảm trước đây. Chỉ số nhà quản trị mua hàng ở mức rất thấp từ tháng 11/2022 là 46,4 điểm nhích dần lên (ngoại trừ tháng 2/2023) xấp xỉ 49 điểm vào tháng 7/2023 và tháng 8 vừa qua đạt 50,5 điểm. Điều này cho thấy, kinh tế được cải thiện nhưng chậm, thấp xa so với kế hoạch Quốc hội đặt ra từ đầu năm.

Lạm phát của Việt Nam giảm khá nhanh và dường như đã vượt qua ngưỡng đáng lo ngại, dự kiến cả năm 2023 khoảng 3,1 - 3,2%, thấp so với kế hoạch ban đầu là 4 - 4,5%. Mặc dù lạm phát cơ bản vẫn cao, bình quân khoảng 4,5%, chủ yếu do giá các mặt hàng ngoài xăng dầu tăng, chứ thực chất không phản ánh cung tiền tăng lên của Ngân hàng Nhà nước. Nói cách khác, chỉ số lạm phát cơ bản, đại diện cho lạm phát tiền tệ (theo quan điểm trước đây) không còn có ý nghĩa phân tích đầy đủ, bởi những biến động về chuỗi cung ứng toàn cầu diễn ra nhanh chóng và phức tạp.

3. Điều hành chính sách tài khoá và tiền tệ của Chính phủ có những điểm tiến bộ quan trọng theo hướng linh hoạt, nới lỏng hơn và đang có tác dụng tích cực trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, được nhiều nhà phân tích quốc tế đánh giá rất cao. Vì vậy, FDI và FII tiếp tục chảy vào Việt Nam, trong khi hai dòng vốn này suy giảm ở những quốc gia mới nổi khác, ngay cả khi lãi suất ở Mỹ và châu Âu duy trì mức cao.

4. Đầu tư công vẫn là yếu tố quan trọng nhất góp phần duy trì đà phục hồi kinh tế nhờ những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ với phương châm “không bàn lùi”. Vì vậy, việc giải ngân đầu tư công tại nhiều địa phương đã cán đích kế hoạch đề ra.

Đáng chú ý, Chính phủ có những biện pháp trực tiếp giải cứu thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Thậm chí, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đã tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý tại một số doanh nghiệp, góp phần củng cố niềm tin của thị trường. Bên cạnh đó, việc xử lý nợ xấu ngân hàng, nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp đều được chỉ đạo thực hiện hợp lý.

Mặc dù thị trường tài sản vẫn đang trong tình trạng khó khăn, nhưng triển vọng phục hồi đã rõ nét hơn. Điều này giúp thị trường chứng khoán hồi phục tốt so với nhiều thị trường khác trong khu vực.

Hai vấn đề lớn nhất của kinh tế Việt Nam hiện nay là khủng hoảng thị trường bất động sản và thanh khoản yếu của nền kinh tế.

Xuất nhập khẩu cũng có dấu hiệu cải thiện trong vài tháng qua, sau khi sụt giảm trong quý I/2023. Tuy nhiên, để xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ hơn, ngoài việc tìm kiếm thị trường còn có vấn đề rất lớn là xây dựng các báo cáo và kế hoạch xử lý tín chỉ carbon theo yêu cầu trong thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về “sổ tay báo cáo phát thải khí nhà kính”.

Gần đây, VND mất giá nhẹ so với USD, chủ yếu do USD tăng giá trên thị trường thế giới. Về cơ bản, tỷ giá hối đoái giữa VND và USD tiếp tục ổn định, mức mất giá của VND cả năm 2023 nhiều khả năng chỉ khoảng 2%.

Dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt 5 - 5,3% và năm 2024 là 5,5%. Lạm phát năm 2023 khoảng 3%, năm 2024 khoảng 3,5%.

5. Vấn đề lớn nhất của kinh tế Việt Nam hiện nay là khủng hoảng thị trường bất động sản, với nguyên nhân chính là mất cân đối về phân khúc thị trường. Do đó, để giải quyết triệt để vấn đề này, không chỉ quan tâm đến các thủ tục pháp lý của phân khúc nhà ở cao cấp, mà quan trọng hơn là phải thúc đẩy phân khúc nhà ở giá rẻ, tăng mạnh nguồn cung, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Muốn làm được, sự hỗ trợ của Chính phủ cho phân khúc nhà ở giá rẻ không được làm ảnh hưởng đến động lực lợi nhuận của các nhà đầu tư phát triển dự án và không buộc họ phải chịu ràng buộc bởi các chính sách về đối tượng được thụ hưởng nhà ở xã hội. Nói cách khác, phải giải phóng doanh nghiệp bất động sản tham gia phân khúc nhà ở giá rẻ khỏi các ràng buộc của các chính sách khuyến khích, ngoài việc miễn thuế quyền sử dụng đất và hạn mức tín dụng đầy đủ với lãi suất hợp lý.

Đồng thời, các chính sách hỗ trợ phải hướng trực tiếp đến người mua nhà, bao gồm cả chính sách tín dụng cũng như đối tượng được thụ hưởng chính sách. Có như vậy, nhà ở xã hội mới tăng nhanh và khủng hoảng cơ cấu phân khúc sẽ sớm được khắc phục. Trên nền tảng đó, bất động sản có một mặt bằng giá mới, không bị đầu cơ và mặt bằng giá này sẽ tái cấu trúc thị trường. Tránh tình trạng nới lỏng tín dụng, tháo gỡ riêng cho phân khúc nhà cao cấp, vì thị trường bất động sản sẽ phục hồi trên nền tảng cũ, nghĩa là giá cả do đầu cơ tăng cao và nhà mua rồi bỏ hoang, trong khi người cần nhà và có khả năng thanh toán hợp lý thì không có nhà ở.

Vấn đề lớn thứ hai của kinh tế Việt Nam đó là cần tập trung giải quyết một cách hợp lý thanh khoản của nền kinh tế. “Bão thanh khoản” đã đi qua ở nhiều nước, nhưng ở Việt Nam vẫn hoành hành, do tăng trưởng cung tiền quá thấp so với tăng trưởng GDP tính theo giá hiện hành, trong bối cảnh vòng quay tiền tệ giảm sâu, từ 1,8 - 2,5 vòng trước đây hiện chỉ còn 0,64 vòng một năm. Đây là lý do khiến lãi suất thực ở Việt Nam rất cao. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có những biện pháp giảm lãi suất, nhưng do cung tiền thấp nên lãi suất, nhất là lãi suất cho vay trung hạn còn cao, phổ biến từ 9 - 11%/năm, có nơi lên tới 14 - 15%/năm.

Tôi cho rằng, lãi suất cho vay trung hạn cần được đưa về mức 7 - 8%/năm, đồng thời cải thiện điều kiện tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp. Ưu tiên thẩm định cho vay dựa trên khả năng trả nợ hơn là tài sản đảm bảo để doanh nghiệp có điều kiện chấp nhận các đơn hàng từ bên ngoài và có vốn đầu tư đổi mới một phần công nghệ nhằm đáp ứng đòi hỏi về tín chỉ carbon trong thời gian tới.

Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định nhằm duy trì đà phục hồi của nền kinh tế trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Ngân hàng Nhà nước cần bình thường hóa các quan hệ tín dụng của mình với các ngân hàng thương mại kể cả các kênh tái cấp vốn, tái chiết khấu... Chúng ta chưa thiết lập được cơ chế thực sự thị trường giữa cung tiền và lãi suất, do bị cản trở bởi các quy định hành chính. Vì vậy, khó có thể so sánh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước với ngân hàng trung ương các nước.

TS. Lê Xuân Nghĩa

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục