Tìm động lực tăng trưởng của nền kinh tế: Điểm danh nguồn lực bị kìm nén

Nguồn lực phân bổ không hiệu quả đang níu kéo sức bật của nền kinh tế.
Tìm động lực tăng trưởng của nền kinh tế: Điểm danh nguồn lực bị kìm nén

Doanh nghiệp lại kiến nghị

Một bức thư gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành chỉ có hai trang, nhưng gần một nửa dành cho chữ ký và con dấu của 7 hiệp hội doanh nghiệp. Thời điểm gửi là ngày 27/6/2018.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), Hội Lương thực – Thực phẩm TP.HCM, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam, Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam và Hiệp hội Thực phẩm minh bạch đã ký chung thư, kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, sửa đổi các văn bản liên quan đến yêu cầu dùng muối tăng cường i-ốt trong chế biến thực phẩm, thủ tục kiểm dịch động vật...

Nếu còn chạy được dự án, còn mất tiền vào thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh thì khoa học - công nghệ không có đường vào sản xuất

- TS. Nguyễn Đình Cung

Không phải lần đầu, các hiệp hội này ký chung thư kiến nghị, nhưng cũng chưa ai dám chắc đây là bức thư cuối. Ngày 31/7/2018 vừa qua, bà Trần Hoàng Yến, đại diện của Vasep thêm một lần nữa nhắc tới những kiến nghị này với mong mỏi các bộ, ngành để tâm.  “Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần, Chính phủ cũng có ý kiến chỉ đạo sửa đổi, Nghị quyết 19-2018/NQ-CP đã ghi rõ phải sửa, nhưng vẫn không thấy động thái gì từ các bộ, ngành”, bà Yến nói.

Cái khó của doanh nghiệp là dù đã có chỉ đạo phải sửa đổi, nhưng họ không thể làm khác quy định hiện hành. Với trường hợp của doanh nghiệp chế biến thực phẩm, nếu không công bố có sử dụng muối i-ốt trong sản phẩm của mình, họ sẽ vi phạm quy định của pháp luật, nhưng nếu tuân thủ, các sản phẩm của họ sẽ bị biến chất, không thể bán được. Doanh nghiệp bị đẩy vào thế rủi ro lớn...

Nền kinh tế cũng chịu những tác động bấp bênh không kém. Thậm chí, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, tỷ trọng 8% mà khu vực doanh nghiệp tư nhân đóng góp vào GDP gần như không được cải thiện trong cả chục năm nay phải được phân tích rõ.

“Phải chăng, đầu tư của tư nhân tốn kém vào các chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, chi phí không chính thức nên đầu tư nhiều mà không góp được tương ứng vào GDP”, ông Thiên đặt vấn đề.

Nguồn lực chạy đi đâu?

Đánh giá sơ bộ kết quả dịch chuyển các nguồn lực nhân tố sản xuất để báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhìn thấy có tới 4 trong 7 mục tiêu khó có khả năng hoàn thành. Đó là cơ cấu sử dụng đất, lao động, vốn chậm được dịch chuyển từ ngành kinh tế có năng suất, hiệu quả thấp sang các ngành có năng suất, hiệu quả cao hơn. 

Bức tranh hiệu quả sử dụng vốn được vẽ lại với những so sánh ấn tượng. Trong ngành chế biến thực phẩm, năng suất lao động và hiệu quả của ngành chế biến sữa và sản phẩm từ sữa là cao nhất, nhưng tốc độ tăng tài sản của ngành này rất thấp.

Còn ngành sản xuất sắt, thép, gang có năng suất lao động thấp, nhưng tốc độ tăng tài sản rất cao. Tốc độ tăng suất lao động của các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn là khá cao, nhưng tốc độ tích lũy tài sản thấp; tốc độ tăng năng suất lao động của các doanh nghiệp có trên 50% vốn nhà nước là thấp, nhưng tốc độ tăng vốn cao...

Trong khi đó, mục tiêu thoái toàn bộ vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước tại các ngành Nhà nước không cần nắm giữ trên 50% vốn và mục tiêu thoái vốn Nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư được xếp vào nhóm khó thực hiện. Mục tiêu đột phá thu hút nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức PPP cũng có tên trong mục khó hoàn thành... 

Dư địa của hiệu quả sử dụng nguồn lực

Quan điểm của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trường Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về nguyên nhân của tính kém hiệu quả trong phân bổ nguồn lực rất rõ ràng, đó là do không theo cơ chế thị trường. Nhưng đây cũng là dư địa để nguồn lực được dùng đúng chỗ, tạo sức bật cho nền kinh tế.

“Thể chế phân bổ đang chưa theo cơ chế thị trường nghĩa là, dư địa để chuyển dịch cơ cấu của các ngành cũng như trong nội ngành vô cùng lớn khi cơ chế xin – cho chấm dứt”, ông Cung phân tích.

Đây là lý do kịch bản tăng trưởng của nền kinh tế giai đoạn 2018-2020 mà CIEM kỳ vọng lên tới 7,47%/năm giai đoạn 2018-2020, duy trì tăng trưởng ở mức cao trong giai đoạn 2021-2025.

Nếu như đạt được các mục tiêu đã đề ra về chuyển dịch nguồn lực và cơ cấu lại nền kinh tế được thực hiện, khi đó, tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2018-2025 sẽ dựa phần lớn vào tăng trưởng TFP, đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng GDP tương ứng đạt 35,11% năm 2018 và 44,27% năm 2020...

“Theo kịch bản này, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn, đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, ông Cung nói.

Nhưng kịch bản này đòi hỏi hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến các thị trường nhân tố sản xuất phải nhanh chóng được hoàn thiện.

“Nếu còn chạy được dự án, còn mất tiền vào thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh thì khoa học - công nghệ không có đường vào sản xuất. Không có thị trường sử dụng đất thì doanh nghiệp nông nghiệp không thể tái cơ cấu, không sản xuất hàng hóa được.. Mà việc này thì không chỉ Chính phủ mà Quốc hội cũng phải vào cuộc”, ông Cung khuyến nghị...

Thậm chí, ông Cung cho rằng, vai trò của Quốc hội là quyết định trong việc mở không gian cho nền kinh tế thực hiện tái cơ cấu triệt để.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục