Kinh tế 6 tháng cuối năm: Tiếp tục bổ sung thêm động lực mới cho tăng trưởng

Tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm đã diễn biến sát với dự báo, đạt mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Vậy 6 tháng cuối năm, nền kinh tế sẽ diễn biến theo kịch bản nào?
Sản xuất tại Công ty Mercedes-Benz Việt Nam (quận Gò Vấp, TP.HCM). Ảnh: Lê Toàn. Sản xuất tại Công ty Mercedes-Benz Việt Nam (quận Gò Vấp, TP.HCM). Ảnh: Lê Toàn.

Kịch bản kinh tế 2018, phiên bản cập nhật

Điểm lại kịch bản tăng trưởng năm 2018, khi báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, diễn biến và kết quả tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm tương đối sát với mục tiêu kịch bản tăng trưởng mà Bộ đã trình Chính phủ từ hồi tháng 3 vừa qua.

“GDP quý I ước tăng 7,45%, cao hơn 0,07 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra (7,38%); quý II ước tăng 6,79%, thấp hơn 0,04 - 014 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra (6,83 - 6,93%). Còn nếu tính chung 6 tháng, thì chỉ thấp hơn 0,03 - 0,04 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra (7,11 - 7,12%)”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Trong 6 tháng đầu năm, nền kinh tế đã diễn biến sát với dự báo và trái với quy luật, tức là không còn quý sau tăng trưởng cao hơn quý trước.

6 tháng cuối năm, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế cũng vẫn diễn biến theo xu hướng như vậy, quý sau thấp hơn quý trước.

Nhân tố động lực tăng trưởng chủ yếu của năm 2017 là ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, với sự đóng góp mang tính đột phá của Samsung và Formosa trong 2 quý cuối năm

Quan trọng là, dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2018 sẽ ở mức 6,7 - 6,8%, không thay đổi so với kịch bản đề ra, chỉ điều chỉnh mức tăng/giảm giữa các khu vực kinh tế chủ chốt.

Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,26 điểm phần trăm, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,06 - 0,09 điểm phần trăm, còn khu vực dịch vụ giảm 0,04 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra.

Cũng theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn chung, xu hướng của nền kinh tế năm nay “tích cực là chủ đạo”, với tăng trưởng GDP cả năm 6,7 - 6,8% - mức cao so với các nước trên thế giới. 

Tuy vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để đạt được mục tiêu kịch bản tăng trưởng 6,7%, cần có sự nỗ lực, phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, cố gắng đạt khoảng 6,53% trong quý III và 6,36% vào quý IV.

Còn nếu muốn đạt kịch bản phấn đấu 6,8%, thì đòi hỏi phải nỗ lực cao hơn nữa, phải tận dụng mọi cơ hội trong điều kiện thuận lợi ở cả trong nước và quốc tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo vẫn tiếp tục giữ vai trò động lực chính.

Vượt thách thức để tăng trưởng cao hơn

Một cách hồ hởi, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh chuyện “sáng nay, tờ Nikkei của Nhật Bản đã đăng hai tin”.

Đó là, số lượng việc làm của Việt Nam tăng kỷ lục và Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam phục hồi tốt (tăng từ mức 53,9 điểm trong tháng 5/2018 lên 55,7 điểm trong tháng 6 - PV), trong khi của ASEAN nói chung giảm từ 51,4 điểm xuống 51 điểm. 

PMI cải thiện cho thấy “sức khỏe” của ngành sản xuất đã phục hồi đáng kể. Trong bối cảnh đó, dự báo của các định chế tài chính quốc tế đều có cái nhìn lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. 

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP Việt Nam năm nay tăng trưởng 6,8%, trong khi con số dự báo của ADB lên tới 7,1%. ADB thậm chí còn cho rằng, kinh tế Việt Nam năm nay sẽ bứt phá, vượt xa mọi kỳ vọng.

Thông thường, các dự báo tăng trưởng kinh tế của WB, ADB thấp hơn mức tăng trưởng GDP mà Việt Nam đạt được. Mặc dù vậy, một cách thận trọng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn chỉ xây dựng kịch bản tăng trưởng cả năm ở mức 6,7 - 6,8%, đồng thời khẳng định là “phải nỗ lực mới đạt được”.

Lý do là, hai quý cuối năm 2017, tăng trưởng GDP đạt được ở mức rất cao (7,46% và 7,65%), nên để đạt mức tăng trưởng 6,53% và 6,36% trong hai quý còn lại của năm trên nền tăng trưởng cao này là không đơn giản.

Hơn nữa, các nhân tố tạo động lực tăng trưởng đột phá trong những tháng cuối năm còn chưa rõ ràng.

“Nhân tố động lực tăng trưởng chủ yếu của năm 2017 là ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, với sự đóng góp mang tính đột phá của Samsung và Formosa trong 2 quý cuối năm.

Nhưng năm nay, Formosa đã đưa lò cao số 2 vào hoạt động trong quý II, nên yếu tố đột phá của các quý cuối năm 2018 chưa rõ ràng”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Nhưng, trong khi khó trông chờ vào sự đột phá của Samsung và Formosa, thì tâm điểm chú ý đang hướng vào Lọc dầu Nghi Sơn. “Nếu kịp đưa dự án này vào hoạt động, có thể sẽ có động lực đột phá. Do vậy, cần tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn đi vào hoạt động”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, cần tiếp tục bổ sung thêm động năng mới cho tăng trưởng trong hai quý còn lại của năm.“Cần đặt ra động lực, động năng tăng trưởng của Việt Nam là gì trong quý III, quý IV năm nay và năm 2019 sắp đến. Bây giờ không chuẩn bị thì không chạy kịp”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Không chỉ cần tìm ra các động lực tăng trưởng mới, mà điều quan trọng là, để nền kinh tế có thể tiếp tục tăng tốc, còn phải vượt qua các thách thức của nền kinh tế.

Chẳng hạn, chuyện áp lực lạm phát đang tăng cao, hay giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, tăng trưởng thương mại có thể chậm lại do căng thẳng thương mại đang diễn ra trên thị trường toàn cầu…

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục