Ông đánh giá như thế nào về vai trò của tín dụng với tăng trưởng kinh tế?
Trước hết, cần phải khẳng định rằng, có mối quan hệ giữa phát triển tài chính (trong đó có kênh tín dụng ngân hàng) và tăng trưởng kinh tế. Điều này đã được chứng minh qua nhiều bài báo, phân tích, nghiên cứu quốc tế. Nhưng tôi muốn lưu ý là, mối quan hệ này không phải lúc nào cũng chặt chẽ.
Mối quan hệ này diễn biến khác nhau ở mỗi quốc gia, bởi vì còn tùy thuộc vào các nhân tố đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, cũng như cơ cấu nền kinh tế và cơ cấu thị trường tài chính của nước đó.
Thí dụ, một số quốc gia có nền kinh tế dựa nhiều vào vốn ngân hàng như Việt Nam, nhưng một số nền kinh tế dựa khác lại dựa vào thị trường vốn nhiều hơn mà cụ thể là thị trường cổ phiếu và trái phiếu như Úc, Malaysia, Mỹ…
TS. Cấn Văn Lực.
Tại Việt Nam cũng tương tự, có mối quan hệ nhất định giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế nhưng mối quan hệ này không chặt chẽ bởi 3 lý do: Thứ nhất, ngoài vốn tín dụng, Việt Nam còn có nhiều dòng vốn khác phục vụ đầu tư phát triển kinh tế, như vốn qua kênh đầu tư công và tư nhân, dòng vốn FDI.
Theo tính toán của chúng tôi, năm 2016 và cả năm 2017, dòng vốn tín dụng ngân hàng chiếm khoảng 60% tổng nguồn vốn đầu tư của toàn bộ nền kinh tế trong năm. Nếu giả định vốn ngân hàng hiệu quả mà 40% còn lại không hiệu quả thì đương nhiên không thể hỗ trợ tốt cho tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, phân tích sâu xa hơn, vốn cũng chỉ là một trong 3 yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cụ thể là vốn, lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP). Tại Việt Nam, trong 3 năm vừa qua, theo dõi số liệu cho thấy, yếu tố vốn đóng góp khoảng 51-52%, TFP khoảng 30% và phần còn lại là yếu tố lao động khoảng 18-19%.
Nếu yếu tố lao động và TFP không hiệu quả, thì sẽ không đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế như mong muốn vì vốn cũng chỉ đóng góp 51-52% cho tăng trưởng kinh tế như đã nêu.
Thứ ba, kết quả chạy mô hình tính toán lượng hóa cho 52 nước mới nổi và đang phát triển trong đó có Việt Nam trong 7 năm, giai đoạn từ 2008 đến hết 2014 cho thấy, nếu tín dụng tăng trưởng 10%, thì GDP tăng thêm có 0,5%.
Năm 2017, tín dụng tăng trưởng trên 18% tương tự như năm 2016, nhưng tăng trưởng kinh tế năm qua rất ấn tượng với con số 6,81%, so với mức 6,2% năm 2016. Phải chăng dòng vốn tín dụng cùng các nhân tố khác đã phát huy hiệu quả tốt hơn?
Theo đánh giá của tôi, điều này là có cơ sở. Năm 2017, năng suất lao động tăng khoảng gần 6% so với 5 năm trước có 4,7%/năm. TFP năm 2017 đóng góp vào tăng trưởng là 30,5%, so với bình quân 5 năm trước đó vào khoảng 28,5%. Dòng vốn tín dụng năm 2017 tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát, hạn chế chảy vào những kênh rủi ro như chứng khoán, bất động sản, BOT giao thông.
Cụ thể, dòng vốn tín dụng đổ vào kênh bất động sản tăng gần 8% so với mức tăng trưởng tín dụng bình quân năm 2017 là 18,2%. Vì thế, tổng dư nợ cho vay bất động sản cuối năm 2017 đã giảm xuống ở mức 6,5% so với mức 7,5% cuối năm 2016. Cho vay chứng khoản chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 0,16% tổng dư nợ của cả nền kinh tế.
Năm 2016 - 2017, dòng vốn tín dụng ngân hàng chiếm khoảng 60% tổng nguồn vốn đầu tư của toàn bộ nền kinh tế
Năm nay, cho vay tiêu dùng tiếp tục phát triển tốt. Theo tính toán của chúng tôi, cho vay tiêu dùng tăng trưởng bình quân khoảng 30% trong 3 năm qua (con số này khác so với một số công bố khác do phân loại tính toán). Tuy nhiên, cần quan tâm tới phát triển lĩnh vực này bởi: thứ nhất, ở Việt Nam, tỷ trọng cho vay tiêu dùng so với tổng dư nợ của cả nền kinh tế tính đến cuối năm 2017 khoảng 17%, thấp hơn so với Trung Quốc ở mức 20%, bình quân của ASEAN khoảng 34%, Úc khoảng 36%...
Như vậy, rõ ràng Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển cho vay tiêu dùng. Đặc biệt, khi chúng ta thúc đẩy cho vay tiêu dùng sẽ hạn chế tín dụng đen và thúc đẩy văn hóa không dùng tiền mặt, nhằm thực hiện tốt chủ trương chung của Chính phủ và NHNN về thanh toán không dùng tiền mặt.
Vậy theo ông, kiểm soát tín dụng nói chung và tín dụng tiêu dùng nói riêng nên như thế nào?
Tôi cho rằng, đầu tiên, cần bóc tách, làm rõ phạm vi của tín dụng tiêu dùng; theo đó, tín dụng tiêu dùng thường gồm cả phần cho vay để sửa chữa nhà cửa, nhưng không bao gồm cho vay để mua nhà (vì đó là khoản đầu tư). Tuy nhiên, khi đó cần phân nhóm bất động sản theo từng phân khúc để có phương thức quản lý (tránh đánh đồng tất cả đều có trọng số rủi ro là 200% như hiện nay).
Tiếp theo, cần tách cơ chế quản lý cho vay tiêu dùng của công ty tài chính với ngân hàng thương mại, bởi việc vận hành, quy trình, khẩu vị rủi ro của hai đối tượng cho vay này là khác nhau; theo đó, cần sửa đổi Thông tư 02 cho phù hợp để khoản nợ xấu của một khách hàng của công ty tài chính không làm nhảy nhóm nợ xấu của cùng khách hàng đó được NHTM cho vay.
Về vấn đề tín dụng, quy mô tín dụng của các tổ chức tín dụng hiện khá lớn, tương đương 130% GDP, khoảng 6,5 triệu tỷ đồng tính đến cuối năm 2017. Đây chưa phải là mức quá cao nhưng rõ ràng là mức tương đối cao so với các nước cùng thu nhập trung bình thấp (khoảng 44%GDP) và ASEAN-5 (khoảng 98%GDP). Do đó, cần định hướng quy mô tín dụng và tiếp tục kiểm soát chất lượng, nắn dòng tín dụng trong thời gian tới.
Đâu là những giải pháp để giảm bớt sự phụ thuộc vào vốn của hệ thống ngân hàng, thưa ông?
Cần phải có những giải pháp căn cơ. Tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng trưởng khá nhanh trong vòng 5 năm qua ở mức bình quân khoảng 15%/năm, trong khi đó mức tăng vốn chủ sở hữu của các TCTD không tương ứng, chỉ ở mức 9-10% khiến cho hệ số an toàn vốn của hệ thống ngân hàng thương mại khó đáp ứng được chuẩn Basel II. Đây cũng là khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đối với câu chuyện tăng trưởng tín dụng cao ở Việt Nam.
Muốn như vậy, cần phải sớm phát triển mạnh mẽ hơn kênh thị trường vốn để doanh nghiệp bớt phụ thuộc quá nhiều vào vốn ngân hàng, đặc biệt là phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Hiện nay, mức độ vốn hóa của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam ở mức nhỏ nhất trong các nước ASEAN-5, chỉ tương đương 1,3%GDP so với mức bình quân của ASEAN-5 là 20%. Rõ ràng, phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo ông, đâu là nhiệm vụ trọng tâm của NHNN nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung trong định hướng phát triển năm 2018 và tiếp theo?
Năm nay, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng 17% và M2 khoảng 16%, theo tôi là khá phù hợp và tất nhiên, chúng ta không nhất thiết phải đạt được mục tiêu trên bằng mọi giá mà ưu tiên kiểm soát tín dụng, nắn tín dụng vào những lĩnh vực hiệu quả.
Có thể khẳng định, tín dụng đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, nhưng cùng với việc tăng trưởng và kiểm soát chất lượng tín dụng, phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa thị trường vốn trên 3 mục tiêu: giảm bớt sự lệ thuộc vào vốn ngân hàng như thời gian vừa qua; tạo thị trường tài chính cân bằng, bền vững hơn; tạo thêm nguồn vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, doanh nghiệp. Thực tế, hệ thống ngân hàng không thể lo quá nhiều vốn trung dài hạn, bởi bản chất ngân hàng thương mại huy động vốn ngắn hạn để cho vay ngắn hạn là chủ yếu.
Cụ thể hơn, nhiệm vụ số 1 của NHNN vẫn là ổn định giá trị đồng tiền (trong đó có nhiệm vụ kiểm soát lạm phát), qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tất nhiên, chúng ta hiện vẫn đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2018, trong đó có sự đóng góp của nhiều kênh chính sách khác nhau, bao gồm cả chính sách tiền tệ, tài khóa, giá cả.
Tuy nhiên, để kiểm soát tốt lạm phát, cũng như đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phải phối hợp rất tốt 3 cụm chính sách này. Bên cạnh đó, phải đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế để qua đó tăng năng suất (năng suất lao động, năng suất vốn và TFP).
Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ làm sao ổn định được mặt bằng lãi suất (trong bối cảnh xu thế lãi suất USD quốc tế tăng); ổn định và linh hoạt hơn tỷ giá, đó chính là bài toán vừa hỗ trợ tăng trưởng vừa đảm bảo tăng trưởng bền vững. Đồng thời trong giai đoạn hiện nay, tranh thủ những thời điểm thế giới và Việt Nam đang thuận lợi để tập trung tái cơ cấu nền kinh tế nhiều hơn.
Năm 2018, hệ thống ngân hàng phải tiếp tục đặt trọng tâm tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém và xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội cũng như thực hiện tốt Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”.
Cuối cùng, đặc biệt, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống ngân hàng cũng cần phải đẩy nhanh tiến độ triển khai ngân hàng số và FinTech để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp, giảm chi phí hoạt động cũng như phục vụ nhu cầu khách hàng tốt hơn.