Động lực tăng trưởng 2018 vẫn là cải cách thể chế

Trao đổi về Nghị quyết 01/2018/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã nhắc đến 10 chữ trong phương châm hành động của Chính phủ và cho rằng, động lực tăng trưởng của năm nay vẫn là cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Ông cho rằng, Nghị quyết 01/2018/NQ-CP sẽ tiếp đà cải cách của năm 2017, tạo nên thay đổi lớn trong điều hành kinh tế năm 2018. Điều gì khiến ông tin như vậy?

Thứ nhất, Nghị quyết 01 năm nay đi kèm phụ lục 242 nhiệm vụ, nhưng không còn là những nhiệm vụ, công việc hàng ngày của các bộ, ngành, địa phương, mà là những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, bộ máy hành chính phải làm trong năm để đạt được mục tiêu.

Động lực tăng trưởng 2018 vẫn là cải cách thể chế ảnh 1

 Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Nghĩa là, các công việc hàng ngày sẽ đương nhiên phải hoàn tất mà không cần nhắc nhở.

Mọi nguồn lực cần thiết sẽ tập trung vào thúc đẩy các nhiệm vụ trọng tâm, điều hành kinh tế, sẽ không chạy theo các vụ việc ngắn hạn, mà tập trung nhiều vào vấn đề trung và dài hạn.

Đó là điều mà xã hội mong muốn để tạo ra thay đổi lớn hơn về nền tảng vi mô của nền kinh tế, thay đổi phần cung của nền kinh tế.

Thứ hai, các nhiệm vụ được xác định mục tiêu cụ thể, như cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm, thủ tục kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh; Việt Nam vào nhóm ASEAN-4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh...

Cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa, đảm bảo tỷ trọng chi đầu tư phát triển 26%, tỷ trọng chi thường xuyên 64,1% trong tổng chi ngân sách nhà nước... Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP…

Thứ ba, ở góc độ kinh tế, nội dung nhiệm vụ rất rõ nét, ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng…

Nhưng, điều tôi muốn nhắc tới là phương châm hành động được Chính phủ xác định ngay từ đầu, đó là 10 chữ “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.

Trong Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng đã nhắc tới 10 chữ này khi yêu cầu các bộ, ngành, địa phương vào cuộc ngay từ đầu năm…

Chúng tôi biết, Thủ tướng trăn trở từng chữ này, đã thảo luận với nhiều người, trong đó có Nhóm Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

Nhưng nền kinh tế cần từng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng trăn trở với từng chữ này như vậy trước khi hành động.

Trước khi đặt bút phê duyệt các quyết định, phải xem quyết định đó có được thực hiện trên cơ sở liêm chính không, có đúng kỷ cương không, đã hành động đủ chưa, hay còn chần chừ… Chỉ cần đặt các câu hỏi như vậy, hành động, ứng xử sẽ rất khác.

Hơn thế, khi đặt vấn đề hiệu quả trước khi quyết định, tôi tin sẽ không có các khoản chi rất lớn vào cổng chào từ cấp xã, huyện... như lúc này, vì nền kinh tế đang cần tiền đầu tư vào các dự án mang lại lợi ích kinh tế hơn là cổng chào …

Sự lãng phí đến từ những quyết định đầu tư như trên vô cùng lớn, đã đến lúc cần phải thay đổi.

Đặc biệt, khi những người đứng đầu hành động trên cơ sở sáng tạo, sẽ buộc phải thay đổi từ tư duy đến cách làm và quan trọng là phù hợp với kinh tế thị trường.

Môi trường kinh doanh sẽ thay đổi về chất khi cơ chế, chính sách được hoàn thiện theo tư duy sáng tạo, dám chịu trách nhiệm vì hiệu quả…

Trong cuộc họp Chính phủ cuối năm ngoái, Thủ tướng có nhắc tới chính sách trọng cung. Với các nhiệm vụ rất cụ thể về cải thiện môi trường kinh doanh, có thể nói, doanh nghiệp đang có dư địa chính sách rất tốt, thưa ông?

Chính phủ đang nhìn vào phần cung để cải thiện môi trường kinh doanh, để tạo dư địa cho doanh nghiệp phát triển thuận lợi hơn, mạnh mẽ hơn, có động lực áp dụng khoa học - kỹ thuật để phát triển lâu dài, chứ không thực hiện các gói kích thích kinh tế - thực chất là các giải pháp ngắn hạn để kích cầu.

Với thực trạng nền kinh tế Việt Nam hiện tại, dư địa của chính sách trọng cung còn rất lớn, được nhìn thấy ở khu vực doanh nghiệp nhà nước đang giữ khối tài sản khổng lồ, nhưng sử dụng kém hiệu quả, phân tán; khu vực tư nhân nhỏ, khối phi chính thức còn lớn...

Để thúc đẩy các nguồn lực này, cần phải đẩy khối phi chính thức chuyển sang khu vực doanh  nghiệp.

Nền kinh tế Việt Nam sẽ không thể hội nhập với số đông là các hộ gia đình, phạm vi hoạt động hẹp. Việc sử dụng nguồn lực nhà nước cũng phải đảm bảo đúng phương châm hiệu quả...

Nói đến việc sử dụng nguồn lực nhà nước, cho đến thời điểm này, việc sử dụng vốn nhà nước thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn vẫn là một chủ đề được thảo luận. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Phải nói rõ, nguồn thu được từ cổ phần hóa không phải là nguồn vốn mới trong tổng vốn đầu tư xã hội. Khi cổ phần hóa, nguồn vốn này được dịch chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang một dạng tài sản khác.

Đây có thể coi là nguồn lực mới và điều xã hội quan tâm là phải sử dụng nguồn lực này thế nào để hiệu quả hơn khi để chúng trong các doanh nghiệp nhà nước.

Mặc dù theo quy định, nguồn này sẽ được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, dùng chi cho đầu tư phát triển theo đúng yêu cầu của Quốc hội, nhưng vấn đề là cách thức phân bổ vốn đầu tư nhà nước thực sự chưa thay đổi về tư duy.

Tôi đã đề nghị nên để nguồn này trong một mục riêng trong đầu tư công, để chi cho các dự án hiệu quả nhất, quan trọng nhất và chỉ ở trung ương, không phân phối về địa phương.

Các dự án này cần được lên danh sách và công khai để nhận sự giám sát, đánh giá của cộng đồng, từ đó có áp lực thực thi chuẩn mực.

Một cách ngắn gọn, động lực tăng trưởng của năm 2018 nằm ở đâu, thưa ông?

Vẫn là cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục