Tìm động lực tăng trưởng cho công nghiệp văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
Mục tiêu đóng góp 7% GDP vào năm 2030 của ngành công nghiệp văn hóa hoàn toàn khả thi khi lĩnh vực này thực sự được nhìn nhận là một ngành kinh tế mũi nhọn và được khơi thông nguồn lực tăng trưởng.
Festival Thu Hà Nội năm 2023 là một trong những điểm nhấn của du lịch Thủ đô. Ảnh: Phương Linh Festival Thu Hà Nội năm 2023 là một trong những điểm nhấn của du lịch Thủ đô. Ảnh: Phương Linh

Đóng góp 44 tỷ USD trong 5 năm

Đánh giá về những kết quả nổi bật của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, PGS-TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh: “Trong 5 năm qua, sự phát triển văn hóa của đất nước ta đã có nhiều thành tựu nổi bật. Theo đánh giá chung, đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành”.

Có thể thấy, sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng; công nghệ thông tin, nhất là thông tin đại chúng có bước phát triển mạnh. Nhiều phong trào, hoạt động văn hóa đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực, phát huy được truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng…

“Tuy nhiên, so với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thì thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa phát triển tương xứng, chưa đủ để tác động có hiệu quả trong việc xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh”, PGS-TS. Bùi Hoài Sơn nhìn nhận.

Tháng 12/2023, Hội nghị Toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được tổ chức, do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, với sự tham gia của đại diện nhiều bộ, ngành liên quan cùng sự góp mặt của đại diện 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã phần nào cho thấy vai trò của ngành công nghiệp văn hóa trong bối cảnh hiện nay.

Tôi cho rằng, ở bất kỳ lĩnh vực nào, kể cả kinh tế, y tế, giáo dục, giao thông, khoa học - công nghệ..., khi được điều tiết bởi văn hóa, thông qua hệ giá trị đạo đức, sẽ hướng đến con người nhiều hơn, trở nên bền vững hơn. Không những thế, trong giai đoạn hiện nay, khi các quốc gia tập trung nhiều hơn để xây dựng sức mạnh mềm, thì văn hóa có tác dụng tích cực trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế của đất nước.

- PGS-TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại hội nghị này, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022 đạt 1,059 triệu tỷ đồng (khoảng 44 tỷ USD). Trong đó, giá trị tăng thêm của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 đạt 5,82%; năm 2019 đạt 6,02%; năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của Covid-19, nên có sự sụt giảm, còn khoảng 4,32% và 3,92%. Đến năm 2022, các ngành bắt đầu phục hồi, giá trị đóng góp gia tăng, đạt khoảng 4,04%.

Thế nhưng, chỉ có 6/12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa tăng trưởng rõ rệt. Trong đó, lĩnh vực điện ảnh có xu hướng phát triển nhanh với giá trị sản xuất bình quân tăng 8,03%/năm. Tại Việt Nam, khán giả trẻ chiếm đến 80% thị phần khán giả xem phim, đây là tiềm năng lớn để phát triển điện ảnh nội địa.

Lĩnh vực du lịch có khởi sắc sau thời gian dài gián đoạn bởi đại dịch Covid-19. Năm 2022, tổng thu từ khách du lịch đạt 495.000 tỷ đồng, tăng 2,75 lần so với năm 2021. Năm 2023, tổng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 12,5 triệu lượt; khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 672.000 tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023.

Các ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm cũng tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2018 - 2022. Theo số liệu thống kê, năm 2022, có tới 27.120 lao động đang làm việc trong các lĩnh vực này; các chỉ số tăng đều qua các năm và ít chịu tác động của yếu tố ngoại cảnh.

Năm 2021 - 2022, cả nước có 2.669 họa sĩ, nhà điêu khắc và 2.456 nghệ sĩ nhiếp ảnh. Số lượng nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật và nhiếp ảnh khá lớn, trở thành lực lượng quan trọng góp phần tạo ra các sản phẩm nghệ thuật sáng tạo.

Những lĩnh vực khác trong ngành công nghiệp văn hóa như quảng cáo, kiến trúc, thiết kế, xuất bản, thời trang, truyền hình và phát thanh, thủ công mỹ nghệ... cũng cho thấy sự khởi sắc trong những năm trở lại đây.

Trong đó, nổi bật là quảng cáo với doanh thu năm 2022 đạt khoảng 2,192 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của thị trường quảng cáo Việt Nam đạt 12,7%, xếp thứ 2/11 quốc gia về tốc độ tăng trưởng. Hiện nay, cả nước có hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo.

Những “con số biết nói” nêu trên đã chứng minh rằng, công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế có khả năng cạnh tranh ngày càng cao ở cả thị trường trong và ngoài nước, đồng thời cũng cho thấy, ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đang khai thác các nguồn lực khá thành công và dần thu hẹp khoảng cách, khả năng cạnh tranh với các quốc gia trên thế giới.

Nhìn vào ngành công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc, Trung Quốc, kể cả các nước phương Tây, Việt Nam có thể học hỏi, khơi dậy nguồn cảm hứng cho các nhà quản lý văn hóa, nghệ sĩ để tạo ra những sản phẩm văn hóa thể hiện tầm vóc thời đại, lan tỏa những hình ảnh đẹp, thông điệp tốt của Việt Nam ra toàn thế giới.

Ông Hoàng Thúc Hào, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: “Công nghiệp văn hóa suy cho cùng là vì con người, phát triển kinh tế - xã hội, giúp bảo vệ sự đa dạng sinh thái và văn hóa trên đất nước Việt Nam nói riêng và trái đất nói chung”.

Khơi nguồn lực tăng trưởng

Phát triển công nghiệp văn hóa đang được xem là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trên toàn thế giới.

Việt Nam có khá nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa. Những vùng đất di sản, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như vịnh Hạ Long, Cúc Phương, Phong Nha - Kẻ Bàng, Côn Đảo, Phú Quốc… là nguồn lực để phát triển du lịch - một trong những ngành công nghiệp văn hóa tiềm năng, mũi nhọn.

Bên cạnh đội ngũ trí thức, các văn nghệ sĩ, Việt Nam còn có đội ngũ nghệ nhân dân gian trong các lĩnh vực âm nhạc, hội họa, làng nghề truyền thống... Họ đều là những “báu vật sống” của đất nước, đóng góp vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như du lịch, thủ công mỹ nghệ, âm nhạc…

Ngay cả khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế trên toàn thế giới, khi mà phân nửa chặng đường bị tác động bởi “cơn lốc” đại dịch Covid-19, thì những đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa cho nền kinh tế nước nhà vẫn rất đáng kể. Theo số liệu thống kê, năm 2022, cả nước có tới hơn 70.000 cơ sở hoạt động liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa, thu hút khoảng 2 triệu lao động.

Mới đây, 3 thành phố của Việt Nam là Hà Nội, Đà Lạt và Hội An chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đây có thể coi là một dấu ấn trong Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, những kết quả đạt được của ngành công nghiệp văn hóa vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và cần những “cú hích” mạnh mẽ, mang tính tổng thể.

Cùng với việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý, các chính sách ưu đãi, khuyến khích sáng tạo để từng bước “khơi thông” nguồn lực, thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển, thì việc đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, hợp tác, liên doanh, liên kết với các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… là hết sức cần thiết. Công nghiệp văn hóa phải góp phần khơi dậy niềm tự hào về văn hóa và con người Việt Nam.

Theo các chuyên gia, Việt Nam không thiếu nhân lực, mà thiếu môi trường cho sự sáng tạo được bùng nổ, thăng hoa; thiếu những sản phẩm văn hóa có chất lượng cao tham gia thị trường văn hóa trong nước và quốc tế, thiếu những sản phẩm mang tầm thương hiệu quốc gia... Thông qua sản phẩm của các ngành công nghiệp văn hóa, hình ảnh quốc gia sẽ được quảng bá rộng rãi ra thế giới, góp phần mở rộng không gian văn hóa, tăng cường “sức mạnh mềm”, sức mạnh tổng hợp nội sinh của đất nước.

Như vậy, chỉ khi chúng ta coi công nghiệp văn hóa là một ngành kinh tế mũi nhọn, thì khi đó, mục tiêu đóng góp 7% GDP vào năm 2030 mà Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đặt ra mới thực sự có lời giải. Nếu không, việc phát triển công nghiệp văn hóa sẽ chỉ dừng ở mức khởi động, thay vì chuyển động, chứ chưa nói tới tăng trưởng và tạo hiệu quả đột phá.

Phương Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục