Khai thác ẩm thực để phát triển công nghiệp văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
Ẩm thực là một trong những mạch nguồn quan trọng trong dòng chảy văn hóa Thăng Long - Hà Nội, đang được thành phố coi là điểm nhấn để phát triển công nghiệp văn hóa.
Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội thu hút rất đông người dân và du khách tham gia Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội thu hút rất đông người dân và du khách tham gia

Kinh doanh ẩm thực gắn với food tour

Tại cuộc bàn tròn chủ đề “Phát huy nguồn nhân lực phát triển văn hóa ẩm thực trên địa bàn Hà Nội”, do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức trong khung khổ Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2023 mới đây, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhận định, ẩm thực Hà Nội phong phú, đa dạng và tinh tế. Khắp các phố phường, ở đâu cũng có thể thấy những món ăn đặc sản gắn liền với mảnh đất Hà Thành như: phở Lý Quốc Sư, phở Thìn, bún ốc hồ Tây, bánh cuốn Thanh Trì, chả cá Lã Vọng, giò chả Ước Lễ, giò chả Chèm - Vẽ... Hà Nội cũng có những tuyến phố ẩm thực được nhiều người biết đến như Tạ Hiện, Mã Mây, Đồng Xuân, Cầu Gỗ, Tống Duy Tân.

Danh mục đặc sản ở Hà Nội vô cùng đa dạng với những loại bắt nguồn từ mảnh đất Tràng An và cả đặc sản từ địa phương khác, nhưng được người Hà Nội chế biến theo phong cách riêng. Bởi thế, những đặc sản này có hương vị khác hẳn, chuyển tải nét văn hóa của Hà Thành. “Những nét đặc trưng nổi bật của văn hóa ẩm thực Hà Nội không chỉ là điểm nhấn quan trọng trong hành trình phát triển, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, thúc đẩy quá trình hội nhập của Thủ đô”, ông Đỗ Đình Hồng khẳng định.

Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2023 với chủ đề “Giao lưu văn hóa ẩm thực với bạn bè quốc tế”, diễn ra từ ngày 1 - 3/12/2023 thu hút khoảng 10.000 người dân và du khách. Lễ hội đã tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, ẩm thực truyền thống của Hà Nội, xây dựng và khai thác có hiệu quả thương hiệu văn hóa, ẩm thực, du lịch của Thủ đô.

Trong phát triển công nghiệp văn hóa, nhiều du khách quốc tế đánh giá, ẩm thực là điểm hấp dẫn bậc nhất. Hà Nội có đủ điều kiện để trở thành một trong những trung tâm ẩm thực của Đông Nam Á và châu Á. Tuy nhiên, giá trị tinh hoa của ẩm thực Hà Thành chưa được khai thác xứng tầm, chưa có các tour trải nghiệm ẩm thực nổi bật.

Cho rằng, ẩm thực Hà Nội là một thành tố văn hóa vật chất và tinh thần quan trọng trong sự giao thoa giữa văn hóa và kinh tế, PGS-TS. Nguyễn Thị Anh Quyên, Trưởng bộ môn Chính sách văn hóa và Quản lý nghệ thuật (Trường đại học Văn hóa Hà Nội) nhấn mạnh, Hà Nội cần quy hoạch, đầu tư xây dựng các food tour (tour trải nghiệm ẩm thực), sản phẩm văn hóa ẩm thực có trọng tâm, trọng điểm.

“Hiện nay, thành phố đã quy hoạch một số tuyến phố ẩm thực, song cần đầu tư những sản phẩm thực sự tinh hoa, góp phần xây dựng thương hiệu, điểm đến Hà Nội trong lòng bạn bè du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời, xây dựng văn hóa kinh doanh ẩm thực song song với xây dựng các food tour…”, bà Quyên nói và cho rằng, Hà Nội cần xây dựng chiến lược, kế hoạch phát huy tinh hoa văn hóa ẩm thực gắn với phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Đồng thời, quảng bá điểm đến Hà Nội nói chung, văn hóa ẩm thực nói riêng trên một số phương tiện truyền thông, hướng tới các thị trường mục tiêu. Tổ chức các sự kiện, hoạt động giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa ẩm thực. Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực ẩm thực. Đặc biệt là hỗ trợ đào tạo đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực ẩm thực.

Không chỉ đào tạo về công thức

Hà Nội đang định hướng phát triển du lịch bảo đảm bền vững, hiệu quả, vừa là cửa ngõ đón, phân phối khách du lịch ở phía Bắc và cả nước, vừa là điểm đến du lịch “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”. Xét trong bối cảnh ngành du lịch Hà Nội đón 22,6 triệu lượt khách trong 11 tháng của năm 2023, vượt chỉ tiêu khách quốc tế, TS. Phạm Mạnh Cường, Trưởng khoa chế biến món ăn, Trường cao đẳng Du lịch Hà Nội dự đoán, thị trường kinh doanh ẩm thực đang có chiều hướng tăng trưởng rất nhanh trong năm tới. Điều này đồng nghĩa nguồn nhân lực làm trong lĩnh vực ẩm thực dự báo cần nhu cầu lớn. Do đó, để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch, ông Phạm Mạnh Cường đề xuất các cơ sở đào tạo cần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy; liên kết đào tạo với doanh nghiệp và đẩy mạnh hợp tác quốc tế; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo.

Bên cạnh đào tạo, một phần quan trọng không kém là chính sách phát triển, nuôi dưỡng đam mê làm nghề từ trái tim của đội ngũ đầu bếp. Bà Nguyễn Thị Anh Quyên cho rằng, để những đầu bếp đảm nhận vai trò đại sứ, họ cần phải yêu và hiểu văn hóa ẩm thực Hà Nội. Đồng thời, nhận thức vai trò và sứ mệnh để truyền tải những giá trị tinh hoa, đưa văn hóa ẩm thực Hà Nội lên tầm cao mới. “Đội ngũ đầu bếp không nhất thiết phải sinh ra và lớn lên ở Hà Nội mới có thể thực sự đại diện cho văn hóa ẩm thực Hà Nội. Tuy nhiên, họ cần phải am hiểu các món ăn của Hà Nội, nắm vững bí quyết chế biến các món ăn đặc sắc mang phong vị Hà Thành, phải làm nghề từ trái tim”, bà Quyên nhấn mạnh.

Cũng theo bà Quyên, phát huy tinh hoa văn hóa ẩm thực Hà Nội không thể thiếu vai trò quan trọng của đội ngũ nhân lực, từ những người làm công tác quản lý, kinh doanh ẩm thực, nghệ nhân ẩm thực. Vì vậy, cần có chính sách tổ chức, hỗ trợ đào tạo đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực văn hóa ẩm thực Hà Nội, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội nói chung, phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo của Thủ đô nói riêng.

Hạnh Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục