Tìm động lực phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam

(ĐTCK) Điều kiện kinh tế, kinh doanh khó khăn chung đang tác động đến mọi cá nhân, doanh nghiệp trong xã hội, trong đó có các doanh nghiệp bảo hiểm.
Tìm động lực phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam

Với đặc thù là trung gian chia sẻ tổn thất, rủi ro trong xã hội, các doanh nghiệp bảo hiểm hiểu rất rõ vai trò của mình lúc này và đang hết sức nỗ lực để trụ vững và phát triển, góp phần duy trì sự ổn định chung của đời sống kinh tế - xã hội. Và trong lĩnh vực bảo hiểm, tái bảo hiểm lại là người đứng sau, có vai trò tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển.

Tăng trưởng trong khó khăn

Năm 2012, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với hệ quả bất ổn kinh tế vĩ mô trong nội tại và ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, nợ công châu Âu… Tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Đời sống kinh tế - xã hội tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, môi trường đầu tư có nhiều biến động, nợ xấu và rủi ro tăng cao; lãi suất thị trường giảm mạnh… Tất cả những yếu tố trên đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đối với hoạt động kinh doanh các DN bảo hiểm, trong đó có Vinare.

Tìm động lực phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam ảnh 1

Lãnh đạo Vinare và Swiss Re tiếp kiến Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ngày 18/3/2013

Thị trường bảo hiểm Việt Nam đã không thể duy trì được đà tăng trưởng cao như những năm trước. Cụ thể, trong năm 2012, tổng doanh thu phí đạt khoảng 41.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2011. Trong đó, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng 10,7%, nhân thọ tăng trưởng 13,7% (trong khi các năm trước có mức tăng trưởng khoảng 18 - 25%). Doanh thu phí các dịch vụ có tái bảo hiểm tăng trưởng không đáng kể, hoặc tăng trưởng âm (bảo hiểm kỹ thuật ước giảm 30%, bảo hiểm thân tàu giảm khoảng 40%). Tình hình cạnh tranh tiếp tục diễn ra gay gắt, bằng chi phí khai thác, giảm phí, mở rộng điều kiện điều khoản... Tình hình tổn thất tiếp tục xấu, vấn đề đánh giá rủi ro, giải quyết bồi thường vẫn đáng lo ngại. Đặc biệt, nghiệp vụ bảo hiểm tài sản tiếp tục có tỷ lệ tổn thất cao. Số lượng các doanh nghiệp bảo hiểm gốc chịu lỗ nghiệp vụ không hề thuyên giảm. Năm 2012 có 17/29 doanh nghiệp lỗ kinh doanh nghiệp vụ so với 14/29 doanh nghiệp năm 2011.

Mặc dù vậy, một số kết quả đạt được là rất đáng khích lệ. Toàn ngành bảo hiểm đã đầu tư gần 90.000 tỷ đồng vào nền kinh tế quốc dân, góp phần phát triển kinh tế đất nước, bảo đảm an sinh xã hội. Các DN bảo hiểm cũng đang tiến hành tái cơ cấu, đảm bảo biên khả năng thanh toán, danh mục đầu tư an toàn, hiệu quả; xử lý nợ khó đòi (trong đó có nợ phí bảo hiểm) và tái cơ cấu vốn chủ sở hữu, giảm dần vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tại các DN bảo hiểm; lựa chọn đối tác chiến lược tham gia góp vốn.

Trong tình hình khó khăn chung, một số DN bảo hiểm đã có nhiều nỗ lực về mọi mặt và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh doanh năm 2012, trong đó có  Vinare. Năm 2012, doanh thu phí nhận tái bảo hiểm (loại trừ doanh thu thí điểm bảo hiểm nông nghiệp) của Vinare đạt 1.608 tỷ đồng, đạt trên 100% kế hoạch và tăng trưởng 13,3% so với năm 2011. Phí giữ lại của Vinare đạt 646 tỷ đồng, tăng 32,9% so với năm trước. Lợi tức thuần nghiệp vụ đạt trên 38 tỷ đồng, tăng trưởng 25,6% so với năm 2011. Tổng lợi tức trước thuế (không bao gồm hoạt động thí điểm nông nghiệp) đạt 333 tỷ đồng, bằng 111,9% so với cùng kỳ năm trước và đạt 111,1% so với kế hoạch được giao. Trong lĩnh vực đầu tư, thu nhập từ hoạt động đầu tư tài chính và hoạt động khác trong năm 2012 đạt 295 tỷ đồng. Hoạt động đầu tư an toàn, không có thất thoát hoặc công nợ khó đòi. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của môi trường đầu tư chung, với chủ trương an toàn - hiệu quả - phát triển bền vững và chiến lược phân bổ tài sản đầu tư đúng đắn, chính sách quản trị rủi ro hoạt động tốt, kết quả đầu tư và chất lượng tài sản đầu tư Vinare đạt được là đáng khích lệ.

Tìm động lực phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam ảnh 2

Hội thảo Natcat & Event limit do Vinare tổ chức cho toàn thị trường Bảo hiểm Việt Nam

Trong năm 2012, thực hiện Quyết định số 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, Vinare đã phối hợp cùng Bảo Việt và Bảo Minh thực hiện trọng trách này. Đây vừa là niềm tự hào, vừa là thách thức đối với hoạt động kinh doanh của Vinare, Bảo Việt, Bảo Minh nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung trong nỗ lực triển khai các chính sách của Đảng và Chính phủ. Hoạt động triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp được đánh giá là thành công. Với trách nhiệm là nhà thu xếp tái bảo hiểm, Vinare đã cùng Bảo Việt, Bảo Minh, Swiss Re nghiên cứu và đề xuất với các doanh nghiệp, các cơ quan hữu quan để thiết kế, xây dựng sản phẩm phù hợp, triển khai, đánh giá và thu xếp tái bảo hiểm an toàn - hiệu quả cho chương trình. Tổng số phí nhận tái bảo hiểm phát sinh trong năm 2012 ước đạt 86,8 tỷ đồng, số tiền bồi thường thuộc trách nhiệm ước khoảng 24,6 tỷ đồng. Năm 2013, các bên đang tiếp tục chỉnh sửa các điều kiện/điều khoản cũng như các chính sách/giải pháp liên quan đến chương trình thí điểm, nhằm mục đích thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Chính phủ trong lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp.

 

Động lực nào cho năm 2013?

Năm 2013, nền kinh tế nói chung được nhìn nhận là chưa có dấu hiệu phục hồi tăng trưởng rõ ràng, dự báo tăng trưởng GDP ở mức 5,3%. Những thách thức kinh tế chính vẫn nằm ở sự bất ổn về môi trường kinh doanh; suy giảm về cầu tiêu dùng; giá nguyên vật liệu tăng; tình hình nợ xấu của các ngân hàng, nợ công… Trong năm nay, Chính phủ sẽ tăng cường thực thi các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng; kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện tái cấu trúc kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính.

Còn ở thị trường bảo hiểm, năm 2013, tình hình kinh tế vĩ mô được nhìn nhận tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động khai thác bảo hiểm. Dự báo thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng 10 - 12%, tuy nhiên, tăng trưởng chủ yếu tập trung ở các sản phẩm bảo hiểm cá nhân, các dịch vụ có tái bảo hiểm hầu hết được dự báo sẽ tăng trưởng âm. Xu hướng tổn thất tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự đoán (thiên tai, lạm phát, trục lợi,..). Cạnh tranh tiếp tục diễn ra quyết liệt ở tất cả các dịch vụ bảo hiểm, tái bảo hiểm. Cùng với đó, tình trạng nợ đọng phí và chiếm dụng vốn trong thanh toán tái bảo hiểm chưa được cải thiện, đặc biệt năm 2013, số doanh nghiệp là khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản, giải thể có khả năng tăng lên so với 2012.

Trước tình hình đó, về phần Vinare, Công ty tiếp tục chủ trương sát cánh cùng thị trường kiểm soát chặt chẽ rủi ro được bảo hiểm, khắc phục các tồn tại, góp phần từng bước lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm trong môi trường cạnh tranh, đảm bảo chi trả kịp thời, đầy đủ các tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm, góp phần ổn định sản xuất và đời sống xã hội.

Trong kinh doanh tái bảo hiểm, với chủ trương đặt hiệu quả lên hàng đầu, tăng cường kiểm soát chất lượng rủi ro được bảo hiểm/tái bảo hiểm, kế hoạch doanh thu phí nhận năm 2013 của Vinare (không bao gồm nghiệp vụ bảo hiểm nông nghiệp thí điểm) dự kiến đạt 1.412 tỷ đồng; doanh thu phí nhận tái bảo hiểm nông nghiệp thí điểm dự kiến đạt 180 tỷ đồng; lợi tức trước thuế dự kiến 360 tỷ đồng (chưa bao gồm thí điểm nông nghiệp), tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm trước. Vinare cũng sẽ triển khai hàng loạt giải pháp nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, tăng cường năng lực cung cấp giá trị gia tăng cho khách hàng. Ngoài ra, Vinare tiếp tục phối hợp cùng các doanh nghiệp bảo hiểm gốc triển khai các nghiệp vụ bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm năng lượng hạt nhân, nghiên cứu khả thi thành lập quỹ bảo hiểm thiên tai cho toàn ngành..

Tìm động lực phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam ảnh 3

Hội nghị Tái bảo hiểm lần thứ V do Vinare tổ chức cho toàn thị trường Bảo hiểm Việt Nam

Trong lĩnh vực đầu tư, Vinare tiến hành rà soát lại chiến lược phân bổ đầu tư theo hướng an toàn, hiệu quả bền vững, nâng cao kỹ năng phân tích, đánh giá, quản lý rủi ro trong hoạt động đầu tư. Thực hiện Thỏa thuận hợp tác chiến lược với Swiss Re, Vinare đang nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh: năng lực cung cấp sản phẩm, năng lực quản lý, củng cố tiềm lực tài chính và năng lực bảo hiểm, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại và nâng cao năng lực đầu tư.

Vinare sẵn sàng đón nhận và vượt qua các thử thách trong quá trình thực hiện chiến lược nâng tầm hoạt động, trở thành nhà tái bảo hiểm - đầu tư chuyên nghiệp, uy tín và có vị trí hàng đầu trong khu vực và là chỗ dựa vững chắc cho thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển.

 

Vì một thị trường bảo hiểm phát triển bền vững

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 21. Biến đổi khí hậu sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Hậu quả của biến đổi khí hậu nói chung và các thảm họa nói riêng là nghiêm trọng và là một nguy cơ hiện hữu cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Ngành bảo hiểm thực sự đóng một vai trò quan trọng trong việc bù đắp thiệt hại, ổn định sản xuất và đời sống, hỗ trợ tái thiết nền kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh xã hội. Mặt khác, chính ngành bảo hiểm/tái bảo hiểm cũng bị ảnh hưởng, thiệt hại trực tiếp về tài chính hoặc gián tiếp chịu ảnh hưởng do kết quả của môi trường kinh doanh thay đổi và khuôn khổ luật lệ thắt chặt.

Nhằm chủ động đưa ra các giải pháp chung cho toàn thị trường, Vinare đã thực hiện đồng bộ một loạt giải pháp như phối hợp với đối tác chiến lược Swiss Re khảo sát thị trường và tổ chức Hội thảo “Nat cat & Event Limit” vào tháng 7/2012. Tại Hội nghị này, Vinare và các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã thống nhất phối kết hợp chặt chẽ với nhau để thực hiện đồng bộ các giải pháp: thu thập thông tin và dữ liệu, làm cơ sở cho việc tính toán và đánh giá nguy cơ rủi ro thiên tai trong tương lai, trong đó, Vinare đảm nhận việc quản lý dữ liệu tập trung nhằm nghiên cứu, tính toán và đề xuất việc phát triển mô hình Nat Cat một cách minh bạch và dễ tiếp cận đối với toàn bộ thị trường bảo hiểm. Với một mô hình Nat Cat thống nhất trên thị trường bảo hiểm, trong trường hợp các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước cần hỗ trợ, Vinare sẽ đóng vai trò làm đầu mối thu xếp tái bảo hiểm với các nhà tái bảo hiểm trong nước và quốc tế, đồng thời đưa ra hợp đồng bảo vệ cho rủi ro thiên tai. Vinare đã tổ chức Hội nghị tái bảo hiểm toàn thị trường bảo hiểm Việt Nam vào tháng 11/2012 tại Đà Lạt nhằm phân tích, đánh giá và đưa ra các giải pháp, kiến nghị phát triển một thị trường bảo hiểm bền vững và hiệu quả.

Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare)
Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare)

Tin cùng chuyên mục