Tìm điểm tựa cho hành trình đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường "con gấu" khiến danh mục của nhiều nhà đầu tư giảm mạnh, họ đến đại hội cổ đông để tìm điểm tựa và sự vững tin vào doanh nghiệp.
Đại hội cổ đông của NTL sáng 21/4/2023 thu hút nhiều nhà đầu tư tham dự và chất vấn hơn thường lệ. Đại hội cổ đông của NTL sáng 21/4/2023 thu hút nhiều nhà đầu tư tham dự và chất vấn hơn thường lệ.

Đại hội cổ đông của Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm (mã NTL) sáng 21/4/2023 thu hút nhiều nhà đầu tư tham dự và chất vấn hơn thường lệ. Một nhà đầu tư tầm tuổi 30, đại diện cho một nhóm sở hữu 3 triệu cổ phần NTL cho biết, nhóm của anh mua cổ phiếu từ năm 2021 và có cơ hội tích lũy thêm với lý do bức tranh tài chính của Công ty lành mạnh, không áp lực vay nợ và là doanh nghiệp hiếm hoi trong ngành bất động sản trả cổ tức bằng tiền mặt và trả cao (25%/năm). Quan trọng hơn, nhóm nhà đầu tư này thích cách định hướng, tư duy đầu tư kinh doanh của Ban lãnh đạo Công ty, đó là chậm mà chắc, phù hợp với các nhà đầu tư dài hạn.

Phần thảo luận thu hút khoảng 15 nhà đầu tư chất vấn. Họ đặt những câu hỏi cực kỳ chi tiết về doanh nghiệp, thể hiện đây là những cổ đông đã theo sát Công ty trong một thời gian dài, từ kế hoạch bán hàng dự án Bãi Muối (Hạ Long), tại sao vẫn còn 2 hộ dân chưa thể di dời để giải phóng mặt bằng bàn giao diện tích nhà ở xã hội cho địa phương, dự án Bắc Quốc lộ 32 còn doanh thu chưa thực hiện hơn 100 tỷ đồng nằm ở phần xây lắp nhà ở cho khách hàng, hay phần đất nhà vườn chưa bán được… Thậm chí, có cổ đông ở Quảng Ninh lên Hà Nội dự đại hội còn rất tâm huyết góp ý với doanh nghiệp giữ gìn cảnh quan dự án, cây xanh thật tốt khi chưa bán hàng để dự án giữ được vẻ đẹp, giá trị…

Trước câu hỏi của cổ đông về việc kế hoạch trả cổ tức năm 2022 là 25% bằng tiền mặt (đã tạm ứng 15%), với bối cảnh khó khăn như hiện nay của các doanh nghiệp bất động sản, Công ty có thay đổi, điều chỉnh giảm không, ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lideco cho biết: “Ban lãnh đạo đã cam kết là sẽ làm, cái gì không chắc chắn thì sẽ không cam kết. Hiện Công ty chưa có nguồn để trả nốt cổ tức nhưng trong năm 2023 sẽ trả hết cổ tức năm 2022. Ban lãnh đạo tiếp tục đặt kế hoạch cổ tức 25% bằng tiền mặt cho năm 2023 để phấn đấu”.

Một nhà đầu tư có gần 20 năm kinh nghiệm bám thị trường chứng khoán rất chịu khó đi đại hội. Trong danh mục của bà có các cổ phiếu VCG, NTL, SHS, VPB. Bà nói năm nay sẽ thu xếp tham dự tất cả các đại hội trên để cập nhật thông tin doanh nghiệp, có trực tiếp tham dự các đại hội, trực tiếp lắng nghe lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp trao đổi với các nhà đầu tư, bà mới có cơ sở và đủ tin tưởng để quyết định có nắm giữ cổ phiếu dài hạn hay không. Tham dự đại hội đồng cổ đông của VPBank tuần qua, nhà đầu tư này cho rằng, ban chủ tọa cần cải thiện trong phần chất vấn khi không cho cổ đông đặt câu hỏi trực tiếp, mà yêu cầu ghi ra giấy.

“Chất vấn trực tiếp là đối thoại giữa ban lãnh đạo và cổ đông, khi ban lãnh đạo trả lời chưa thỏa đáng, cổ đông có thể hỏi lại, hỏi kỹ hơn. Đại hội có tương tác, không khí sẽ khác. Cổ đông cũng có động lực góp ý để doanh nghiệp tốt hơn về quản trị… Một năm mới có đại hội một lần, mà lại yêu cầu cổ đông chất vấn qua giấy”, nhà đầu tư góp ý.

Tuy là nhà đầu tư cá nhân nhưng ông Tuấn Anh sống bằng nghề đầu tư chứng khoán hơn chục năm nay. Mua mua, bán bán, danh mục của ông thường có 5-6 mã quen thuộc. Thường tháng 4 là thời điểm ông bận rộn nhất vì không chỉ tham dự các đại hội cổ đông mà ông sở hữu cổ phiếu trực tiếp, ông còn đại diện ủy quyền cho nhiều bạn bè trong nhóm.

Ông kể, có những ngày tham dự 2 đại hội, cả sáng và chiều. Đến đại hội, ngoài cập nhật thông tin chính xác về doanh nghiệp, ông còn lọc được cả cơ hội đầu tư khá hay, từ nhờ chịu khó đi nghe. Đó là lần cùng đứa cháu đến dự đại hội cổ đông của Công ty cổ phần Đạt Phương. Sau đại hội, ông quyết định dồn tiền mua 30.000 cổ phiếu DPG với giá 30.000 đồng/cổ phiếu và chốt lãi dần với giá 65.000-70.000 đồng/cổ phiếu. Khi cổ phiếu DPG rớt về giá 40.000 đồng/cổ phiếu, ông mua lại, giờ đang bị lỗ 10.000 đồng/cổ phiếu, nhưng tin tưởng sẽ có ngày “về bờ” nên không cắt lỗ.

Với những doanh nghiệp lớn làm ăn tốt, quản trị tốt, cổ phiếu trở thành thương hiệu quốc dân như HPG, FPT thì đại hội cổ đông là sự kiện được nhiều nhà đầu tư quan tâm và mong đợi. Cũng có những doanh nghiệp vừa vừa, nhưng cổ phiếu có nhiều nhóm đầu tư tham gia “đánh sóng” cũng thu hút rất đông cổ đông dự đại hội. Hội trường CEO Group năm 2022 không còn chỗ trống, nhà đầu tư còn phải ngồi ở tầng khác xem đại hội qua màn hình, ghế chính, ghế nhựa đều được huy động để nhà đầu tư không phải đứng.

Bên lề các kỳ đại hội, nhà đầu tư cũng kể cho nhau nghe lắm chuyện vui. Một nhà đầu tư trầm trồ việc cổ đông Công ty cổ phần Công viên nước Đầm Sen dự đại hội được nhận 3 triệu đồng/người, rồi chuyện Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) khuyến khích cổ đông dự đại hội để không phải tổ chức lần 2 đã “bắn” ngay vào tài khoản mỗi người 1 triệu đồng sau khi đăng ký dự đại hội. Có doanh nghiệp không ngờ cổ đông đến dự đông quá, không đủ quà phải vội vàng về trụ sở tìm món khác thay thế.

Có nhiều doanh nghiệp như Đạt Phương, IDI, Tài chính Hoàng Huy, TNG mời cơm toàn bộ cổ đông tham dự đại hội. Có những doanh nghiệp như TNG, mỗi năm tổ chức đại hội ở một nhà máy khác nhau (TNG có 4 nhà máy) để cổ đông thêm hiểu về doanh nghiệp.

Quà tặng cổ đông rốt cuộc cũng là tiền của cổ đông, nhưng cách đón tiếp và sự trân trọng của ban lãnh đạo doanh nghiệp đọng lại ấn tượng tốt ở nhiều cổ đông các kỳ tham dự đại hội.

Cung cách tổ chức đại hội, phong thái trả lời của lãnh đạo doanh nghiệp, thông tin cung cấp tại đại hội… là nhiều khía cạnh của công việc quan hệ nhà đầu tư.

Thực tế cho thấy, bên cạnh hoạt động tốt các mảng lõi để doanh nghiệp thực sự hiệu quả và thị giá cổ phiếu tăng trưởng bền vững, doanh nghiệp thực hiện quan hệ nhà đầu tư tốt thường thành công hơn trên thị trường tài chính, một mặt mở ra nhiều cánh cửa thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư, một mặt thương hiệu được biết đến rộng rãi hơn.

Nhà đầu tư Nguyễn Hoàng Dương (Hà Nội)

Với cương vị là một nhà đầu tư cá nhân và thường xác định đầu tư dài hạn, khi công ty làm ăn thua lỗ thì việc đầu tiên tôi làm là tìm hiểu lý do vì sao và lắng nghe trình bày của ban lãnh đạo trong cuộc họp cổ đông. Tất nhiên, việc làm ăn thua lỗ là điều không ai muốn, tuy nhiên, có những doanh nghiệp nặng tính chu kỳ hay những bất ổn của nền kinh tế xảy đến sẽ rất khó tránh khỏi thua lỗ.

Buồn là có, nhưng một khi đã chọn đồng hành cùng doanh nghiệp thì nhà đầu tư cần có niềm tin vào tầm nhìn của ban lãnh đạo, nội tại của doanh nghiệp. Chỉ cần doanh nghiệp thể hiện được sự quan tâm đến quyền lợi của cổ đông, chia sẻ thẳng thắn, minh bạch và có định hướng, kế hoạch rõ ràng trong tương lai, tôi hoàn toàn có thể thông cảm và sẵn sàng đồng hành lâu dài cùng doanh nghiệp.

Nhà đầu tư Quang Bình (TP.HCM)

Trước khi đến đại hội cổ đông thường niên Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2), tôi có phần lo lắng khi thấy kế hoạch Công ty đặt ra cho năm 2023 khá thận trọng, với doanh thu gần 8.300 tỷ đồng, giảm 5%, lợi nhuận sau thuế 473 tỷ đồng, giảm đến 46%; cổ tức tiền mặt 15%, thấp so với các năm trước, thường ở mức 20 - 25%.

Tôi đầu tư vào NT2 vì doanh nghiệp này có hoạt động ổn định, lĩnh vực kinh doanh thiết yếu và cổ tức duy trì đều đặn, hấp dẫn. Nên việc đặt kế hoạch thấp không khỏi làm tôi băn khoăn, dù biết doanh nghiệp có kế hoạch bảo trì bảo dưỡng, đại tu năm nay. Tuy nhiên, sau khi nghe lãnh đạo Công ty giải thích cặn kẽ các vấn đề cổ đông chất vấn, tôi thấy an tâm hơn.

Theo lãnh đạo chia sẻ, Công ty sẽ tiến hành đại tu lần 2 nhà máy (100.000 giờ) nên kế hoạch kinh doanh năm 2023 không thấp. Trong năm 2023, chênh lệch tỷ giá nhận được khoảng 155 tỷ đồng. Đặc biệt, kế hoạch đại tu thực hiện trong tháng 9 và 10, Công ty dự kiến lỗ 3 tháng 8, 9 và 10 ít nhất 180 tỷ đồng. Để bù đắp cho các tháng có sản lượng điện hợp đồng thấp, Công ty đặt mục tiêu nửa đầu năm phải đạt được 450 - 500 tỷ đồng lợi nhuận, riêng quý I thực hiện được khoảng 230 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước.

Nhà đầu tư Nguyễn Anh Khoa (Hà Nội)

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức từ cả trong và ngoài nước, tôi cũng không quá bất ngờ khi các doanh nghiệp rất thận trọng khi trình đại hội cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023. Ngay cả một số doanh nghiệp trong ngành dầu khí có chỉ số cơ bản tốt, lợi thế ngành nhưng vẫn đặt mục tiêu dè dặt khi đồng loạt thông qua kế hoạch đi lùi so với năm 2022 như BSR, PVS…, huống gì những doanh nghiệp nhỏ.

Năm nay, sẽ có nhiều biến động ở các doanh nghiệp. Ngoài những câu chuyện thường niên như kế hoạch sản xuất - kinh doanh, cổ tức, có những vấn đề mới đáng quan tâm đó là khả năng cạnh tranh, tái cấu trúc công ty, M&A, thay đổi lãnh đạo… tại một số doanh nghiệp. Bởi ở những doanh nghiệp có nhiều biến động thì những vấn đề này mang tính sống còn với tương lai doanh nghiệp, do đó, đây là điều các cổ đông mong muốn được nghe những lời chia sẻ thật nhất từ lãnh đạo doanh nghiệp.

Thực tế, các nhà đầu tư đang quan tâm đến biến động giá cổ phiếu nhiều hơn là chuyển biến thực sự tại doanh nghiệp, thậm chí khá “lười” tham gia đại hội cổ đông. Việc tham gia trực tiếp đại hội cổ đông của doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể gặp trực tiếp lãnh đạo doanh nghiệp, lắng nghe, phản biện về kế hoạch kinh doanh. Phía doanh nghiệp cũng sẽ công bố những thông tin liên quan, bao gồm cổ tức năm trước, cổ tức dự kiến, rồi kết quả kinh doanh quý I, để có cái nhìn tổng quan nhất về doanh nghiệp.

Tuấn Anh - Thủy Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục