“Nốt trầm” mùa đại hội ngành địa ốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường bất động sản đang trong giai đoạn khó khăn nên các doanh nghiệp ngành này cũng không còn hào hứng công bố sớm dự kiến lãi tốt hay tỏ ra bận rộn với công tác bán hàng trước kỳ đại hội cổ đông thường niên năm nay.
“Nốt trầm” mùa đại hội ngành địa ốc

Dè dặt với mục tiêu lợi nhuận cao

Mặc dù danh mục sản phẩm có thể tung ra thị trường trong năm 2023 có giá trị lên tới khoảng 18.000 tỷ đồng, thế nhưng trong chia sẻ gần đây, đại điện Tập đoàn Nam Long (mã NLG) cho biết, Ban lãnh đạo Công ty đưa ra kế hoạch doanh số bán hàng thấp hơn gần phân nửa, khoảng 10.000 tỷ đồng, lý do bởi thị trường vẫn đang trầm lắng, đồng thời một số sản phẩm chưa phù hợp với nhu cầu với khách hàng vào thời điểm này (chủ yếu là sản phẩm cao cấp ở dự án Paragon Đại Phước) .

Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG) cũng thận trọng với kế hoạch kinh doanh năm nay. Trong báo cáo cập nhật về doanh nghiệp này, Công ty Chứng khoán VNDirect tiết lộ, trong năm nay, Đất Xanh chỉ dự định mở bán dự án DXH Parkview (tại TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương) do điều kiện thị trường không thuận lợi. Đây là dự án khu chung cư cao cấp, diện tích 5,13 ha, quy mô 6.500 căn hộ với tổng mức đầu tư 21.728 tỷ đồng. Theo VNDirect, việc chỉ mở bán 1 dự án có thể khiến doanh số bán mới trong năm 2023 của Đất Xanh giảm 33,5% so với năm 2022.

Thậm chí, một thành viên của Tập đoàn là Đất Xanh Services còn lên kế hoạch “đi lùi” nhanh hơn với doanh thu hợp nhất dự kiến đạt 3.800 tỷ đồng, giảm 8% và lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ là 126 tỷ đồng, giảm 62% so với thực hiện năm 2022.

Một doanh nghiệp lớn ở phía Nam khác là Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật Becamex (Becamex IJC, mã IJC) vừa công bố thông tin tài liệu Đại hội cổ đông thường niên 2023, trong đó xác định năm nay, lĩnh vực đóng góp trên 50% tỷ trọng doanh thu của Công ty là bất động sản sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn.

Ngoài ra, việc thắt chặt nguồn vốn tín dụng, sự trồi sụt của thị trường chứng khoán cũng là yếu tố ảnh hưởng đến dòng tiền, tâm lý nhà đầu tư. Do đó, lãnh đạo Công ty đặt mục tiêu năm 2023 đạt tổng doanh thu hợp nhất 1.634 tỷ đồng, giảm 18% so với năm 2022 và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 500 tỷ đồng, giảm 2%. Trong đó, giảm mạnh nhất là nguồn thu từ bất động sản và khách sạn.

Ở phía Bắc, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG) cũng đặt mục tiêu kinh doanh giảm trong năm 2023 với doanh thu 16.340 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 860 tỷ đồng, giảm 8% so với thực hiện năm 2022. Trong tài liệu dự kiến trình Đại hội cổ đông thường niên tới đây, Ban lãnh đạo Vinaconex hướng tới việc giữ ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh tín dụng bất động sản tiếp tục bị thắt chặt, các chi phí đầu vào như giá nguyên vật liệu, giá đất, lãi vay… đều tăng cao.

Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã HDG) công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu hợp nhất 3.040 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.053 tỷ đồng, giảm gần 24% so với kết quả năm 2022. Ban lãnh đạo Hà Đô cho biết, trong năm nay, Công ty chỉ tập trung phát triển các dự án bất động sản và năng lượng trọng điểm để tạo nguồn việc và duy trì nguồn thu, thay vì định hướng tăng trưởng cao như những năm trước.

Trong số doanh nghiệp đầu ngành, Vinhomes (mã VHM) là cái tên hiếm hoi đặt mục tiêu kinh doanh “khủng” với doanh thu đạt 88.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 30.000 tỷ đồng, với trọng tâm là việc tiếp tục bán sản phẩm tại các đại dự án Vinhomes Ocean Park 2, Vinhomes Ocean Park 3.

Vinhomes cho biết, 70% doanh thu trong tổng số 107.600 tỷ đồng giá trị hợp đồng bán trước có thể được ghi nhận trong năm 2023, vì các hợp đồng này chủ yếu là các căn hộ thấp tầng. Ngoài ra, năm nay, Công ty còn có kế hoạch khởi động 3 đại dự án khác (Vũ Yên, Cổ Loa và Golden Avenue), tùy thuộc vào điều kiện thị trường.

Trong khi đa phần doanh nghiệp quy mô lớn thận trọng với kế hoạch kinh doanh năm nay, thì nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ vẫn cho thấy tham vọng tăng trưởng, thậm chí ở mức cao. Đơn cử, trong năm 2023, Công ty cổ phần Đầu tư dịch vụ Hoàng Huy (mã HHS) đặt mục tiêu doanh thu đạt 400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 230 tỷ đồng, lần lượt tăng 3,8% và 2,4% so với thực hiện năm 2022.

Đại diện Hoàng Huy cho biết, nhiệm vụ quan trọng trong 2-3 năm tới là tiếp tục tập trung cho các dự án bất động sản. Đây là giai đoạn đầu tư cao điểm và doanh thu từ các dự án sẽ được hạch toán vào kết quả kinh doanh những năm tới. Song song với đó là đảm bảo duy trì và phát triển thị phần, thương hiệu các dòng xe tải đang kinh doanh.

Tương tự, Tập đoàn Khải Hoàn Land (mã KHG) cũng đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, với doanh thu thuần đạt 1.660 tỷ đồng, tăng 21,3% và lợi nhuận sau thuế đạt 480 tỷ đồng, tăng gần 9% so với thực hiện năm 2022. Công ty dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 10% và cổ phiếu thưởng cho người lao động, tỷ lệ tối đa 1,5%.

Đáng chú ý, Công ty cổ phần Tư vấn thương mại dịch vụ địa Ốc Hoàng Quân (mã HQC) đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 140 tỷ đồng trong năm 2023, gấp lần lượt 5,1 lần và 7,4 lần thực hiện năm 2022.

Chia sẻ lý do đặt mục tiêu lợi nhuận tăng đột biến, đại diện Hoàng Quân cho biết, năm 2023 sẽ có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp biết cách khai thác phân khúc trung bình. Trong đó, Hoàng Quân kỳ vọng gói tín dụng ưu đãi quy mô 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5-2%/năm so với lãi vay chung trên thị trường, áp dụng cho cả chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, tạo đà phát triển cho Công ty cũng như góp phần thúc đẩy thanh khoản trên thị trường.

Chờ tín hiệu tích cực hơn trong nửa cuối năm

Theo giới chuyên gia, sự hồi phục của thị trường bất động sản trong năm 2023 phục thuộc nhiều vào việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý dự án và khơi thông dòng tín dụng bất động sản để các dự án được đẩy nhanh tiến độ, đưa nguồn cung mới ra thị trường. Điều đó cũng được phản ánh vào mục tiêu kinh doanh của các doanh nghiệp lĩnh vực này.

Trong báo cáo phân tích mới đây của chuyên trang Batdongsan.com.vn, ngoài câu chuyện kinh doanh, đơn vị này còn phân loại các nhóm doanh nghiệp dựa trên đánh giá về áp lực nợ ngắn hạn và tổng nợ với quy mô tài sản dựa theo số liệu từ báo cáo tài chính được doanh nghiệp công bố.

Điểm chung cho thấy, những doanh nghiệp đặt mục tiêu kinh doanh thụt lùi như Hà Đô, Becamex IJC, Phát Đạt, Đất Xanh, Nam Long, TTC Land… đều thuộc 2 nhóm doanh nghiệp “cân bằng” và “rủi ro”, tức là có tỷ lệ nợ vay lớn những năm gần đây. Hiện tại, những doanh nghiệp này đang nỗ lực chuyển mình theo hướng thu gọn quy mô thông qua tái cơ cấu nợ và bán bớt tài sản, giảm lượng hàng tồn kho, song điều này cũng khiến mục tiêu kinh doanh giảm sút so với giai đoạn trước.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam, bối cảnh khó khăn chung khiến điểm yếu của các doanh nghiệp địa ốc gần như đã phơi bày, họ không còn cần phải bút toán hoặc làm đẹp báo cáo tài chính lên nữa. Vì vậy, việc giữ tâm lý thận trọng, thậm chí đặt kế hoạch kinh doanh lỗ trong năm 2023 là có thể hiểu được.

Dự báo kém tích cực về kết quả kinh doanh quý I/2023 cũng là yếu tố khiến thị trường chứng khoán chưa thể bứt phá trong ngắn hạn. Thêm vào đó, dòng vốn nước ngoài vốn là động lực chính cho đà tăng thị trường từ tháng 11/2022 đến nay đang cho thấy dấu hiệu chững lại.

SSI Research đưa ra đánh giá không quá lạc quan về thị trường trong tháng 4, nhưng cũng không quá tiêu cực. Điều quan trọng là các chính sách đều đang hướng đến hỗ trợ phục hồi nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng.

Chẳng hạn, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần hạ lãi suất điều hành vào giữa và cuối tháng 3/2023 cho thấy quyết tâm trong việc giảm lãi suất hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, cho dù mức giảm không quá lớn (0,5%/năm). Trên thực tế, lãi suất cho vay bắt đầu giảm từ 2-2,5%/năm cho một số khách hàng vay mua nhà.

Bên cạnh đó, thị trường còn đón nhận những thông tin tích cực liên quan tới Nghị định 08/2023/NĐ-CP và dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-NHNN về thị trường trái phiếu doanh nghiệp; Nghị quyết 33 của Chính phủ về giải pháp tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, đồng thời Chính phủ còn đưa ra kế hoạch xây dựng hơn 1 triệu nhà ở xã hội với mức lãi suất ưu đãi 8,2%/năm cho người vay mua nhà. Tháng 4/2024 cũng bắt đầu với đề xuất của Bộ Tài chính về việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%...

Linh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục