MBB - kỳ vọng “nổi sóng” nếu mở room và phát hành thành công
Trong danh sách 26 cổ phiếu đủ điều kiện làm chứng khoán cơ sở cho sản phẩm chứng quyền hiện nay, nhóm ngân hàng chiếm gần 1/4, bao gồm: HDB, TCB, STB, EIB, MBB và VPB. Trong đó, MBB đang được khối công ty chứng khoán lựa chọn để phát hành chứng quyền trong đợt đầu tiên.
- Vào thời điểm đáo hạn:
+ Lãi khi giá cổ phiếu cơ sở cao hơn giá thực hiện quyền (thực hiện quyền bằng việc thanh toán chênh lệch).
Lỗ khi giá cổ phiếu cơ sở bằng hoặc thấp hơn giá thực hiện quyền, mức lỗ tối đa là khoản tiền mua chứng quyền.
- Trước thời điểm đáo hạn:
Nhà đầu tư giao dịch chứng quyền trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM tương tự như giao dịch cổ phiếu và lãi/lỗ được tính như mua/bán cổ phiếu.
Với tổng tài sản đạt 383.219 tỷ đồng tính đến hết quý I/2019, MBB đứng thứ 7 trong trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần xét về quy mô tổng tài sản; nếu tính riêng trong khối ngân hàng không có sở hữu chi phối của Nhà nước, quy mô của MBB đứng thứ 3 sau SCB và STB.
Về hiệu quả hoạt động, năm 2018, MBB đạt lợi nhuận trước thuế 7.767 tỷ đồng, tăng 68,3% so với năm 2017, mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Năm 2019, MBB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất 9.560 tỷ đồng, tăng 23,1% so với năm 2018, thuộc nhóm ngân hàng có mục tiêu tăng trưởng cao.
Quý I/2019, báo cáo tài chính của MBB cho thấy, Ngân hàng duy trì được mức tăng trưởng khả quan với lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 26,3% so với quý I/2018, đạt 2.424 tỷ đồng, hoàn thành 1/4 kế hoạch kinh doanh cả năm, dù đây là mùa thấp điểm ghi nhận lợi nhuận của các ngân hàng.
Đóng góp vào kết quả này, hầu hết các mảng kinh doanh đều có kết quả tích cực từ thu nhập lãi thuần đến kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán. Đáng chú ý, lãi từ hoạt động bảo hiểm trong kỳ gấp 12 lần cùng kỳ năm 2018, đạt 459 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu tại MBB tính đến cuối quý I/2019 ở mức 1,41% trên dư nợ cho vay. Trước đó, MBB là một trong những ngân hàng sớm xoá nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).
Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) 4 quý gần nhất (quý I/2018 - quý I/2019) của MBB là 3.080 đồng, tương ứng hệ số giá trên thu nhập (P/E) đang ở mức 6,5 lần, thấp hơn đáng kể so với VN-Index (16 lần) và nhiều cổ phiếu ngân hàng khác như VCB (23 lần), BID (15 lần), CTG (14 lần)…
Kết quả kinh doanh tăng trưởng nhanh, định giá hấp dẫn so với thị trường chung và chi trả cổ tức tiền mặt hàng năm là các yếu tố làm tăng sức hấp dẫn của cổ phiếu MBB, đem đến triển vọng tăng giá cổ phiếu.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý I/2019 có một số điểm đáng lưu ý như nợ xấu tăng 0,8% về tỷ lệ và 13% về giá trị. Giá trị nợ xấu thời điểm cuối quý I là 3.230 tỷ đồng, với phân nửa là nợ nhóm 4. Giá trị nợ nhóm 4 tăng gần gấp đôi, từ 797 tỷ đồng lên 1.486 tỷ đồng trong quý đầu năm. Bên cạnh đó, tăng trưởng huy động vốn thấp hơn tăng trưởng tín dụng, tiền gửi của khách hàng tăng 1,1% trong khi tăng trưởng cho vay đạt 6,8%.
Hiện nay, room dành cho khối ngoại tại MBB đã được sở hữu hết. Nhưng room của MBB đang được khóa ở mức 20% so với quy định tối đa 30% áp dụng chung cho nhóm ngân hàng. 10% còn lại là dư địa để Ngân hàng đàm phán phát hành cổ phần chiến lược cho các đối tác ngoại.
Từ câu chuyện tăng giá đột biến của cổ phiếu ngân hàng BID, VCB cuối năm 2018, đầu năm 2019 khi chào bán tăng vốn thành công cho quỹ ngoại, cổ phiếu MBB có thể kỳ vọng “nổi sóng” nếu việc chào bán có tiến triển hoặc Ngân hàng mở room, giúp nhà đầu tư ngoại có thể mua thêm trên thị trường.
HPG - lưu ý hai điểm khác biệt
Thứ nhất, về kết quả kinh doanh, trong khi MWG, FPT, PNJ hay MBB đang có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng, thì HPG là doanh nghiệp duy nhất có lợi nhuận trong xu hướng suy giảm.
Quý I/2019, doanh thu của HPG tăng 15,1%, nhưng lãi trước thuế giảm 16,7% so với cùng kỳ năm 2018. Giá vốn tăng 23%, vượt tốc độ tăng trưởng của doanh thu, kéo biên lợi nhuận gộp giảm 5,3% so với cùng kỳ, về mức 17,5%. Trước đó, trong quý IV/2018, HPG đạt doanh thu hợp nhất 14.500 tỷ đồng, tăng 12%; lợi nhuận sau thuế 1.760 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2017.
Ngoài khó khăn bởi đà tăng giá đầu vào, lợi nhuận của HPG giảm được đánh giá còn bởi doanh nghiệp đang đẩy mạnh bán hàng, mở rộng thị phần để đảm bảo khả năng tiêu thụ khi nguồn cung thép tăng đột biến sau khi dự án thép Dung Quất - Hòa Phát đi vào vận hành theo từng giai đoạn từ năm 2019 khiến các chi phí gia tăng.
Tại Đại hội đồng cổ đông 2019, HPG lên kế hoạch doanh thu hợp nhất 70.000 tỷ đồng, tăng gần 24%, nhưng lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 22% so với năm trước, ở mức 6.700 tỷ đồng, do ảnh hưởng bởi giá quặng sắt, giá điện và chi phí tài chính tăng. Riêng với chi phí tài chính năm 2019, HPG ước tính sẽ tăng gần ba lần so với năm 2018, vì chi phí lãi vay của dự án Dung Quất đã hết thời gian vốn hóa.
Thứ hai, HPG là cổ phiếu duy nhất còn room cho khối ngoại. Tỷ lệ sở hữu của khối ngoại hiện ở mức 39,5% so với tối đa 49%. Từ đầu năm 2019 đến nay, giao dịch của khối ngoại chiếm từ 30 - 50% thanh khoản HPG mỗi phiên và tác động mạnh đến giá cổ phiếu này. Khi khối ngoại mua ròng, thị giá có diễn biến tích cực và ngược lại, nên không ít nhà đầu tư nội nương theo xu hướng giao dịch của khối ngoại để “lướt sóng”. Với các sản phẩm chứng quyền có thời gian đáo hạn ngắn thì đây là yếu tố mà nhà đầu tư mua chứng quyền phát hành trên cổ phiếu HPG cần lưu ý.