Tìm cơ hội mở rộng không gian kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp đã dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn để tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến các thị trường và nhu cầu thay đổi mạnh mẽ.

Ngành dệt may tưởng chừng “lao đao” vì dịch nhưng đã có kết quả kinh doanh khả quan nhờ sự linh hoạt của các doanh nghiệp. Ngành dệt may tưởng chừng “lao đao” vì dịch nhưng đã có kết quả kinh doanh khả quan nhờ sự linh hoạt của các doanh nghiệp.

Hàng thiết yếu vẫy gọi

Trong cơ cấu doanh thu quý III/2020 của Công ty cổ phần Traphaco có thêm sản phẩm mới: trà thảo dược Traphaco Boganic. Ngành hàng nước giải khát được Công ty kỳ vọng sẽ tạo ra động lực tăng trưởng đột phá trong thời gian tới.

Ông Lê Trung Thành, nguyên Phó tổng giám đốc Pepsi Việt Nam cho biết, thị trường nước giải khát Việt Nam có quy mô hơn 5 tỷ USD. Nước uống tốt cho sức khỏe rất phổ biến ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài xu hướng này.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành hàng nước giải khát, chuyên gia này chỉ ra đại dương xanh của Traphaco, khi tại Mỹ có tới 80% người dân có thói quen uống nước đóng chai, tỷ lệ này tại Thái Lan khoảng 60%, còn tại Việt Nam mới chỉ có 25%.

Một lãnh đạo Traphaco chia sẻ, khi nghe tới kế hoạch này, không ít thành viên Hội đồng quản trị đều quan ngại, nhiều bộ phận đặc biệt ái ngại khi Traphaco không có máy móc, thiết bị, chưa bao giờ sản xuất đồ uống, trong khi lĩnh vực tiêu dùng nhanh thực sự là thị trường cạnh tranh khốc liệt.

“Ai cũng vậy, thấy khó là ngại. Sản xuất thế nào, tiêu thụ ra sao khi đây không phải là thế mạnh của Công ty?”, lãnh đạo Traphaco kể. “Nếu không làm thì sẽ khó có thể tăng trưởng. Việc mở ra một ngách thị trường mới cho dòng sản phẩm bổ gan có vẻ là bước đi nhiều thách thức, nhưng là cơ hội cho sự tăng trưởng đột phá của Công ty”.

Tương tự, hai doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực hàng tiêu dùng là Kido và Vinamilk đang ấp ủ tạo ra một thương hiệu Việt hàng đầu trong lĩnh vực đồ uống với tên Vibev. Lợi thế của những doanh nghiệp này là có sẵn kinh nghiệm thị trường, sẵn hệ thống phân phối, logistics và cả tiềm lực tài chính.

Thị trường nước giải khát của Việt Nam tăng bình quân 8,4% trong giai đoạn 2015 - 2019 với quy mô doanh thu năm 2019 đạt hơn 123.558 tỷ đồng (khoảng 5,3 tỷ USD). Euromonitor dự báo, năm 2020, doanh thu ngành nước giải khát có thể đạt 5,8 tỷ USD và tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020 - 2023 là 6,3%.

Việt Nam là thị trường đứng thứ 3 về hoạt động kinh doanh thực phẩm, đồ uống tại khu vực ASEAN. Với hơn một nửa dân số dưới 30 tuổi, Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiêu thụ đồ uống tiềm năng nhất khu vực.

Hiện tại, thị trường này còn nhiều chỗ trống chưa được lấp đầy, là chiếc bánh hấp dẫn được các doanh nghiệp chú tâm để giành lấy thị phần.

Dệt may năng động với sản phẩm mới

Ngành dệt may Việt Nam tưởng chừng lao đao, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản vì Covid-19, nhưng sự năng động, linh hoạt của các doanh nghiệp trong việc chuyển hướng sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ y tế đã trở thành “cứu cánh”. Báo cáo tài chính quý I, quý II năm nay của các doanh nghiệp dệt may niêm yết như TNG, MSH, TCM, Vinatex đã cho thấy rõ điều đó.

Lãnh đạo các doanh nghiệp thừa nhận, khẩu trang là mặt hàng giúp họ vượt qua thời điểm rất khó khăn vì Covid-19, duy trì công ăn việc làm cho công nhân và có thêm nguồn thu với biên lợi nhuận khá.

Cũng từ mặt hàng đặc biệt này, nhiều doanh nghiệp đã đổi mới, thiết kế thêm các mặt hàng mới như sản phẩm y tế, đồng phục bảo hộ lao động.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cho biết, đây là các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Do có nguồn nguyên liệu chủ yếu trong nước nên khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này đều được hưởng lợi thế ưu đãi thuế.

Tuy nhiên, sau gần nửa năm sản xuất khẩu trang giúp Công ty ghi nhận doanh thu tốt, TNG dừng sản xuất sản phẩm này vì thị trường đã bão hoà. Khẩu trang chỉ là mặt hàng thời vụ, cứu cánh cho doanh nghiệp dệt may lúc khó khăn. Muốn phát triển bền vững, doanh nghiệp vẫn phải quay lại với các sản phẩm chủ lực.

Quan điểm sản xuất và xuất khẩu khẩu trang của TNG ngay từ đầu là "make to order” (có đơn hàng thì mới sản xuất) để tránh tồn kho cũng như tranh chấp khiếu nại không đáng có.

“Chúng tôi không bán nợ, mà thu tiền trước khi nhận hàng, nên chấp nhận bán ít chứ không ồ ạt. Nhờ đó, doanh nghiệp không có hàng tồn kho khẩu trang, không lo phải đẩy hàng tồn khi thị trường dư cung”, ông Thời nói.

Điều quan trọng với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam là chuyển từ hàng ODM sang FOB để gia tăng giá trị và biên lợi nhuận. Bên cạnh đó, doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản trị tiên tiến để kiểm soát tốt chi phí và tăng năng suất lao động.

Một số doanh nghiệp như TNG còn tìm kiếm cơ hội mới trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, với dự án Khu công nghiệp Võ Nhai (Thái Nguyên) có quy mô hơn 80 ha.

Dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp khiến triển vọng kinh doanh toàn cầu trong 5 năm tới khó dự đoán.

Nhìn nhận về xu hướng mạnh tay đầu tư cho một số ngành mới của các doanh nghiệp, chuyên gia tư vấn chiến lược, ông Trần Vinh Dự, Phó tổng giám đốc EY Consulting Việt Nam cho rằng, bối cảnh Covid-19 có diễn biến phức tạp khiến triển vọng kinh doanh ít nhất trong 5 năm tới sẽ khó dự đoán.

Do đó, ngoài câu chuyện tối ưu chi phí, tối ưu hóa các quy trình, các lãnh đạo doanh nghiệp cần tập trung để nhìn thấy cơ hội và mạnh dạn đi theo. Ở đây, bản lĩnh của ban lãnh đạo doanh nghiệp cho phép có những quyết sách kịp thời, nếu không thì cơ hội tăng trưởng sẽ tuột khỏi tầm tay.

Đường mới gồ ghề

Tuy nhiên, việc gia nhập ngành mới sẽ không đơn giản. Đơn cử, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang từng thành lập công ty con trong lĩnh vực nước giải khát, nhưng không thành công. Hay Vinamilk ra mắt khá nhiều dòng sản phẩm bổ dưỡng liên quan đến trái cây, nhưng kết quả đến nay chưa đạt kỳ vọng.

Với các doanh nghiệp dệt may, ngoài hàng xuất khẩu, thị trường thời trang nội địa chưa ghi nhận các dấu ấn nổi bật.

Lãnh đạo nhãn hàng thời trang S-Pearl của Công ty cổ phần May Đức Giang cho biết, mảng thời trang của doanh nghiệp chưa đạt điểm hòa vốn sau nhiều năm đầu tư, hiện vẫn phải có sự hỗ trợ của công ty mẹ.

Tương tự, TNG từng có tham vọng xây dựng chuỗi cửa hàng bán lẻ thời trang mang thương hiệu TNG khắp toàn quốc và xuất khẩu sản phẩm mang thương hiệu của mình, nhưng đến nay, Công ty đã phải thu hẹp quy mô do càng làm càng lỗ.

Thâm nhập ngành hàng mới là bước đi dũng cảm của ban lãnh đạo các doanh nghiệp, nhưng ông Lê Trung Thành cũng nhận xét, trong trường hợp của Traphaco, sản xuất và kinh doanh thuốc khác hoàn toàn so với sản phẩm giải khát, từ sản xuất tới thị hiếu, mẫu mã, tiếp thị và kênh phân phối sản phẩm.

Nhận thức rõ đây là một dự án khởi nghiệp nên Ban lãnh đạo Traphaco có sự thận trọng nhất định, ban đầu sẽ làm ở quy mô nhỏ rồi từ từ rút kinh nghiệm và phát triển rộng hơn. Đặc biệt, Traphaco mời các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực mới này để đồng hành với doanh nghiệp trên chặng đường dài.

Biết là không dễ, nhưng trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các doanh nghiệp buộc phải không ngừng đổi mới, nắm bắt cơ hội và cập nhật những xu hướng mới nhất của thị trường. Nếu không, doanh nghiệp chắc chắn sẽ tụt hậu, thậm chí dần tàn lụi.

Thủy Anh
Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2020

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục