Tìm cơ hội đấu giá cổ phần trong tháng 7

(ĐTCK) Hiện đã có lịch đấu giá cổ phần của 5 doanh nghiệp trong tháng 7, trong đó 3 doanh nghiệp nông nghiệp sẽ đấu giá thông qua HOSE vào ngày 31/7.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Dakruco: Kỳ vọng cổ tức được chia

Trong kế hoạch cổ phần hóa, Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk (Dakruco) sẽ chào bán 97,5 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư đại chúng, tương đương 62,63% vốn điều lệ, với mức giá khởi điểm 12.600 đồng/CP. Theo đó, tỷ lệ sở hữu nhà nước tại Dakruco sẽ giảm từ 100% về 36% sau cổ phần hóa.

Dakruco có vốn điều lệ 1.558 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực trồng, thu mua và chế biến cao su thiên nhiên. Bên cạnh đó, Công ty đang sở hữu 2,7 ha cụm nhà hàng, khách sạn tại khu vực Tây Nguyên với sức chứa 1.000 khách. Theo định hướng 5 năm tới, Công ty sẽ thoái vốn mảng này trong năm 2019 để tập trung cho lĩnh vực chính là cao su thiên nhiên và các chế phẩm liên quan.

Trong lĩnh vực cao su thiên nhiên, Dakruco đang sở hữu 13.021 ha cao su (bao gồm diện tích cao su tại Campuchia) với hệ thống 2 công ty con và 10 chi nhánh. Công ty sở hữu một nhà máy chế biến cao su với công suất 20.000 tấn/năm và một nhà máy sản xuất chỉ thun cao su với công suất 3.000 tấn/năm. Ngoài ra, Dakruco đang đầu tư góp với tỷ lệ chi phối tại Công ty cổ phần Đầu tư cao su Đắk Lắk (DRI), hơn 66,6% và Công ty cổ phần Cao su Đắk Nông, hơn 73,37%.

Hàng năm, Dakruco sản xuất khoảng 10.000 tấn thành phẩm cao su, tương đương 50% công suất nhà máy. Doanh thu của Công ty từ năm 2014 đến năm 2017 lần lượt là 17 tỷ đồng, 380 tỷ đồng, 358 tỷ đồng, 408 tỷ đồng. Trong giai đoạn này, Công ty ghi nhận lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh, lần lượt là 43,4 tỷ đồng, 165,8 tỷ đồng, 27,6 tỷ đồng, 21,9 tỷ đồng.

Nhờ có “lợi nhuận khác” nên lợi nhuận sau thuế chỉ âm trong năm 2015 (âm hơn 232 tỷ đồng, gồm lợi nhuận khác âm 66,8 tỷ đồng, chủ yếu do giá cao su chạm đáy của chu kỳ). Năm 2016, Công ty đạt 32 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, con số này năm 2017 là 234,1 tỷ đồng (kết quả kinh doanh năm 2017 chưa kiểm toán).

Kế hoạch doanh thu năm 2018 của Dakruco là 520 tỷ đồng, tăng lên 526,5 tỷ đồng vào năm 2020; trong đó, doanh thu cao su bình quân 293 tỷ đồng/năm, doanh thu thanh lý vườn cây cao su bình quân 108,2 tỷ đồng/năm.

Kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2018 là 72,7 tỷ đồng, tăng lên 131,9 tỷ đồng vào năm 2020. Trong đó, nguồn cổ tức từ các công ty con và công ty liên kết đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của Công ty giai đoạn này, lần lượt là 38 tỷ đồng, 52,7 tỷ đồng, 92 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, Dakruco sẽ đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM trong vòng 90 ngày sau khi hoàn thành cổ phần hóa và chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng.

Cà phê Gia Lai và Chè Biển Hồ: Lợi thế đất

Công ty TNHH MTV Cà phê Gia Lai sẽ bán 6,48 triệu cổ phần, tương đương 44,17% vốn điều lệ (146,7 tỷ đồng) với giá khởi điểm 11.000 đồng/CP, đồng thời chào bán 51% vốn cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trong nước, còn lại 4,83% chào bán cho người lao động, qua đó Nhà nước không còn sở hữu Công ty.

Cà phê Gia Lai hoạt động chính trong lĩnh vực trồng và chế biến cà phê, áp dụng hợp đồng khoán với hộ nông dân trồng cà phê tại khu vực Tây Nguyên.

Theo Công ty, do tình hình thời tiết bất lợi, diện tích vườn cây xuống cấp nên trong thời gian qua, một số hộ nông dân không trồng dẫn đến nợ khoán sản phẩm, khiến doanh nghiệp hụt mất nguồn thu.

Theo đó, doanh thu trong 3 năm qua có diễn biến giảm, từ mức 260 tỷ đồng năm 2015 xuống 205 tỷ đồng năm 2017, lợi nhuận giảm từ mức 5,4 tỷ đồng năm 2015 xuống 1 tỷ đồng năm 2016 và lỗ ròng hơn 12 tỷ đồng năm 2017.

Giai đoạn 2018 - 2020, Cà phê Gia Lai đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu từ mức 184 tỷ đồng lên 191 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng từ 960 triệu đồng lên 1,1 tỷ đồng. Quý I/2018, Công ty ghi nhận doanh thu 42,4 tỷ đồng, lỗ ròng 1,9 tỷ đồng.

Công ty TNHH MTV Chè Biển Hồ sẽ bán đấu giá 3,85 triệu cổ phần, tương đương 43,11% vốn điều lệ, với giá khởi điểm 12.000 đồng/CP và chào bán 51% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược trong nước, phần còn lại bán cho người lao động Công ty. 3 năm qua, kết quả kinh doanh của Chè Biển Hồ khá ổn định. Kế hoạch trong 3 năm tới, doanh thu 90 - 95 tỷ đồng/năm, lợi nhuận sau thuế quanh mức 3,8 tỷ đồng/năm.

Mặc dù hoạt động kinh doanh còn nhiều khó khăn, nhưng điểm chung của Chè Biển Hồ và Cà phê Gia Lai là sở hữu diện tích đất nông nghiệp lớn và được định giá cao hơn so với giá trị sổ sách. Đây có thể là một trong những điểm hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược trong cùng lĩnh vực nông nghiệp muốn gia tăng quỹ đất trồng.

Trong phương án chào bán cho cổ đông chiến lược của các công ty trên nhấn mạnh tiêu chí nhà đầu tư chiến lược là ngoài tiềm lực tài chính, không lỗ ròng thì nhà đầu tư sẽ bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần, cũng như duy trì ngành kinh doanh chính và thương hiệu công ty trong vòng ít nhất 3 năm.

Trên thế giới, ngành cà phê Việt Nam hiện chiếm khoảng 20% sản lượng và có dư địa để tăng trưởng, tuy nhiên, doanh nghiệp trong ngành đa phần sản xuất cà phê với giá trị thấp trong chuỗi giá trị.

Năm 2017, nhà sản xuất sữa bột cho trẻ em là NutiFood đã “lấn sân” vào ngành cà phê với kế hoạch đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng tại Đắk Lắk cho nông nghiệp công nghệ cao. Bước đầu, NutiFood đã mua lại 25% cổ phần của Công ty Cà phê Phước An (Đắk Lắk), đơn vị quản lý 1.400 ha cà phê đạt chứng nhận UTZ Certified.

Trường hợp của NutiFood cho thấy, “cửa” thu hút nhà đầu tư chiến lược có thể mở ra đối với những doanh nghiệp trong ngành cà phê có lợi thế về vùng nguyên liệu như Cà phê Gia Lai và Chè Biển Hồ.  

Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ