Nghị trường Quốc hội: “Nóng” 3 lỗi cổ phần hóa

(ĐTCK) Định giá doanh nghiệp cổ phần hóa không chính xác, lượng cổ phần nhà nước bán ra ngoài thấp và nhiều doanh nghiệp chậm lên sàn sau cổ phần hóa là 3 hạn chế chính được mổ xẻ trên diễn đàn Quốc hội ngày 28/5/2018.
Có lỗ hổng về sử dụng đất đai trong cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam Có lỗ hổng về sử dụng đất đai trong cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam

Nhiều doanh nghiệp bị bán với giá “bèo”

Trong chương trình làm việc của Quốc hội ngày 28/5, báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, tiến trình cổ phần hóa thời gian qua cũng bộc lộ không ít hạn chế, bất cập, trong đó định giá không chính xác giá trị doanh nghiệp là một trong những lỗi chính.

Kết quả giám sát của Quốc hội chỉ rõ: Công tác xử lý tài chính trước và trong quá trình cổ phần hóa còn chưa chặt chẽ, sai nguyên tắc, sai chế độ; đánh giá không chính xác giá trị tài sản; sai sót trong việc xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất…, xác định giá trị doanh nghiệp chưa thực hiện đúng nguyên tắc thị trường..., dẫn đến xác định sai lệch giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.

“Giai đoạn 2012-2016, qua kiểm toán 17 doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước xác định các trường hợp tăng giá trị thực tế vốn nhà nước lên tới 22.356,7 tỷ đồng. Có trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp vượt quá 18 tháng, nhưng không thực hiện các thủ tục xác định lại giá trị doanh nghiệp.

Khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, còn có trường hợp doanh nghiệp không tính, hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất, dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường...”, ông Thanh cho hay.

Qua thực tế giám sát ở địa phương về cổ phần hóa, đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) cho biết, nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước trong khâu xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa là đáng quan ngại, nhất là liên quan đến xác định giá trị thương hiệu, vị trí đất đai ở những vị trí đắc địa. Nhiều doanh nghiệp khi cổ phần hóa bị bán với giá bèo bọt. Tài sản nhà nước mua với giá đắt, nhưng khi định giá bán đi thì giá lại thấp.

Để hạn chế tình trạng này, theo bà Lịch, phải tăng cường công khai việc mua bán tài sản, cổ phần của doanh nghiệp để loại bỏ các tác nhân chi phối tiêu cực, chấn chỉnh cơ chế xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa...

Theo kết quả giám sát của Quốc hội, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là chất lượng tổ chức tư vấn trong quá trình cổ phần hóa còn hạn chế, chưa gắn trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cá nhân, tổ chức tư vấn trong việc cung cấp dịch vụ.

Cổ phần hóa chưa đạt mục tiêu đa dạng sở hữu

Ngoài vấn đề về định giá, việc số lượng cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa bán ra bên ngoài quá thấp là một hạn chế khác được Đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra. Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận.

Kết quả giám sát của Quốc hội cho thấy, lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án cổ phần hóa doanh nghiệp. Nhiều tổng công ty nhà nước có tỷ lệ cổ phần bán ra đại chúng rất nhỏ, chỉ khoảng 1-2% vốn điều lệ, dẫn đến chưa đạt mục tiêu của cổ phần hóa là đổi mới quản trị và thu hút vốn từ bên ngoài.

Giai đoạn 2011-2016, có 426 doanh nghiệp triển khai xong việc bán cổ phần lần đầu (IPO) ra công chúng, trong đó 254 doanh nghiệp bán cổ phần theo phương án được duyệt, đạt 60% tổng số doanh nghiệp đã bán cổ phần, còn 172 doanh nghiệp không bán được toàn bộ số cổ phần theo phương án cổ phần hóa, chiếm 40% tổng số doanh nghiệp đã bán cổ phần.

Sau khi bán cổ phần lần đầu, số vốn mà Nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp vẫn ở mức cao. Thống kê cho thấy, tổng giá trị vốn điều lệ của 426 doanh nghiệp sau IPO là 184.254 tỷ đồng với cơ cấu: Nhà nước nắm giữ 81,1% vốn điều lệ, nhà đầu tư chiến lược nắm giữ 7,3% vốn điều lệ, các nhà đầu tư khác sở hữu 9,4% vốn điều lệ...

Đáng chú ý, có 70 doanh nghiệp mà Nhà nước vẫn nắm giữ trên 90% vốn điều lệ, trong đó có 15 tập đoàn, tổng công ty như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Nhà nước nắm giữ 94,99% vốn điều lệ; Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel), Nhà nước sở hữu 93,6% vốn; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Nhà nước nắm giữ 92,5% vốn…

Các doanh nghiệp cổ phần hóa mà tỷ lệ cổ phần chào bán ra bên ngoài dưới mức chi phối (dưới 50%) chưa thực sự thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư muốn giành quyền chi phối doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

“Thực tế ở những doanh nghiệp cổ phần hóa mà cổ đông Nhà nước giữ cổ phần chi phối, về bản chất, việc quản lý, nhân sự vẫn do Nhà nước quyết định, nên không tạo ra sự thay đổi về chất lượng quản trị…”, đại biểu Leo Thị Lịch quan ngại.

Doanh nghiệp chậm lên sàn sau cổ phần hóa

Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011- 2016 cho thấy, thực hiện Đề án tổng thể sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2011-2016, cả nước đã cổ phần hóa 571 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp...

Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với bán đấu giá cổ phần và niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK), đặc biệt là của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp quy mô lớn được đẩy mạnh đã cung cấp cho TTCK nhiều hàng hóa có chất lượng, tác động mạnh mẽ đến phát triển thị trường vốn, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch và kiểm soát của xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp...

“Việc IPO, đăng ký giao dịch, niêm yết của các doanh nghiệp cổ phần hóa đã tác động tích cực tới sự phát triển của TTCK...”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết.

Mặc dù vậy, Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận, nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên TTCK, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này.

Sự thẳng thắn trên của Chính phủ đã nhận được sự đồng tình của Đoàn giám sát của Quốc hội. Qua thực tế giám sát, ông Thanh cho biết, ngoài nhận thấy nhiều doanh nghiệp chậm trễ trong đăng ký lưu ký và giao dịch, niêm yết trên TTCK, một số trường hợp chậm bàn giao các doanh nghiệp đã cổ phần hóa về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)…

Để khắc phục những hạn chế trên, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; xem xét, sửa đổi các luật liên quan nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập; tăng cường giám sát của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đối với quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước...

Theo kế hoạch, ngày 15/6 tới, tại phiên bế mạc, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016”.

Cần cho phép nhà đầu tư ngoại sở hữu tối đa cổ phần…

Nghị trường Quốc hội: “Nóng” 3 lỗi cổ phần hóa ảnh 1

 Đại biểu Trần Văn Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh

Kết quả giám sát của Quốc hội cho thấy, trong tổng số 426 doanh nghiệp cổ phần hóa, chưa đầy 20% cổ phần bán ra bên ngoài, nhà đầu tư chiến lược chỉ nắm giữ 7,3% vốn điều lệ, nên chưa đạt yêu cầu về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Khi tỷ lệ cổ phần bán ra bên ngoài tăng thì cổ đông, nhất là nhà đầu tư chiến lược, mới có cơ hội tham gia cải cách doanh nghiệp hậu cổ phần hóa. Với nhà đầu tư chiến lược, họ đầu tư vào doanh nghiệp không chỉ mang đến nguồn lực tài chính, mà còn là công nghệ, trình độ quản trị tiên tiến, hiện đại…

Để tạo sức hút cho cổ phần hóa, bên cạnh việc rà soát kỹ những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm cổ phần, cần chốt tỷ lệ cổ phần bán tối đa ra đại chúng để tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư, cần minh bạch quá trình xác định giá trị doanh nghiệp, cũng như lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.

Đồng thời, cần áp dụng các phương pháp hiện đại trong xác định giá trị doanh nghiệp để tránh thất thoát tài sản của Nhà nước. Đặc biệt, cần tạo sự bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia sở hữu cổ phần ở những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần.

Tăng cường giám sát khâu đấu giá bán cổ phần

Nghị trường Quốc hội: “Nóng” 3 lỗi cổ phần hóa ảnh 2

Đại biểu Phạm Quang Dũng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định 

Việc xác định chuẩn xác giá trị doanh nghiệp, đặc biệt là giá trị thương hiệu, lợi thế vị trí địa lý của đất đai... là điều khó, vì đây là những yếu tố trừu tượng, ngay cả khi thuê tư vấn có kinh nghiệm của nước ngoài.

Do đó, vấn đề cần tập trung là tăng cường giám sát đối với hoạt động định giá. Không nên tranh luận giá trị doanh nghiệp đưa ra là đúng hay không đúng, mà chỉ cần biết giá đó đã sát với giá thị trường hay chưa. Hơn nữa, mức giá đưa ra đấu giá chỉ là mức giá tham khảo.

Thực tế cho thấy, tình trạng thất thoát vốn có thể xảy ra trong khâu tổ chức đấu giá bán cổ phần. Khâu đấu giá quan trọng như vậy, nhưng trong Báo cáo mà Đoàn giám sát của Quốc hội nêu ra chưa đề cập tới việc giám sát việc đấu giá bán cổ phần của Nhà nước. Điều này cần được khắc phục trong thời gian tới.

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục