Tìm cách giữ chân và thu hút thêm nhà đầu tư mới

0:00 / 0:00
0:00
Thu hút đầu tư nước ngoài giảm sút do nhiều nhà máy phải tạm ngừng sản xuất. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao giữ chân nhà đầu tư, đồng thời thu hút thêm nhà đầu tư mới.
Hoạt động tại Công ty R Technical (Hòa Bình). Ảnh: Đ.T Hoạt động tại Công ty R Technical (Hòa Bình). Ảnh: Đ.T

Mất đơn hàng, giảm sức hút với nhà đầu tư

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) có lẽ là một trong những người hiểu rõ nhất chuyện các doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn ra sao thời giãn cách xã hội.

“Giãn cách, nhưng mỗi nơi áp dụng một kiểu”, ông Giang đã nói như vậy tại cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp trong tuần trước.

Mỗi nơi một kiểu, nên có chuyện có doanh nghiệp vẫn được sản xuất bình thường, có doanh nghiệp không, dù cùng áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. “Một doanh nghiệp nước ngoài đã thắc mắc với chúng tôi như vậy. Và họ đã rút đơn hàng hơn 100 triệu USD ra khỏi Việt Nam”, ông Giang cho biết.

Có lẽ, câu chuyện đó không còn là cá biệt. Mới đây, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng đã có văn bản “cầu cứu” các cơ quan chức năng Việt Nam, vì lo mất đơn hàng. Thời gian gần đây, Mỹ và EU đã chuyển hướng mua hồ tiêu từ Brazil, thay vì Việt Nam, với lý do chi phí logistics tới Việt Nam quá cao.

Nhưng mất đơn hàng, mất thị trường chỉ là một vấn đề. Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn lo thu hút đầu tư giảm sút mạnh. Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có rất nhiều nguyên nhân khiến thu hút đầu tư nước ngoài thời gian gần đây sụt giảm. Cụ thể, 7 tháng, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chỉ đạt 16,7 tỷ USD, bằng 88,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài những nguyên nhân vẫn nhắc tới lâu nay, như dòng đầu tư toàn cầu sụt giảm, chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc…, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhấn mạnh nguyên nhân đến từ việc hạn chế nhập cảnh và chính sách cách ly dài ngày làm chững lại các đoàn chuyên gia và nhóm phát triển dự án vào Việt Nam khảo sát và làm các thủ tục đầu tư.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, việc phong tỏa nhà máy và hạn chế di chuyển của người lao động trong các khu công nghiệp làm đình trệ sản xuất, giảm công suất và sản lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng…, ảnh hưởng đến hoạt động của các dự án hiện hữu, cũng như tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư mới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.

Giữ chân và thu hút nhà đầu tư mới

Những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp nước ngoài, là điều đã được khẳng định. Việc đồng loạt nhiều địa phương ở khu vực phía Nam phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đã gây khó cho hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ rút ngắn thủ tục hành chính, do còn nhiều Dự án đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam đang chờ phê duyệt để được triển khai hoạt động.

Ông Inoue Souichi, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam

Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN cho biết, theo một khảo sát gần đây do Hội đồng và AmCham Việt Nam thực hiện, các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam đều đánh giá mức độ ảnh hưởng của đại dịch tới hoạt động sản xuất - kinh doanh là “nghiêm trọng”.

“Đa số doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam tham gia sâu hoặc đứng đầu các chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa hoặc giảm mạnh quy mô từ tháng 7. Điều này đang gây những xáo trộn lớn”, ông Vũ Tú Thành nói.

Không những thế, điều mà ông Thành nhắc tới còn là những khó khăn do việc Việt Nam áp dụng các biện pháp giãn cách kéo dài, bao gồm cả các biện pháp cách ly đối với các chuyên gia, các nhà đầu tư tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

“Họ tới để khảo sát và ra quyết định đầu tư các dự án hàng trăm triệu USD, hay cả tỷ USD, thậm chí là bay chuyên cơ tới. Với các trường hợp này, cần có các quy định đặc thù, vì mức độ rủi ro thấp. Có thể xem xét miễn cách ly cho người có hộ chiếu vắc-xin và tuân thủ lịch trình công tác ngắn ngày”, ông Thành đề nghị.

Không chỉ Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, mà các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài khác tại Việt Nam cũng có ý kiến tương tự, rằng cần giảm thời gian cách ly với các chuyên gia nước ngoài, tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sớm hoạt động trở lại…

“Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ rút ngắn thủ tục hành chính, do còn nhiều dự án đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam đang chờ phê duyệt để được triển khai hoạt động”, ông Inoue Souichi, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam nói.

Liên quan vấn đề này, thời gian qua, nhiều đại diện đầu tư của Việt Nam ở nước ngoài cũng cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất khiến việc ra các quyết định đầu tư tại Việt Nam bị đình trệ là các quy định về thời gian cách ly y tế quá dài.

“Nếu thời gian cách ly được rút ngắn, sẽ có nhiều hơn nữa các dự án đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam”, ông Lê Tuấn, Trợ lý Chủ nhiệm Văn phòng, Trưởng bộ phận Đầu tư (Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc) cho biết.

Còn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong nỗ lực tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, đã nhấn mạnh việc cần phải bám sát tình hình khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp FDI để phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trong trường hợp vượt quá thẩm quyền. Bên cạnh đó, tổ chức hướng dẫn và triển khai các giải pháp về xuất nhập cảnh, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, đẩy nhanh cấp giấy phép lao động, tạo thuận lợi cho các chuyên gia, tư vấn vào làm việc tại Việt Nam.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục