Lạng Sơn thu hút đầu tư bằng hạ tầng và chính sách đột phá

0:00 / 0:00
0:00
Đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ cùng môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp là giải pháp mà Lạng Sơn tập trung thực hiện.
Hạ tầng đồng bộ cùng chính sách thông thoáng sẽ giúp Lạng Sơn thu hút đầu tư. Trong ảnh: Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn Hạ tầng đồng bộ cùng chính sách thông thoáng sẽ giúp Lạng Sơn thu hút đầu tư. Trong ảnh: Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Xây dựng nền tảng hạ tầng, sẵn sàng bứt phá

Tháng 5/2021, Hội đồng Nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã thống nhất thông qua nghị quyết về Quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp Hữu Lũng, quy mô gần 600 ha, nằm trên địa giới hành chính của xã Hồ Sơn và xã Hòa Thắng (huyện Hữu Lũng).

Quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp Hữu Lũng nhằm tạo quỹ đất mới mang tính chiến lược. Khu công nghiệp này được kỳ vọng sẽ tạo việc làm cho người lao động, góp phần tăng nguồn thu ngân sách của tỉnh, tạo môi trường thu hút và xúc tiến đầu tư.

Khi nhắc tới Lạng Sơn, người ta thường nghĩ tới lợi thế về kinh tế cửa khẩu do địa phương này có đường biên giới giáp với Trung Quốc. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch Covid-19 trong hơn 1 năm qua.

Do đó, việc quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp Hữu Lũng và quy hoạch, đầu tư nhiều khu, cụm công nghiệp của Lạng Sơn với diện tích gần 1.000 ha được xem là giải pháp linh hoạt, mang tầm nhìn chiến lược của tỉnh nhằm tạo nền tảng để thu hút đầu tư, đưa kinh tế Lạng Sơn sẵn sàng bứt phá, tăng trưởng mạnh khi dịch bệnh được kiểm soát.

Dự kiến, đến năm 2025, tỉnh thu hút 160.000 - 170.000 tỷ đồng, trong đó 75% là thu hút đầu tư vốn xã hội hóa trong và ngoài nước.

Với mục tiêu ngày càng tạo môi trường thuận lợi nhất để doanh nghiệp yên tâm triển khai các Dự án đầu tư, tỉnh Lạng Sơn đã và đang xây dựng những mối quan hệ gắn kết lâu dài giữa doanh nghiệp với địa phương.

Để thực hiện mục tiêu này, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lạng Sơn ưu tiên bố trí khoảng 1.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo hướng trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho các công trình, dự án có sức lan tỏa và góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế cửa khẩu; tăng cường công tác quản lý chất lượng dự án đầu tư nhằm tránh thất thoát, lãng phí. Đồng thời, thu hút, huy động khoảng 14.000 tỷ đồng nguồn đầu tư ngoài ngân sách để đầu tư các dự án trong Khu kinh tế cửa khẩu và các khu cửa khẩu khác.

Cụ thể, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, tạo sự liên thông giữa các khu chức năng trong Khu kinh tế cửa khẩu với các khu vực liên quan để tạo thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành của các lực lượng chức năng và nâng cao năng lực lưu thông hàng hóa.

Xây dựng và nâng cấp hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, bưu chính, viễn thông đồng bộ, hiện đại; đầu tư xây dựng hoàn thiện đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, kết nối cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và giai đoạn I, Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng); nâng cấp hoàn chỉnh Quốc lộ 4A, 4B, 3B, 31.

Kiến tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp

Với mục tiêu đưa Lạng Sơn trở thành địa phương có vai trò kinh tế chủ đạo trong vùng Đông Bắc, bên cạnh tập trung đầu tư cho hạ tầng, tỉnh cũng xác định phải đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng bộ máy liêm chính, hành động.

Trong những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để thu hút các nhà đầu tư.

Chỉ số xếp hạng Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã có bước cải thiện đáng kể cả về điểm số và thứ hạng. Chỉ số PCI năm 2020 của tỉnh Lạng Sơn đạt 62,43 điểm, tăng 6,14 điểm so với năm 2016; năm 2020 xếp hạng 49/63 tỉnh, thành phố; tăng 6 bậc so với năm 2016, xếp hạng 20/32 trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm trung bình, xếp thứ 9/14 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc. Tuy thứ hạng PCI chậm cải thiện, nhưng chỉ số điểm tổng hợp PCI hàng năm của tỉnh đều tăng, khẳng định sự cố gắng của các cấp, các ngành trong tỉnh về thực hiện cải thiện môi trường đầu tư.

Với môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, thời gian qua đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó có các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn FLC, CTCP Toàn cầu TMS, CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam, CTCP Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (APEC)…

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong giai đoạn tới, tỉnh cam kết tiếp tục tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, cởi mở và bình đẳng. “Cấp ủy, chính quyền luôn sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp”, ông Thiệu nhấn mạnh.

Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; ban hành một số nghị quyết chuyên đề triển khai quyết liệt hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho doanh nghiệp và nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu…

Thanh Huyền
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục