Năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 khởi đầu với nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19. Trong bối cảnh đó, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang trong những tháng đầu năm nay đạt kết quả ra sao, thưa ông?
Trong bối cảnh nhiều nhiệm vụ trọng tâm phải tập trung thực hiện, đặc biệt đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp ở một số địa phương, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, sự điều hành linh hoạt của UBND tỉnh và sự nỗ lực, sáng tạo, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỉnh Hậu Giang đã khắc phục các khó khăn để thực hiện có hiệu quả bước đầu nhiệm vụ kép, đạt kết quả rất tích cực trong 6 tháng đầu năm.
Nổi bật là, trong 18 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội năm 2021, đến nay, có 2 chỉ tiêu đạt kế hoạch cả năm (số doanh nghiệp kê khai thuế và xã đạt nông thôn mới); 9 chỉ tiêu đạt trên 70% kế hoạch; một chỉ tiêu đạt trên 50% kế hoạch. Theo số liệu do Tổng cục Thống kê thông báo, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 5,99%, trong đó khu vực III (thương mại - dịch vụ) tăng 6,8% so với cùng kỳ.
Trong các chỉ tiêu vượt kế hoạch của tỉnh, tổng thu ngân sách nhà nước được xem là điểm sáng với số thu là 6.676 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 18,38% so với cùng kỳ, đạt 89,89% dự toán Trung ương và HĐND tỉnh giao năm 2021. Thu hút đầu tư vào tỉnh cũng đạt kết quả khả quan với 38 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 4.999 tỷ đồng, tăng 27 dự án và tăng 3.199 tỷ đồng so cùng kỳ (cùng kỳ là 1.800 tỷ đồng). Đây là năm mà số dự án thu hút đầu tư vào tỉnh tăng mạnh.
Với số thu đạt mức cao trong năm 2020 (10.382 tỷ đồng) cũng như trong 6 tháng đầu năm nay, Hậu Giang là một trong những địa phương thuộc nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long về thu ngân sách nhà nước. Ông có thể chia sẻ yếu tố nào làm nên kết quả ấn tượng đó?
Để đạt được kết quả trên, ngoài nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, đặc biệt còn có sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tỉnh luôn xác định thu hút đầu tư là một trong những giải pháp then chốt, là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương, do đó tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư.
Nhờ đó, Hậu Giang đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư những dự án lớn, như: Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Minh Phú đầu tư nhà máy sản xuất xuất khẩu tôm, Công ty cổ phần Nước Aquaone đầu tư nhà máy cấp nước sạch công suất 800.000-1.000.000 m3/ngày, Tập đoàn Masan đầu tư Nhà máy sản xuất bia “Sư tử trắng”, Công ty TNHH một thành viên Xi măng Cần Thơ - Hậu Giang đầu tư Nhà máy xi măng Cần Thơ - Hậu Giang, Tập đoàn Tân Hiệp Phát với Dự án Nhà máy nước giải khát Number One Hậu Giang, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Dầu khí Nam Sông Hậu, Tập đoàn Vingroup đầu tư Trung tâm thương mại Vincom TP. Vị Thanh, Công ty cổ phần Halcom Việt Nam đầu tư Nhà máy Điện mặt trời Hậu Giang...
Ngoài ra, còn có nhiều tập đoàn bất động sản lớn đã và đang triển khai đầu tư các dự án phát triển khu đô thị, trung tâm thương mại - dịch vụ... trên địa bàn tỉnh.
Một góc TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang Ảnh: Duy Khương |
Việc thu hút nhiều dự án lớn chứng tỏ nhà đầu tư thấy được nhiều cơ hội, cũng như lợi thế khi phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Theo ông, yếu tố nào tạo nên sức hấp dẫn của Hậu Giang trong mắt nhà đầu tư?
Ngoài lợi thế đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long - vùng nguyên liệu nông, thủy sản lớn nhất của cả nước, Hậu Giang còn có lợi thế đặc biệt là trung tâm kết nối giao thông, vận tải thủy bộ, thương mại - dịch vụ, logistics của vùng Nam Sông Hậu thông qua các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 61, Quốc lộ 61B, Quốc lộ 61C, Quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp, Quốc lộ Nam Sông Hậu, tuyến giao thông Bốn Tổng - Một Ngàn, cùng với hệ thống đường tỉnh lộ kết nối vào hệ thống đường quốc lộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân và doanh nghiệp.
Sắp tới, sẽ có thêm tuyến cao tốc An Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đi ngang qua địa bàn tỉnh. Khi đó, Hậu Giang sẽ là trung tâm kết nối trục dọc và trục ngang của các tỉnh trong khu vực. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hậu Giang dành toàn bộ nguồn vốn Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh để đầu tư các dự án khởi công mới thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng nông nghiệp.
Về giao thông đường thủy, Hậu Giang có sông Hậu chảy qua, là tuyến chính vào các cảng Cái Cui, Hoàng Diệu, Hậu Giang, Mỹ Thới…; kênh xáng Xà No, kênh Quản Lộ- Phụng Hiệp là đường thủy quốc gia từ TP.HCM xuyên đồng bằng đổ ra biển Tây, nối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đi Campuchia và các nước Đông Nam Á.
Với vị trí tiếp giáp với TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang hưởng lợi đầy đủ các tiện ích về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của "Tây Đô” - trung tâm động lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hậu Giang còn hấp dẫn các nhà đầu tư bởi cơ chế chính sách ưu đãi mà tỉnh đang áp dụng cho nhà đầu tư. Tỉnh có 7/8 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Do đó, khi đầu tư vào Hậu Giang, doanh nghiệp sẽ được những ưu đãi cao nhất về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tiền thuê đất, thuê mặt nước... theo quy định.
Tỉnh có giải pháp ra sao nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thưa ông?
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020- 2025 đề ra mục tiêu tập trung phát triển kinh tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát huy sức mạnh tổng hợp mọi thành phần kinh tế; tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp; huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên công nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững; khuyến khích đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khá...
Đặc biệt, các giải pháp trong giai đoạn tới là: xác định phát triển công nghiệp là khâu đột phá, phát triển nông nghiệp thông minh là nền tảng, phát triển dịch vụ xanh là khâu hỗ trợ cho công nghiệp và nông nghiệp phát triển bền vững.
Ông có thể chia sẻ các nhiệm vụ đột phá mà tỉnh Hậu Giang tập trung thực hiện nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào địa phương?
Trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung cũng như thu hút đầu tư, tỉnh Hậu Giang xác định 3 nhiệm vụ đột phá cần tập trung thực hiện.
Thứ nhất, xây dựng hoàn thành và thực hiện nghiêm Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ưu tiên huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để tạo quỹ đất sạch; phát triển hạ tầng giao thông thủy bộ quan trọng kết nối giữa các địa phương trong tỉnh và giữa tỉnh Hậu Giang với các địa phương trong khu vực. Đây được xem là chìa khóa để mở ra cơ hội thu hút đầu tư vào tỉnh.
Trong giai đoạn 2021- 2025, hoàn thành hồ sơ bổ sung khu, cụm công nghiệp mới để làm cơ sở thành lập thêm 5 khu công nghiệp, 5 cụm công nghiệp và mở rộng 2 cụm công nghiệp.
Về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tỉnh phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án đã có chủ trương đầu tư như: Đường tỉnh 931 đoạn từ thị trấn Vĩnh Viễn đến cầu Xẻo Vẹt, Đường tỉnh 926B tỉnh Hậu Giang kết nối tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp với tỉnh Sóc Trăng, Đường nối thị trấn Ngã Sáu đến Nam Sông Hậu 3B, Đường tỉnh 927 đoạn từ xã Phương Bình đến thị trấn Cây Dương...
Đồng thời, dự kiến đầu tư 10 công trình trọng điểm về đường bộ, với tổng kinh phí hơn 10.700 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác, kêu gọi đầu tư PPP các dự án giao thông đi qua đô thị, có khả năng khai thác quỹ đất, với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.
Thứ hai, tập trung công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách của địa phương, đặc biệt là hệ thống cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng ưu đãi, cạnh tranh, dễ tiếp cận, chi phí thấp.
Thứ ba, thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ, gắn với xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội; cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh; xây dựng bộ máy chính quyền từ tỉnh tới cơ sở tinh gọn, hoạt động minh bạch, hiệu lực, hiệu quả với phương châm kiến tạo, đồng hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp.