Những nhà đầu tư tin vào giấc mơ đó từng nhìn thấy lợi nhuận tuyệt vời. Chỉ số MSCI đối với lĩnh vực tiêu dùng ở các thị trường mới nổi, tính trên giá cổ phiếu của các công ty sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu ở các thị trường này, đã tăng 250% từ đáy 2009 đến hết năm 2013, trong khi, chỉ số MSCI toàn thị trường chỉ tăng 69,61%.
Tuy nhiên, hiện tại, một trong những câu chuyện đầu tư thành công nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008 đang trở lại mặt đất, theo các cuộc khảo sát người tiêu dùng ở một số thị trường mới nổi, các nhà phân tích ngân hàng đầu tư và một số nhà quản lý quỹ.
“Không có nhiều lý do cơ bản trong ngắn hạn để lạc quan về lĩnh vực tiêu dùng ở các thị trường mới nổi”, David Lubin, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế các thị trường mới nổi của Citi nói.
Một cơ chế lây lan có liên quan đến triển vọng kém đi này, Lubin nói. Các ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất để chống lại sự mất giá của các đồng tiền của họ. Điều này làm giảm sự sẵn sàng của người tiêu dùng trong việc đi vay để chi tiêu. Đến lượt điều này lại tác động xấu lên cổ phiếu ngành tiêu dùng.
Michael Power, chiến lược gia của Investec Asset Management, nhận định, tác động của lãi suất cao hơn có thể được cảm nhận rõ ràng nhất và lây lan mạnh nhất ở các quốc gia có thâm hụt cán cân vãng lai và nhạy cảm với cầu hàng hóa yếu đi của thế giới.
Các nước này bao gồm Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước mà chỉ số chứng khoán ngành tiêu dùng đã giảm tương ứng 6,4% và 12,3% từ đầu năm đến nay.
“Ở Thổ Nhĩ Kỳ, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng dường như đã giảm rất mạnh từ sau đợt tăng lãi suất trong tháng 1 của Ngân hàng Trung ương nước này”, Lubin nói.
Còn Nga, nơi chỉ số chứng khoán tiêu dùng giảm 26,6% từ đầu năm đến nay, là thị trường mới nổi tồi tệ nhất. Tâm lý nhà đầu tư dĩ nhiên bị tác động bởi lo lắng địa chính trị liên quan đến tương lai của Ukraine, nhưng các vấn đề kinh tế cũng góp phần vào việc mất giá mạnh cổ phiếu. Đợt tăng mạnh lãi suất nhằm bảo vệ đồng rouble được cho là sẽ đánh vào hoạt động tiêu dùng trong những tuần tới, các nhà quản lý quỹ bình luận.
Indonesia, nước đang có thâm hụt tài khoản vãng lai và dễ bị ảnh hưởng bởi kinh tế Trung Quốc, đã hài lòng với xu hướng trong năm nay, khi chỉ số ngành tiêu dùng tăng 14,2%. Một lý do, theo các nhà phân tích, là Ngân hàng Trung ương nước này đã giữ lãi suất ổn định từ đầu năm đến nay.
Indonesia là điểm sáng hiếm hoi trên bức tranh triển vọng tiêu dùng châu Á. Theo khảo sát của Asean Confidential, tâm lý người tiêu dùng ở nước này đang tốt lên. Chỉ số hành vi tiêu dùng đã tăng lên mức 88,3 trong tháng 2, từ mức 87,9 trong tháng 12/2013, ngược với xu hướng tâm lý đi xuống của cả khu vực châu Á.
Ở vùng xám hơn, cả Malaysia và Thái Lan đều không duy trì được mức tín dụng tiêu dùng cao của vài năm qua.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng cho thấy những dấu hiệu tín dụng tiêu dùng chững lại. Theo khảo sát của China Confidential, chỉ số hành vi tiêu dùng tương lai ở nước này đã giảm còn 74,8 trong tháng 2 so với mức 75,5 của tháng 1. Điều này thể hiện rằng người tiêu dùng Trung Quốc đang cắt bớt kế hoạch chi tiêu của mình.
Chỉ số tín dụng tiêu dùng cũng giảm từ mức 75,9 trong tháng 1 xuống còn 72,5 trong tháng 2, cho thấy các hộ gia đình đang ngày càng thận trọng với việc đi vay để chi tiêu. Điều này có lẽ đang ảnh hưởng đến các công ty xe hơi của Trung Quốc, chiếm nhiều trong số các cổ phiếu sụt giảm mạnh nhất của chỉ số MSCI tiêu dùng từ đầu năm đến nay. Trong đó, cổ phiếu của Geely giảm 27%; Great Wall giảm 23%.
Fiona Manning, quản lý đầu tư cao cấp của Aberdeen Asset Management, đưa ra cảnh báo: “Các nhà đầu tư giờ có vẻ ít để ý đến những nhân tố cơ bản mà tập trung vào các thông tin bề nổi, và họ đang thực sự rất lo lắng”.
Theo Manning, lĩnh vực tiêu dùng ở các thị trường mới nổi là một câu chuyện dài, liên quan đến những thay đổi cơ cấu, và dĩ nhiên sẽ không khép lại bởi những vấn đề mang tính chu kỳ như đang diễn ra.