2 tháng, tiền chạy khỏi thị trường mới nổi vượt cả 2013

(ĐTCK) Năm 2014 chưa qua hết 2 tháng, song các nhà đầu tư toàn cầu đã rút tiền khỏi chứng khoán và trái phiếu ở các thị trường mới nổi nhiều hơn cả tổng lượng tháo chạy của cả năm 2013.
2 tháng, tiền chạy khỏi thị trường mới nổi vượt cả 2013

Chưa đầy 2 tháng, rút ròng gần 30 tỷ USD

Các nhà đầu tư đã rút ròng 4,5 tỷ USD khỏi các quỹ đầu tư vào các thị trường mới nổi trong tuần qua, nâng tổng lượng rút ròng trong năm nay lên 29,7 tỷ USD, Barclays Plc trích dẫn dữ liệu của EPFR Global cho biết. Trong năm 2013, tổng lượng tiền rút ròng khỏi các quỹ đầu tư vào các thị trường mới nổi là 29,2 tỷ USD.

Dòng vốn chảy ra khỏi nhóm các thị trường mới nổi không cho thấy dấu hiệu dịu bớt ngay cả khi chứng khoán và đồng tiền của các quốc gia đang phát triển đã tăng trở lại trong tháng 2, sau khi giảm trong tháng 1 với mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2009.

Trong khi các nhà đầu tư, bao gồm Larry Fink của BlackRock Inc., nói rằng, tài sản ở các thị trường mới nổi đang rẻ, những lo ngại về tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, thâm hụt thương mại ở Thổ Nhĩ Kỳ và việc cắt giảm gói nới lỏng định lượng của Fed đang đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư.

“Dữ liệu dòng chảy vốn đầu tư vào các thị trường mới nổi vẫn đang thiếu tích cực, với việc các nhà đầu tư nhỏ lẻ tháo chạy đầu tiên và gần đây có sự tham gia rõ ràng hơn của các nhà đầu tư tổ chức”, Koon Chow, trưởng chiến lược đầu tư thị trường mới nổi của Barclays ở London, viết trong một email thông báo cuối tuần trước. “Thời điểm dòng vốn quay trở lại các thị trường mới nổi có thể là khi các nhà đầu tư trở nên lạc quan hơn với tăng trưởng ở các thị trường này, đặc biệt tại châu Á”.

Bán non cổ phiếu tăng mạnh

Chỉ số chứng khoán các thị trường mơi nổi MSCI EMs Index đã tăng 2,3% trong tháng này, sau khi giảm 6,6% trong tháng 1 khi lãi suất tăng lên ở Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn được sự hỗn loạn trên thị trường tiền tệ và xuất khẩu của Trung Quốc tăng nhanh hơn dự báo của các nhà kinh tế. Trái phiếu bằng đồng tiền bản địa đã tăng trở lại 2,3% sau khi giảm 4,6% trong tháng 1, theo JPMorgan Chase & Co.’s GBI-EM Diversified index.

Fink của BlackRock, công ty quản lý tiền lớn nhất thế giới với 4.300 tỷ USD, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn Charlie Rose hôm 11/2 rằng, cổ phiếu ở các quốc gia đang phát triển rất hấp dẫn. Chỉ số MSCI của cổ phiếu các nước này hôm 4/2 bằng 9,3 lần mức thu nhập dự báo trong 12 tháng, so với mức P/E 14,7 lần của chỉ số MSCI của các cổ phiếu ở các nước phát triển.

Mặc dù vậy, hoạt động chốt lời sớm cho thấy các nhà đầu tư đang nghĩ rằng chứng khoán ở các thị trường mới nổi sẽ giảm trở lại trong năm nay, Markit, công ty cung cấp dữ liệu tài chính có trụ sở tại London, cho biết.

Tình trạng bán non các cổ phiếu trong chỉ số MSCI đã tăng 7% trong năm nay lên 2,1% trong tổng số các cổ phiếu thả nổi, theo dữ liệu của Markit. Để bán khống, các nhà đầu tư đã vay cổ phiếu để bán chúng với kỳ vọng giá sẽ giảm.

Cũng theo Markit, khoảng 4,5% các cổ phiếu của Trung Quốc được giao dịch thời gian qua là cổ phiếu đi vay, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số cổ phần bán ra của chỉ số MSCI, xếp sau là cổ phiếu của Nam Phi với 4,3%.

Cầu trái phiếu vẫn duy trì

Trên thị trường trái phiếu, nhu cầu từ các công ty bảo hiểm, các quỹ hưu trí và các quỹ đầu tư công vẫn không bị ảnh hưởng ngay cả khi các nhà đầu tư cá nhân rút lui, theo to Bank of America Corp.

Lượng mua từ các nhà đầu tư tổ chức đã giúp các công ty và chính phủ ở các nước mới nổi tăng được 67 tỷ USD doanh số phát hành trái phiếu trong năm nay, Jane Brauer, chiến lược gia trưởng của Bank of America Corp. viết trong một báo cáo cuối tuần qua.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng tăng lượng nắm giữ trái phiếu chính quyền địa phương thêm 7% trong nửa cuối năm ngoái, Brauer cho biết.

Quang Huy (theo Bloomberg)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục