"Nếu một quốc gia gặp vấn đề về thanh toán, khiến tình hình tài chính và kinh tế nói chung gặp bất ổn, chúng tôi sẽ giúp. Nhiệm vụ của chúng tôi là duy trì ổn định tài chính toàn cầu, đặc biệt là về vấn đề thanh toán", ông nói. Hồi tháng 8, Chủ tịch IMF - bà Christine Lagarde cũng có tuyên bố tương tự khi cam kết tư vấn chính sách và hỗ trợ tài chính cho các quốc gia mới nổi.
Trên CNBC, Zhu cũng phủ nhận nguy cơ lặp lại khủng hoảng tài chính 1997, do nền tảng kinh tế trong khu vực đã vững chắc hơn. "Tôi không nhận thấy có khủng hoảng ngắn hạn tại các nước mới nổi châu Á, do tình hình rất khác so với năm 1997. Nợ chính phủ, doanh nghiệp và cả hộ gia đình đều thấp hơn. Mức dự trữ lại cao nữa. Nói tóm lại, các nước hiện có nền tảng tốt hơn khi đó", Zhu nhận xét.
Ông Zhu Min cho biết IMF sẵn sàng giúp các nước mới nổi. Ảnh:
Ông cho biết các Chính phủ phải tăng cường minh bạch và có khung chính sách rõ ràng, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong quá trình toàn cầu hóa. Zhu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các nước mới nổi và cho biết IMF luôn cân nhắc quan điểm của nhóm nước này khi công bố chính sách trên toàn cầu. "Chúng tôi đang phát triển một khung chương trình có lợi cho các nước mới nổi. Nó sẽ cho phép họ kiểm soát dòng vốn và quản trị ổn định vĩ mô", Zhu tiết lộ.
Khi được hỏi về ảnh hưởng từ cuộc họp chính sách sắp tới của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Zhu Min cho rằng biến động chắc chắn sẽ xảy ra. "Giảm kích thích từ 85 tỷ USD xuống 65 tỷ USD sẽ là cả một quá trình dài. Nó liên quan đến rất nhiều vấn đề chuyên môn và thị trường không chắc chắn liệu việc này sẽ được kiểm soát như thế nào", ông giải thích.