Tiếp tục gỡ vướng cho 12 dự án thua lỗ

(ĐTCK) Nhiều giải pháp gỡ vướng về tín dụng và cơ chế chính sách cho 12 dự thua lỗ ngành công thương tiếp tục được các cơ quan, bộ, ngành đưa ra.

Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công thương cho biết, nhiều khó khăn, vướng mắc của các dự án, doanh nghiệp đã cơ bản được xử lý. Hiện còn một số vấn đề tồn tại đang được tập trung giải quyết, trong đó có việc xử lý dứt điểm vướng mắc để quyết toán hợp đồng EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) và quyết toán toàn bộ dự án, cơ cấu lại các khoản nợ, trích giãn khấu hao, điều chỉnh lãi suất vay và xây dựng phương án thoái vốn.

Về các khoản nợ khổng lồ tồn đọng tại một số dự án, Bộ Tài chính đã thực hiện cơ cấu lại các khoản nợ vay, giãn mức trích khấu hao ở các dự án, doanh nghiệp. Theo thông tin từ bộ này, đến nay, 4 dự án phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã được xử lý giãn mức trích khấu hao giai đoạn 2017 - 2019. Với việc giãn mức trích khấu hao, ước tính mỗi năm, tùy theo công suất thực hiện, các doanh nghiệp có thể giảm áp lực về tài chính từ 180 - 310 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng xem xét các biện pháp cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay, tiếp tục cho vay nhằm đảm bảo vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh trên cơ sở phương án khả thi và có khả năng trả nợ của các dự án, doanh nghiệp.

Tiếp tục gỡ vướng cho 12 dự án thua lỗ ảnh 1

Cụ thể, 3 dự án sản xuất phân bón thuộc Vinachem gồm dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc và dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai cùng dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đã được các ngân hàng cơ cấu lại nợ, điều chỉnh lãi suất vay theo hướng giảm biên độ lãi suất.

“Mục đích là nhằm giảm bớt chi phí tài chính trong giai đoạn khó khăn, duy trì hạn mức vốn lưu động, đảm bảo đủ vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, khôi phục dần hoạt động bình thường trở lại”, đại diện Ngân hàng Nhà nước chia sẻ.

Liên quan đến giải quyết tranh chấp, tồn tại, vướng mắc với các nhà thầu tại các hợp đồng EPC, hợp đồng liên doanh với các đối tác tại các dự án gồm dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên và dự án Nhà máy thép Việt Trung, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ rà soát tồn tại, vướng mắc pháp lý các hợp đồng EPC, quyết toán và xử lý tài sản tại các dự án, doanh nghiệp.

Với các giải pháp này, theo Bộ Công thương, tình hình khắc phục các khó khăn, vướng mắc của một số dự án đã có hướng khả thi. Việc xử lý các dự án đảm bảo tuân thủ nguyên tắc cơ chế thị trường, Nhà nước không cấp thêm vốn vào dự án. Tính đến thời điểm cuối tháng 2/2019, dư nợ tín dụng tại các dự án, doanh nghiệp là 20.436 tỷ đồng, giảm 63 tỷ đồng so với thời điểm 31/10/2018.

Đáng chú ý, ông Hưng cho hay, Nhà nước đã rút thành công 1.000 tỷ đồng từ phần vốn góp của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vào dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên.

Theo ông Hưng, một số vấn đề khúc mắc tại một số dự án đã được giải quyết, trong đó có việc hoàn tất đàm phán ký kết hợp đồng liên doanh, điều lệ liên doanh sửa đổi và quy định đề cử chức danh Tổng giám đốc tại dự án Nhà máy thép Việt Trung, dự án Nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ xử lý xong tranh chấp thực hiện hợp đồng EPC với liên danh nhà thầu đứng đầu là Công ty Xây dựng Hyundai.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, công việc tiếp theo vẫn còn nặng nề. Tại buổi bàn giao nhiệm vụ Thường trực Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo của Chính phủ xử lý 12 dự án yếu kém từ Bộ Công thương sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ngày 9/7/2019, đại diện Bộ Công thương nhấn mạnh, tới đây, Ban chỉ đạo thống nhất xác định tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc, tranh chấp trong các hợp đồng EPC, làm cơ sở quyết toán dự án hoàn thành. Theo đó, yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty đẩy mạnh rà soát lại các vướng mắc, có lộ trình cụ thể để thuê tư vấn luật và tham vấn các bộ, ngành liên quan xử lý dứt điểm.

“Sau khi bàn giao, Bộ Công thương tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong việc triển khai những nhiệm vụ chung được Thủ tướng Chính phủ giao”, ông Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu tập đoàn, tổng công ty có dự án thua lỗ, kém hiệu quả trong việc thực sự “xắn tay vào cuộc” cơ cấu lại quản trị doanh nghiệp, tiết giảm chi phí, tìm giải pháp phục hồi, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

“Trách nhiệm trực tiếp của các chủ tịch, tổng giám đốc là rất nặng nề. Không thể nói là đây là sản phẩm để lại của người tiền nhiệm, mà vì trách nhiệm gắn với chức danh lãnh đạo doanh nghiệp, cụ thể là chủ tịch và tổng giám đốc doanh nghiệp. Kết quả thực hiện sẽ là một trong những tiêu chí đánh giá có hoàn thành nhiệm vụ hay không. Hai năm không thoàn thành nhiệm vụ là có vấn đề và sẽ xem xét trách nhiệm ngay, chứ không phải cứ có sai phạm thì mới xử lý”, ông Nguyễn Hoàng Anh nói.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Công thương về kết quả thực hiện đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất - kinh doanh nhưng thua lỗ thì năm 2017 - 2018 đã có 2 nhà máy hoạt động có lãi. Cụ thể, năm 2018, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 Hải Phòng lãi 195 tỷ đồng, Nhà máy thép Việt - Trung lãi 456 tỷ đồng, tăng lần lượt 180,7 tỷ đồng và 290,6 tỷ đồng so với năm 2017. Quý I/2019, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 Hải Phòng tiếp tục có lãi với lợi nhuận đạt 18,2 tỷ đồng. Dự án này đang được xem xét để đưa ra khỏi danh sách các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả.

4 dự án còn lại đang tiếp tục khắc phục khó khăn để sản xuất. Năm 2018, Nhà máy đạm Hà Bắc giảm lỗ 266,2 tỷ đồng, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai giảm lỗ 288,5 tỷ đồng, Nhà máy đạm Ninh Bình giảm lỗ 10 tỷ đồng so với năm 2017. Quý I/2019, Nhà máy đạm Hà Bắc giảm lỗ 30,25 tỷ đồng, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai giảm lỗ 5,47 tỷ đồng, Nhà máy đạm Ninh Bình giảm lỗ 87,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018.

Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất - kinh doanh, đến nay đã có 2 dự án vận hành sản xuất trở lại và một dự án đã hoàn tất công tác để khởi công trở lại. Trong đó, dự án Nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ đã vận hành trở lại và nâng lên 10 dây chuyền từ 13/1/2019. Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi đã vận hành từ 14/10/2018. Đối với 3 dự án xây dựng dở dang, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã phối hợp cùng đơn vị tư vấn định giá lại dự án ngoài dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam và trình Bộ Công thương phê duyệt kết quả để tiếp tục xây dựng phương án tổ chức đấu giá.

Tuy nhiên, dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn do PVOil không phải là cổ đông chính, các cổ đông ngoài ngành không góp thêm vốn để tiếp tục triển khai dự án. Trong khi đó, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên chưa giải quyết được tranh chấp hợp đồng EPC với MCC và các nhà thầu phụ.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục