Có lợi ích nhóm?
Liên quan đến tiến độ xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành Công thương, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) chất vấn: mặc dù Bộ trưởng và Chính phủ đã có nhiều ý kiến chỉ đạo để triển khai xử lý các dự án thua lỗ này, nhưng hiện chúng tôi thấy tiến độ còn khá chậm như bộ trưởng đã nêu.
Đặc biệt là đối với dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, theo văn bản kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với chỉ đạo ngày 9/12/2017, phải tiến hành để có thể thoái vốn tại quý I/2018. Tuy nhiên, cho đến nay bắt đầu bước vào quý IV và tình hình thoái vốn vẫn chưa được triển khai.
“Tôi đề nghị Bộ trưởng cho biết sự chậm trễ ở đây là gì. Có lợi ích nhóm trong việc cố tình để kéo dài quá trình thoái vốn tại doanh nghiệp này không và để trục lợi hay không...”, ông Sinh thẳng thắn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận: “Tôi xin xác nhận là đối với dự án gang thép Thái Nguyên, chúng ta đang chậm so với tiến độ chung đặt ra cho dự án này trong tổng thể 12 dự án. Nhưng việc này đã được xác định trong tiến độ thực hiện dự án. Có rất nhiều nội dung phức tạp bởi có 2 vấn đề lớn hiện nay đặt ra cho dự án gang thép Thái Nguyên…”.
Một là các tranh chấp pháp lý tương tự như dự án của Nhà máy đạm Ninh Bình. Có những tranh chấp pháp lý giữa Tổng công ty Thép Việt Nam và gang thép Thái Nguyên với tổng thầu EPC, trong khi triển khai thực hiện dự án là tổng thầu của nước ngoài.
“Việc này khả năng phải giải quyết bằng các tranh chấp pháp lý quốc tế với tổng thầu, bởi vì có rất nhiều vấn đề tồn đọng trong suốt quá trình triển khai thực hiện dự án qua nhiều giai đoạn. Có những việc làm không đúng với trách nhiệm của chủ đầu tư, cũng như vai trò của tổng thầu trong quá trình thực thi dự án.
Hai là câu chuyện thoái vốn nhà nước ra khỏi Tổng công ty thép Việt Nam - là cơ quan chủ sở hữu của Gang thép Thái Nguyên, đồng thời cũng là chủ dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.
Báo cáo Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt thoái vốn của nhà nước ra khỏi Tổng công ty thép. Sau khi có quyết định của Thủ tướng tại văn bản ngày 12/6 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo việc này, Bộ Công Thương và Ban Chỉ đạo đã rất tích cực rà soát để triển khai thực hiện việc thoái vốn.
Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện theo quy định của pháp luật lại vướng những vấn đề mới, trong đó có liên quan đến phần cam kết bảo lãnh của Tổng công ty thép đối với Công ty gang thép Thái Nguyên trong dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, với khoản vay hơn 1.800 tỷ của Vietinbank.
Những tranh chấp pháp lý giữa Tổng công ty Thép Việt Nam và gang thép Thái Nguyên với tổng thầu EPC có khả năng phải giải quyết bằng các tranh chấp pháp lý quốc tế, bởi vì có rất nhiều vấn đề tồn đọng trong suốt quá trình triển khai thực hiện dự án qua nhiều giai đoạn.
Nếu chúng ta tiến hành thoái vốn thì sẽ gây thiệt hại lớn cho tài sản của nhà nước, vì Tổng công ty thép đã cam kết 100% bảo lãnh cho khoản vay này đối với dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.
Vì vậy, chúng ta phải giải quyết cho xong khoản giải chấp đối với bảo lãnh của Tổng công ty thép đối với dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, thì mới có thể tiến hành thoái vốn có hiệu quả cho nhà nước. Bộ Công Thương đã chủ động báo cáo với Chính phủ và xin phép triển khai xây dựng phương án thoái vốn mới phù hợp với những quy định của luật pháp nhưng phải đảm bảo hiệu quả thoái vốn…
“Chúng tôi khẳng định không có lợi ích nhóm trong xử lý những vướng mắc, tồn tại của dự án này…”, Bộ trưởng cho hay.
Không có bao che
Ngoài dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, đại biểu Quốc hội còn chất vấn tư lệnh Ngành Công thương về quá trình xử lý vi phạm tại nhiều dự án khác.
“Trong báo cáo của Chính phủ có nêu xử lý các sai phạm tại các dự án thua lỗ. Hiện nay, mới có 5 bị can ở Vinatex và 1 bị can ở tại Ethanol Phú Thọ mới được xử lý. Cử tri và nhân dân nghi ngờ tính nghiêm minh trong việc xử lý vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng xảy ra tại 12 dự án này. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ những băn khoăn này…”, ông Sinh chất vấn.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, như đã trình bày trong báo cáo gửi Quốc hội là cả 12 dự án này đều làm đồng bộ và toàn diện về các khía cạnh, trong đó có rà soát về pháp lý và xem xét trách nhiệm, kể cả thanh tra, kiểm toán và điều tra.
Trong đó có 4 dự án đã chuyển cho cơ quan công an để điều tra và đã khởi tố 2 vụ án tại PVTEX Đình Vũ cũng như nhiên liệu sinh học Phú Thọ, đang tiếp tục điều tra ở các dự án khác có liên quan mà có dấu hiệu vi phạm pháp luật như đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, nhiên liệu sinh học của Bình Sơn...
“Có rất nhiều đối tượng, cá nhân đã bị tạm giam để phục vụ cho quá trình điều tra và xem xét để xử lý theo quy định của pháp luật. Chắc chắn sẽ không có chuyện bao che cho dù ở bất cứ cấp nào đối với những cá nhân và tổ chức có liên quan…”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Trong số 12 dự án tồn đọng ngành công thương, dự án đạm Ninh Bình là dự án có nhiều vướng mắc, phức tạp và trong cách nói khác là sức khỏe đang có vấn đề nhất
Trả lời chất vấn đại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn), tư lệnh Ngành Công thương cho biết, trong số 12 dự án tồn đọng ngành công thương, dự án đạm Ninh Bình là dự án có nhiều vướng mắc, phức tạp và trong cách nói khác là sức khỏe đang có vấn đề nhất.
Hiện tổng thể nội dung cần xử lý của dự án này có 8 nhiệm vụ mà Ban chỉ đạo Chính phủ đã giao, chúng ta đã triển khai 5 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ quan trọng như tái cơ cấu bộ máy tổ chức của nhà máy, tiết giảm chi phí, tiếp tục củng cố năng lực của đội ngũ quản lý... để đảm bảo sản xuất ổn định. Nhưng có 3 nhiệm vụ trong đó có 2 nhiệm vụ quan trọng chưa thực hiện được.…
“Bộ Công Thương thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ là chuẩn bị cho phương án mời tư vấn pháp lý để tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp, trong đó có xử lý các tranh chấp tại tòa.
Trong đề án tới đây, Ban chỉ đạo của Chính phủ sẽ chỉ đạo cho Tập đoàn hóa chất và chủ đầu tư phải tiếp tục rà soát và làm rõ tất cả những chi tiết liên quan đến quá trình quản trị của dự án, đồng thời phục vụ cho cả việc mà cơ quan thanh tra và cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm của các đơn vị và các cá nhân có liên quan để có hướng xử lý...”, Bộ trưởng nói.