Kế hoạch lớn của ngành giao thông
Sau nhiều lần trễ hẹn, vào đầu tháng 9/2021, cầu Thủ thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn đã chính thức làm lễ hợp long nối liền quận 1 và TP. Thủ Đức. Đây là một trong những dự án trọng điểm của TP.HCM có tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cầu chính vào cuối năm 2021 và đưa vào sử dụng vào quý II/2022. Công trình dài hơn 1,4 km, trong đó phần cầu dài 886 m với 6 làn xe, thiết kế dây văng với trụ tháp chính cao 113 m.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, thời gian qua, việc thi công dự án bị ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, dẫn đến mất cân đối và thiếu hụt tài chính. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã cố gắng vượt qua khó khăn, điều chỉnh nhiều phương án để vừa thi công, vừa phòng chống dịch.
Cùng với Cầu Thủ Thiêm 2, có 25 dự án giao thông khác với 45 gói thầu cũng lần lượt được thi công trở lại. Trong đó, có 5 gói thầu thuộc 3 dự án giao thông trọng điểm đã duy trì công tác thi công liên tục trong suốt thời gian giãn cách vừa qua, bao gồm dự án Xây dựng cầu vượt trước bến xe miền Đông mới trên đường Xa lộ Hà Nội, dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và dự án Hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ.
Việc các dự án giao thông quan trọng được triển khai ngay trong cao điểm dịch là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phục hồi thị trường địa ốc cũng như kinh tế Thành phố sau dịch, góp phần kích thích sức mua giai đoạn bình thường mới.
Ngoài các dự án trên, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho biết, đầu năm 2022, TP.HCM dự kiến sẽ khởi công thêm 3 dự án giao thông trọng điểm nữa, đó là xây dựng nút giao An Phú (TP. Thủ Đức); xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) và đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa.
“Hiện tại, dự án nút giao An Phú đang được chủ đầu tư là Ban quản lý Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM lập báo cáo nghiên cứu khả thi; dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 đã được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư và đang chờ UBND TP.HCM ghi vốn kế hoạch để lập hồ sơ dự án, chủ đầu tư cũng là Ban quản lý Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM; còn Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM đã có văn bản gửi các sở, ngành liên quan có ý kiến, thẩm định dự án đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa”, ông Bằng thông tin thêm.
Được biết, để hoàn thiện mạng lưới giao thông, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cũng vừa có văn bản gửi UBND Thành phố về xây dựng các chính sách, kế hoạch huy động nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách thuộc lĩnh vực giao thông trên địa bàn giai đoạn 2021-2030. Theo đó, từ nay đến năm 2025, Sở sẽ xây dựng danh mục và đề xuất kêu gọi đầu tư cho 9 nhóm dự án, với tổng số vốn 675.000 tỷ đồng. Trong 5 năm tới, Thành phố sẽ tập trung thực hiện dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Vành đai 3.
“Tiếp lửa” cho thị trường
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, kể từ khi cầu Thủ Thiêm 2 hoàn thành lắp đặt dầm thép cuối cùng, nhiều doanh nghiệp đồng loạt tung ra các rổ hàng với nhiều chính sách ưu đãi, một số dự án sau một thời gian dài im ắng cũng bắt đầu được khởi động trở lại.
Dự án đầu tiên phải kể đến là Empire City nằm dọc theo trục đại lộ Mai Chí Thọ, kề bên hầm Thủ Thiêm và đường ven sông Sài Gòn. Dự án có quy mô 15 ha với tổng kinh phí khoảng 1,2 tỷ USD. Được triển khai cách đây 5 năm, giai đoạn 1 của Empire City bao gồm 2 cụm tháp là MU4 và MU7, quy mô cao từ 7-35 tầng. Theo tiến độ cập nhật mới nhất, 2 cụm tháp này đã được cất nóc và đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Giá bán của Empire City hiện rơi vào khoảng 8.000 USD/m2 và là dự án có giá cao nhất khu vực này. Ở giai đoạn 2, dự án sẽ triển khai xây dựng cụm tháp MU8 và MU11, trong đó cụm tháp MU11 đang thi công phần móng, hầm.
Cách Empire City khoảng 2 km, Khu phức hợp Sóng Việt - The Metropole Thủ Thiêm (phường Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức) do Công ty cổ phần Quốc Lộc Phát (thuộc Sơn Kim Group) làm chủ đầu tư đã hoàn thành giai đoạn 1 mang tên The Galleria Residence và bàn giao từ tháng 7/2021, mức giá khởi điểm từ 7.000-7.500 USD/m2.
Trong khu vực này, dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An (phường An Phú, TP. Thủ Đức) do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn làm chủ đầu tư cũng được tái khởi động. Được biết, dự án có quy mô 117,422 ha, được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 1999, nhưng đến tháng 3/2021 mới chính thức khởi công.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D Công ty cổ phần DKRA Việt Nam nhận định, trong bối cảnh TP.HCM giãn cách xã hội kéo dài khoảng 4 tháng qua, sự kiện hợp long cầu Thủ Thiêm 2 mới đây đã mang đến sự tích cực cho thị trường bất động sản nói riêng và kinh tế - xã hội của Thành phố nói chung.
“Ngoài cầu Thủ Thiêm 2, một số dự án công trình giao thông trọng điểm khác vẫn được thi công trong thời gian này. Đây đều là những dự án có tác động tích cực đến thị trường bất động sản TP.HCM từ trước đến nay và cả trong tương lai, đặc biệt là với những khu vực trọng điểm như khu Đông và khu Nam Thành phố”, ông Hoàng nói và đánh giá, việc các dự án giao thông quan trọng được triển khai ngay trong cao điểm dịch là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phục hồi thị trường địa ốc cũng như kinh tế Thành phố sau dịch, góp phần kích thích sức mua khi các biện pháp giãn cách từng bước được nới lỏng và xã hội bước vào giai đoạn bình thường mới.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Hiền Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần SeaHoldings đánh giá, nhìn vào quy hoạch giao thông của TP.HCM từ nay đến năm 2030 có thể thấy, chưa khi nào chính sách phát triển hạ tầng giao thông được đẩy mạnh như hiện nay, khi một loạt dự án được đầu tư xây dựng không chỉ giúp rút ngắn đáng kể khoảng cách về không gian, thời gian giữa các quận, huyện, mà còn đóng vai trò cú huých, đánh thức cả một vùng đất, khởi tạo làn sóng đầu tư mới vào các địa phương, trong đó có thị trường bất động sản.
“Sự phát triển của hạ tầng giao thông đã kéo theo làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào các đại dự án đô thị, các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, thu hút hàng triệu lao động, dẫn đến nhu cầu về nhà ở cũng sẽ tăng cao”, ông Phương nói và cho rằng, riêng tại khu Tây Nam Thành phố, thị trường dù tăng trưởng nhưng không mạnh như khu Đông vì một số lý do, trong đó có thể kể đến là khu vực này chưa có nhiều thay đổi và đột phá lớn về hạ tầng trong 2-3 năm gần đây. Tuy nhiên, với các dự án hạ tầng hiện tại như hầm chui Nguyễn Hữu Thọ và trong thời gian vài năm tới, thị trường khu Nam sẽ chứng kiến sự trỗi dậy cả về nguồn cung và sức mua.