Tiếng nói doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi xanh: Phải thay đổi từ tư duy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Câu chuyện về những doanh nghiệp “Dẫn đầu xu thế” chuyển đổi xanh - chuyển đổi số tại Hội thảo thường niên về Phát triển bền vững với chủ đề “Tiên phong Chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 12/11 đã mang tới nhiều góc nhìn về hành trình chuyển đổi của người trong cuộc.
Tiếng nói doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi xanh: Phải thay đổi từ tư duy

Hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng - một lĩnh vực thường được nhìn nhận là rất ít xanh và khó có thể chuyển đổi xanh, ông Craig Richard Bradshaw, Tổng giám đốc Công ty Masan High-Tech Materials cho biết: “Nếu không có khoáng sản, làm sao để tạo nên những thứ cần thiết giúp chúng ta chuyển đổi năng lượng. Sẽ có những ngành khai khoáng bị thay thế như nguyên liệu hoá thạch, nhưng sẽ có những ngành khác, giống như các loại chất liệu mà chúng tôi đang khai thác tại Việt Nam cũng đang chuyển đổi và cũng chuyển đổi rất nhanh. Ví dụ với sản phẩm pin, nhiều loại đang được nghiên cứu để có tuổi thọ lâu hơn, bền hơn, dung lượng lớn hơn…”.

Ông Craig Richard Bradshaw, Tổng giám đốc Công ty Masan High-Tech Materials

Ông Craig Richard Bradshaw, Tổng giám đốc Công ty Masan High-Tech Materials

Đại diện Masan High-Tech Materials chia sẻ, chuyển đổi xanh đến với doanh nghiệp có sự đầu tư cho công nghệ, đồng nghĩa với việc tiến hành chuyển đổi số.

“Bản thân chúng tôi đã xây dựng nền tảng công nghệ trong suốt 14 năm có mặt tại Việt Nam để giúp quá trình này có thể diễn ra. Chúng tôi có công nghệ để xử lý, chế biến khoáng sản trong mọi công đoạn. Khai khoáng rất quan trọng với sự chuyển đổi và bản thân chúng tôi cũng phải làm tốt hơn trong hoạt động khai khoáng của mình. Đáng chú ý, chúng ta cần phải thay đổi tư duy cứng nhắc về việc chuyển đổi, khi tập trung nhìn vào chi phí của quá trình. Thực tế, chuyển đổi xanh sử dụng nguồn lực chúng ta có một cách tốt hơn, hiệu quả hơn, giảm lãng phí, giảm chất thải. Chúng ta phải tư duy lại và quản lý theo cách mới để loại bỏ sự lãng phí”, ông Craig Richard Bradshaw nhấn mạnh.

Ở phía doanh nghiệp thực phẩm đã triển khai chuyển đổi số - chuyển đổi xanh từ sớm, bà Lê Thị Hoài Thương, Quản lý đối ngoại cấp cao, Nestlé Việt Nam cho rằng khi thực hiện các mục tiêu phát triển xanh, các doanh nghiệp thường không đặt mục tiêu sẽ dẫn đầu xu thế mà đây là một bài toàn về đầu tư, tối ưu hóa nguồn lực. Quan trọng là vấn đề và ưu tiên của doanh nghiệp là gì chứ không phải chỉ dừng ở việc theo đuổi xu thế hiện tại. Các doanh nghiệp dẫn đầu xu thế được nhắc đến trong Hội thảo của Báo Đầu tư chính là một bảo chứng về việc đã lựa chọn đúng con đường đi và thực hiện hiệu quả chiến lược của mình.

Đại diện Nestlé Việt Nam cho biết, Công ty đã thực hiện những cam kết xanh từ rất sớm khi cam kết thu mua có trách nhiệm với các người dân trồng cà phê từ những năm 2010 - 2011. Câu chuyện chuyển đổi số - chuyển đổi xanh đã được Nestlé Việt Nam đặt ra từ rất sớm khi xu thế này hình thành còn chưa rõ rệt.

Bà Lê Thị Hoài Thương, Quản lý đối ngoại cấp cao, Nestlé Việt Nam

Bà Lê Thị Hoài Thương, Quản lý đối ngoại cấp cao, Nestlé Việt Nam

Theo bà Lê Thị Hoài Thương, với một công ty thực phẩm, nguồn nguyên liệu từ nông nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng, đến nay còn thêm các tiêu chí về môi trường, phát thải… Nestlé Việt Nam không chỉ thu mua nguyên liệu để sản xuất trong nước mà còn để xuất khẩu đi các thị trường lớn như châu Âu, nên nếu không chuẩn bị sớm thì hoạt động kinh doanh sẽ dễ bị đứt gãy khi các quy định quốc tế được áp dụng.

Công ty đã đặt nền tảng người nông dân là trọng tâm. Khi tiếp cận với nông dân và các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, Nestlé Việt Nam đã đưa đến những ứng dụng như nhật ký nông hộ, chuyển đổi các ghi chép thu chi để thấy lợi nhuận dần được tối ưu hóa thông qua chuyển đổi số - chuyển đổi xanh.

“Những con số thực tế này mới có thể thuyết phục được người nông dân thay đổi được hành vi để đồng hành cùng doanh nghiệp. Ngày nay, nông dân đã làm rất tốt, chúng tôi còn gọi họ là nông dân doanh nhân”, bà Hoài Thương nhấn mạnh.

Còn với đối tác là nhà cung cấp, Nestlé Việt Nam cũng đã đặt ra bộ tiêu chuẩn để nhà cung cấp đáp ứng và đồng hành cùng doanh nghiệp. Những điều này giúp cả chuỗi cung ứng đồng bộ với nhau, từ đó phát triển các kế hoạch chuyển đổi số - chuyển đổi xanh một cách thuận lợi.

Ông Văng Viên Thông, CEO - người sáng lập thương hiệu thời trang từ vật liệu tái chế REPEET cũng chia sẻ, bắt nhịp với xu hướng Net Zero mà Việt Nam đã cam kết tại COP26, REPEET đang nỗ lực hành động góp phần giảm phát thải carbon, giảm rác thải nhựa xả ra môi trường, và tối ưu việc tiêu thụ nước trong sản xuất dệt may.

Ông Văng Viên Thông, CEO - người sáng lập thương hiệu thời trang từ vật liệu tái chế REPEET

Ông Văng Viên Thông, CEO - người sáng lập thương hiệu thời trang từ vật liệu tái chế REPEET

Thay vì sử dụng polyester có nguồn gốc từ dầu mỏ, REPEET sản xuất các sản phẩm thời trang bền vững từ sợi polyester tái chế có nguồn gốc tại Việt Nam. Thương hiệu đã xây dựng thành công chuỗi cung ứng từ khâu thu gom, phân loại, tái chế, sản xuất xơ, sợi, dệt vải đến các sản phẩm thời trang, góp phần giảm thiểu 57% phát thải carbon, và tiết kiệm 70% lượng nước tiêu thụ. Bằng cách sử dụng 10 tấn vải REPEET, chúng ta đã góp phần tái chế gần 1,45 triệu chai nhựa PET, giảm lượng khí thải carbon ra môi trường tương đương một chiếc ô tô chạy 57.000 km, đồng thời tiết kiệm 70.000 lít nước.

“Tiên phong trong việc tái chế rác thải nhựa tại Việt Nam thành các sản phẩm may mặc bền vững không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn mở ra một mô hình kinh doanh mới, đóng góp vào chiến lược phát triển bền vững của ngành dệt may toàn cầu”, ông Thông cho biết.

Từ phía đơn vị là cầu nối cho dòng vốn xanh đến với doanh nghiệp, cũng là một trong những nhà băng tiên phong chuyển đổi xanh, bà Tống Diệu Linh, Giám đốc Trung tâm Ngân hàng Giao dịch, Khối Thị trường Tài chính và Ngân hàng giao dịch, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, VPBank đã khởi động việc huy động vốn xanh từ rất sớm vào năm 2016, Ngân hàng đã có sự hỗ trợ từ IFC (Tập đoàn Tài chính quốc tế).

Bà Tống Diệu Linh, Giám đốc Trung tâm Ngân hàng Giao dịch, Khối Thị trường Tài chính và Ngân hàng giao dịch, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)

Bà Tống Diệu Linh, Giám đốc Trung tâm Ngân hàng Giao dịch, Khối Thị trường Tài chính và Ngân hàng giao dịch, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)

“Từ đó tới nay, tổng giá trị huy động vốn xanh của VPBank từ các định chế tài chính lớn là khoảng 2 tỷ USD. Đó là chặng hành trình khá dài và nhiều khó khăn để đảm bảo khung tài trợ xanh, khung tài chính xanh của VPBank có thể đáp ứng được yêu cầu của các định chế tài chính quốc tế. Ngoài ra, từ việc huy động được vốn xanh tới xây dựng cơ chế dẫn vốn tới các doanh nghiệp sử dụng đúng mục đích xanh và bền vững cũng là một quá trình. Mỗi ngân hàng sẽ có các tiêu chí khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện từ các tổ chức tài chính cung cấp nguồn vốn xanh cho ngân hàng. Bản thân doanh nghiệp phải nắm rõ các tiêu chí, các chương trình tín dụng xanh của các ngân hàng.

Các doanh nghiệp có thể cần đến tổ chức tư vấn, hay sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế. Nhiều tổ chức quốc tế sẵn sàng cung cấp các tư vấn kỹ thuật cho doanh nghiệp để nâng cao năng lực nhận thức cũng như khả năng chuyển đối xanh, giúp doanh nghiệp tiếp cận tín dụng xanh tốt hơn. VPBank cũng có thể trở thành cánh cửa để doanh nghiệp tiếp cận đến các tổ chức quốc tế uy tín đó hoặc là cầu nối từ nguồn tài chính xanh từ VPBank”, bà Linh cho biết.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục