Tiền vào ngân hàng ầm ầm sau Tết, liên ngân hàng “ế ẩm”

(ĐTCK) Năm nay, vẫn giống như quy luật "tiền rút khỏi ngân hàng trước Tết, quay về sau Tết", nhưng dường như cường độ tiền gửi vào ngân hàng có cao hơn. Thậm chí, có  ngân hàng còn phải dùng từ "tiền ế"
Tiền vào ngân hàng ầm ầm sau Tết, liên ngân hàng “ế ẩm”
Theo diễn biến mà Đầu tư Chứng khoán ghi nhận được, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đối với VND ngày 13/2 là 1,5%/năm, còn ngày trước đó là 2%/năm, trong khi đầu tuần là 3%/năm. Tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đang giao dịch thấp hơn cả giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ở mức 21.098/USD.

“Thị trường rất ế ẩm, chậm chạp, ngân hàng nào cũng dư tiền”, giám đốc kinh doanh tiền tệ của một ngân hàng chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, không chỉ sau Tết Nguyên đán, mà ngay tháng trước đó, huy động của OCB cũng rất tốt.

“Thanh khoản ngân hàng đang rất tốt, có biểu hiện dôi dư do lượng tiền huy động trong mấy ngày vừa qua tăng so với tháng trước”, ông Tùng nói.

“Phải hết tuần này, các DN mới quay trở lại hoạt động sản xuất - kinh doanh thực sự. Do vậy, những ngày sau Tết Nguyên đán, lượng tiền huy động vào ngân hàng tăng gấp đôi, thậm chí có ngày gấp ba so với những thời điểm cận Tết”, Tổng giám đốc một NHTM cho hay.

Theo thống kê của SSI Research, ngày 12/2, NHNN thực hiện bơm ra 101 tỷ đồng trên thị trường mở (OMO), trong khi hút vào 9.816 tỷ đồng, tương đương hút ròng 9.715 tỷ đồng. Ngày trước đó, NHNN bơm ra 101 tỷ đồng trên OMO, trong khi hút vào 5.000 tỷ đồng, tương đương hút ròng 4.899 tỷ đồng. Như vậy, tính đến ngày 12/2, NHNN hút ròng qua OMO gần 15.000 tỷ đồng.

“Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1, thặng dư thương mại là 1,44 tỷ USD; cùng với nguồn kiều hối đổ về, ước tính từ đầu năm đến nay, NHNN đã mua vào 1,8 tỷ USD, bơm ra thị trường VND nhưng tín dụng không ‘tiêu hóa’ được, NHNN lại hút tiền về”, vị giám đốc kinh doanh tiền tệ nêu trên nói.

Ngay trong chiều hôm qua (13/2), Bộ Tài chính chào thầu 10.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ. Kết quả: trái phiếu kỳ hạn 2 năm trúng thầu 3.000 tỷ đồng, lãi suất giảm còn 6,58%/năm; kỳ hạn 3 năm trúng thầu 3.670 tỷ đồng, lãi suất giảm còn 6,95%/năm; kỳ hạn 5 năm trúng thầu 2.610 tỷ đồng, lãi suất giảm còn 7,95%/năm.

“Những hiện tượng trên phản ánh lượng tiền dư thừa đang đọng lại trong hệ thống ngân hàng khá lớn”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận xét.

Lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN cho rằng, sau kỳ nghỉ Tết, lượng tiền gửi vào các tổ chức tín dụng (TCTD) bắt đầu tăng mạnh là hiện tượng bình thường. Việc tiền đọng lại trong hệ thống ngân hàng chỉ mang tính tạm thời, bởi các DN vẫn đang trong không khí Tết, khoảng 1 - 2 tuần đầu tiên, nên các TCTD tạm thời có hoạt động chính là huy động vốn. Sau đó, mọi việc sẽ quay trở về bình thường.

Bản báo cáo Kinh tế vĩ mô-Triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam của Khối Nghiên cứu Kinh tế, Ngân hàng HSBC số tháng 2/2014 với chủ đề: “Khởi đầu một năm mới thuận lợi hơn với sản lượng tăng” kỳ vọng, lãi suất OMO sẽ ổn định trong quý I/2014.

“NHNN có khả năng chưa thay đổi lãi suất”, bà Trinh Nguyen, chuyên viên kinh tế Ngân hàng HSBC nói.

Còn Bản tin lãi suất-tỷ giá của Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV công bố cuối tháng 1/2014 nhận định, thị trường tiền tệ VND liên ngân hàng dự báo sẽ hạ nhiệt, ổn định trở lại trong tháng 2/2014; thanh khoản hệ thống ngân hàng được đảm bảo. So với tháng 1, lãi suất các kỳ hạn ngắn giảm mạnh, phổ biến ở mức 3 - 4%/năm đối với kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và giảm nhẹ hơn ở các kỳ hạn 1 - 3 tháng, xoay quanh 4,5 - 5%/năm.

Các yếu tố tác động đến thị trường liên ngân hàng dự báo sẽ ổn định là huy động vốn bằng VND của hệ thống ngân hàng tăng nhanh; dòng tiền mặt quay lại hệ thống ngân hàng sau khi đã bị rút ra với khối lượng lớn trong giai đoạn trước Tết Nguyên đán. Trong khi đó, tín dụng dự kiến sẽ tăng chậm do hoạt động kinh doanh của DN chưa bước vào chu kỳ chính, sôi động.

Vẫn theo báo cáo của BIDV, chính sách điều hành tiền tệ của NHNN tiếp tục phát huy hiệu quả bình ổn thị trường, mặc dù lạm phát tháng 1/2014 chỉ dừng lại ở mức 0,69%, thấp hơn khá nhiều so với mức 1,32% của cùng kỳ năm 2013. Nhiều khả năng, NHNN sẽ chưa vội vàng điều chỉnh lãi suất chính sách, mà quan sát diễn biến các tháng tiếp theo, chờ đợi xu hướng được xác lập rõ ràng hơn trước khi đưa ra quyết định. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục điều hòa linh hoạt dòng tiền qua các kênh như OMO, tín phiếu, mua/bán ngoại tệ, đảm bảo cân đối cung - cầu cho thị trường.

“Ngoài ra, quá trình tái cấu trúc TCTD đã và đang diễn ra sẽ tiếp tục giúp sức khỏe hệ thống ngân hàng được cải thiện, hạn chế việc phát sinh các nhu cầu có tính chất đột biến, gây bất ổn trên thị trường”, báo cáo của BIDV nhấn mạnh.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cảnh báo, dư nợ cho vay của toàn hệ thống ngân hàng mặc dù đã có nhiều cải thiện, nhưng tính đến cuối tháng 2/2013 âm 0,16% so với cuối năm 2012 hay mức âm khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2011. Do đó, không chỉ là những nỗ lực của NHNN, mà cần có sự tham gia và hỗ trợ của một số bộ, ngành khác với các hoạt động mạnh mẽ hơn ngay từ những ngày đầu năm.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục