Thoải mái với thanh khoản dịp cuối năm

(ĐTCK) Thông thường, vào dịp cuối năm, các ngân hàng đôn đáo chạy lo thanh khoản, nhưng năm nay tình hình ngược lại, hầu hết TCTD đang bình chân như vại…
Thoải mái với thanh khoản dịp cuối năm

Vào dịp năm hết tết đến những năm trước, giữa các ngân hàng đều có sóng ngầm cạnh tranh chạy đua săn đón khách gửi tiền tiết kiệm bằng mọi “chiêu”, còn DN đau đầu lo đáo hạn khoản vay rồi lãi suất cho vay tăng vọt…

Đây là thời điểm nguồn tiền căng hơn tất cả các giai đoạn khác trong năm, vì cả nền kinh tế đẩy mạnh hoạt động quyết toán công nợ, thực hiện cam kết giải ngân… Do đó, hệ thống đứng trước nhu cầu vốn dồn dập: thanh toán khoản nợ đến hạn với nước ngoài, nhập khẩu hàng hóa, vốn cho sản xuất -  kinh doanh, vốn cho tiêu dùng sắm Tết…

Tuy nhiên, năm nay, tình hình khá bình lặng. Các ngân hàng không còn chạy đua tăng lãi suất huy động hay khuyến mại khách hàng gửi tiền tiết kiệm bằng những món quà có giá trị hay tiền mặt…

Thông tin về hoạt động ngân hàng trong tuần từ 9/12 đến 13/12/2013 cho thấy, lãi suất huy động VND ổn định so với tuần trước đó.

Lãi suất huy động của các NHTM nhà nước và một số NHTM cổ phần có thanh khoản tốt ở mức thấp hơn trần lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động của các TCTD phổ biến ở mức: lãi suất không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ 1 - 1,2%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng khoảng 5 - 7%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 6,5 -7,5%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 7,5 - 8,5%/năm.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay bằng VND cũng khá ổn định. Hiện nay, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao ở mức thấp 7 - 9%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất - kinh doanh khác ở mức 9 - 10,5%/năm ở khối NHTM nhà nước, 9,5 -11,5%/năm ở khối NHTM cổ phần; trong đó, một số DN có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất - kinh doanh hiệu quả đã được các NHTM cho vay với mức lãi suất chỉ 6,5 - 7%/năm.

“Tuy lãi suất cho vay thấp nhưng tình hình cho vay dịp cuối năm nay cũng không khả quan”, phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho biết.

Đặc biệt, theo báo cáo của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài qua hệ thống báo cáo thống kê, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ bằng VND đạt xấp xỉ 91.531 tỷ đồng, bình quân khoảng 18.306 tỷ đồng/ngày; bằng USD quy đổi ra VND đạt 49.651 tỷ đồng, bình quân khoảng 9.930 tỷ đồng/ngày.

Các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (chiếm 34% tổng doanh số VND), 1 tuần (chiếm 33%) và 2 tuần (chiếm 15%). Đối với các giao dịch bằng VND: lãi suất giao dịch bình quân trên thị trường nhìn chung có xu hướng giảm. Cụ thể, kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần giảm lần lượt 0,45%, 0,45% và 0,3%/năm so với tuần trước đó.

Theo thống kê của SSI Research, ngày 18/12, NHNN bơm ra 70 tỷ đồng trên thị trường mở (OMO) và hút vào 50 tỷ đồng, nghĩa là tương đương bơm ròng 20 tỷ đồng. Tính đến ngày 18/12/2013, khối lượng OMO còn lưu thông là 490 tỷ đồng.

Thoải mái với thanh khoản dịp cuối năm ảnh 1

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng ở kỳ hạn qua đêm (2,06%) và 1 tuần (2,5%), trong khi giảm ở kỳ hạn 1 tháng (3,96%) và 3 tháng (4,83%). Nhờ lãi suất liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức thấp, NHNN liên tục phát hành tín phiếu để hút tiền về.

Riêng ngày 18/12, khối lượng tín phiếu phát hành là 3.000 tỷ đồng, với kỳ hạn 28 ngày, lượng tín phiếu này sẽ đáo hạn vào khoảng thời gian trước Tết Âm lịch. Còn trước đó, tuần từ 9 - 13/12, NHNN đã hút ròng 129 tỷ đồng qua OMO, đồng thời phát hành 10.943 tỷ đồng tín phiếu các kỳ hạn 28 và 91 ngày, bên cạnh đó trong tuần có 4.450 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN đã hút ròng 6.493 tỷ đồng qua kênh tín phiếu.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2014, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN, cho biết, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp cung ứng tiền, phối hợp công cụ hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, các TCTD tăng cường xử lý nợ xấu, cơ cấu lại tài sản, chú trọng hơn trong quản trị rủi ro thanh khoản, đảm bảo an toàn hệ thống, thanh khoản VND của hệ thống TCTD được giữ vững và tiếp tục được cải thiện.

Điều này thể hiện qua: Thứ nhất, hệ số sử dụng vốn bằng VND giảm còn khoảng trên 90% (trong khi cuối năm 2012 là gần 94%, cuối năm 2011 là gần 99%); Thứ hai, số dư tiền gửi của hệ thống ngân hàng tại NHNN thường xuyên dư thừa so với dự trữ bắt buộc; Thứ ba, lãi suất trên thị trường nội tệ liên ngân hàng tương đối ổn định và duy trì ở mức thấp, không còn tình trạng biến động và tăng ở mức cao như những năm trước. 

>>Ngân hàng chưa vội lo thanh khoản cuối năm

>>Thừa vốn vẫn căng thanh khoản

Hồng Dung
Hồng Dung

Tin cùng chuyên mục