Tiền tiếp tục chảy mạnh vào chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Khi VN-Index đã vượt qua đỉnh cũ năm 2019, ngỡ rằng các công ty chứng khoán sẽ thận trọng hơn. Tuy nhiên, thực tế lại khác.

Tiền tiếp tục chảy mạnh vào chứng khoán

Việc Công ty Chứng khoán Techcombank (TCBS) tăng hạn mức phổ thông cho vay ký quỹ đối với khách hàng gấp 10 lần khiến thị trường chú ý.

Theo đó, từ ngày 24/11/2020, TCBS tăng hạn mức phổ thông cho vay ký quỹ đối với một khách hàng từ mức 1 tỷ đồng lên 10 tỷ đồng.

Khách hàng mở mới tài khoản tại Công ty sẽ được tự động cấp hạn mức vay ký quỹ 10 tỷ đồng. Khách hàng hiện hữu đã có tài khoản tại TCBS đang có hạn mức vay ký quỹ được phê duyệt dưới 10 tỷ đồng sẽ được tự động nâng lên 10 tỷ đồng.

Hiện lãi suất cho vay ký quỹ thông thường ở công ty chứng khoán này là 11,5%/năm, khách hàng ưu tiên được áp dụng lãi suất 9,9%/năm.

Động thái của TCBS cho thấy thực tế khá rõ ràng rằng nguồn vốn sẵn sàng bơm cho các nhà đầu tư chứng khoán là rất dồi dào. TCBS hiện là công ty chứng khoán 100% vốn của Ngân hàng Techcombank.

Một công ty chứng khoán có ngân hàng đứng sau khác là MBS gần đây cũng tung ra chương trình kích thích cho vay rất lớn có tên M66.

Cụ thể, khách hàng được áp dụng lãi suất 6,6%/năm trong vòng 15 ngày đầu tiên; 8%/năm trong vòng 30 ngày tiếp theo; 9,6%/năm trong vòng 45 ngày tiếp theo. Dư nợ hưởng lãi suất ưu đãi trên một tài khoản tối đa 2 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán BSC thì tham gia cuộc đua hút khách và thúc đẩy giao dịch bằng ưu đãi miễn phí giao dịch (chưa bao gồm phí trả sở giao dịch chứng khoán) và lãi suất margin 10,5%/năm trong 3 tháng đầu từ ngày mở tài khoản.

Công ty chứng khoán này cho phép mở tài khoản trực tuyến, với hạn mức ký quỹ 2 tỷ đồng/khách thông thường và quảng cáo chỉ với 3 phút mở tài khoản, nhà đầu tư có thể nạp tiền vào tài khoản, giao dịch ngay.

Nếu như trước kia, các công ty chứng khoán có vốn ngân hàng chi phối còn khá dè dặt trong cuộc chạy đua thị phần và thu hút khách hàng thì nay có vẻ đã khác.

Bàn về chủ đề các công ty chứng khoán chào lãi suất margin thấp có phải do hệ thống các ngân hàng đang ứ vốn, tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho hay: “Tiền ngân hàng đẩy ra thì mới thấp được, chỉ mấy ông con của các ngân hàng thôi, còn các công ty chứng khoán khác vẫn thế”.

Ngân hàng đang ứ vốn, tiền rẻ sẽ chảy sang chứng khoán, nhận định này có cơ sở hay không?

Trong một báo cáo đưa ra thị trường gần đây, Công ty Chứng khoán SSI thống kê, tiền rẻ đang thúc đẩy thanh khoản trên thị trường.

Tính đến ngày 17/11/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế là hơn 8,79 triệu tỷ đồng, tăng 7,26% so với cuối năm 2019 (thấp hơn nhiều mức cùng kỳ 2019 là 10,28%).

Nếu tín dụng tăng tốc và đạt mức 10% cho cả năm 2020 như kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước (tương đương 320.000 tỷ đồng dư nợ tăng thêm trong quý IV) thì vẫn còn cách khá xa so với số dư tiền gửi thường cũng tăng trưởng mạnh vào các tháng cuối năm.

Bởi vậy, thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn sẽ dư thừa trong những tháng tới.

Dư nợ cho vay ký quỹ trên thị trường chứng khoán cập nhật đến đầu tháng 12 là bao nhiêu?

Một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, qua trao đổi với Đầu tư Chứng khoán không cho biết con số này nhưng nhận xét: Thị trường đang vận hành tốt, dòng tiền trên thị trường mạnh và các số liệu về cho vay ký quỹ báo cáo về Ủy ban Chứng khoán hàng ngày chưa cho thấy những vấn đề nào cần lưu ý.

“So với khu vực, kinh tế của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, kiểm soát dịch bệnh tốt là những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư, trong đó có cả nội và ngoại”, vị này nhìn nhận.

Dư nợ cho vay (chủ yếu là cho vay ký quỹ) trên toàn thị trường tính tới cuối quý III/2020 đạt khoảng 66.000 tỷ đồng, tăng 19% so với quý II và tăng 33% so với quý I. Đây cũng là mức cao kỷ lục từ khi thành lập thị trường chứng khoán tới nay.

Mặc dù dư nợ cho vay có xu hướng đi lên, doanh thu từ mảng margin (chủ yếu thể hiện ở lãi từ các khoản cho vay và phải thu) của khối công ty chứng khoán lại đi ngược chiều. Cụ thể, tổng lãi cho vay và phải thu của khối công ty chứng khoán vào khoảng 1.600 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước 5%.

Khối công ty chứng khoán lớn như SSI, VND, VCI, VDS chịu sự sụt giảm mạnh đối với lãi phải thu và cho vay so với quý trước. VCI ghi nhận mức giảm lãi tới gần 40% so với cùng kỳ, dù dư nợ cuối quý III duy trì ở mức xấp xỉ một năm trước. Trong khi đó, SSI và VND lần lượt ghi nhận mức giảm lãi cho vay và phải thu 35% và gần 30% so với cùng kỳ năm trước.

Điều này cho thấy các công ty chứng khoán đang chạy đua giảm lãi suất cho vay margin, thúc đẩy khách hàng gia tăng giao dịch.

Vân Anh – Trịnh Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục