Cơ hội sáng cho chứng khoán 2021

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Kinh tế đang hồi phục và triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong năm 2021 được kỳ vọng sẽ giúp chỉ số chứng khoán tiến lên những mức điểm cao hơn.

Sự khởi sắc của các hoạt động kinh tế trong nước đã hỗ trợ đà phục hồi của thị trường chứng khoán. Sự khởi sắc của các hoạt động kinh tế trong nước đã hỗ trợ đà phục hồi của thị trường chứng khoán.

Chứng khoán năm 2020: Biến động mạnh

Thị trường chứng khoán từ đầu năm 2020 đến nay được chia thành 2 giai đoạn rõ rệt. Giai đoạn cuối tháng 2 và tháng 3, VN-Index sụt giảm nhanh từ mốc 990 điểm xuống 650 điểm, phản ánh tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế.

Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 4, dòng tiền từ nhiều kênh đầu tư khác đổ vào thị trường, giúp chỉ số phục hồi, hiện quay trở lại mức điểm trước khi có dịch. Đáng lưu ý, khi dịch bệnh bùng phát lần 2 tại Đà Nẵng, VN-Index chỉ giảm 2 phiên, sau đó tiếp tục tăng.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng nhận định, trong thời gian còn lại của năm 2020, thị trường sẽ khó bứt phá khi giá nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh, trong khi khối nhà đầu tư nước ngoài duy trì động thái bán ròng, giao thương quốc tế vẫn còn bị hạn chế bởi đại dịch Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp trên toàn cầu…

Nếu số liệu kinh tế các tháng tới tăng tốc thì thị trường chứng khoán năm 2021 cũng sẽ không quá tích cực như năm 2020 tính từ tháng 4 (loại trừ quý I/2020 vì thị trường giảm sâu), bởi thị trường đã “đi trước” nền kinh tế. Nhiều khả năng chỉ số chứng khoán sẽ tăng chậm lại để “chờ đợi song hành với nền kinh tế”.

Vĩ mô dần cải thiện

Kinh tế Việt Nam dần cải thiện từ quý III/2020 khi GDP tăng 2,62% so với mức tăng 0,36% trong quý II, tính chung 9 tháng đầu năm tăng 2,12%. Theo dự báo của nhiều tổ chức trong và ngoài nước, tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 dự kiến trong khoảng 2,5 - 2,8% và Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi trên thế giới tăng trưởng dương.

Bên cạnh đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) sau khi tạo đáy tại 32,7 điểm vào tháng 4 đã duy trì ổn định trên mức 50 điểm kể từ tháng 6 đến nay, thể hiện sự phục hồi rõ rệt của lĩnh vực sản xuất.

Ngoài ra, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 10/2020 đạt 356.500 tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng 9 và tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank nhận định, năm 2021, tình hình vĩ mô sẽ có xu hướng tích cực khi Việt Nam sớm không chế thành công dịch Covid-19; dòng vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam; lãi suất duy trì ở mức thấp; cán cân thương mại thặng dư nhờ hiệp định EVFTA và RCEP; lạm phát và nợ xấu tại các ngân hàng được kiểm soát hiệu quả.

“Diễn biến vĩ mô thuận lợi tạo nhiều cơ hội cho thị trường chứng khoán tiếp tục đi lên trong năm 2021. Tuy nhiên, một yếu tố cần chú ý là thời điểm vắc-xin phòng ngừa Covid-19 được phổ biến trên toàn cầu. Khi đó, dòng tiền từ kênh chứng khoán có thể rút ra một phần để tiến hành các hoạt động sản xuất - kinh doanh. Thị trường chứng khoán có thể trải qua một giai đoạn điều chỉnh trước khi ổn định trở lại”, ông Trung dự báo.

Công ty Chứng khoán Agirbank cho rằng, năm 2021, vĩ mô ổn định và tăng trưởng hơn nhờ các chính sách kích thích kinh tế, nhiều doanh nghiệp sẽ lấy lại đà tăng trưởng. Thị trường chứng khoán có thể thu hút nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trở lại, nhất là khi chứng khoán Việt Nam vừa được tăng tỷ trọng trong rổ chỉ số thị trường cận biên của MSCI. Vì vậy, thị trường năm tới sẽ có diễn biến tích cực. Nhà đầu tư nên tập trung vào các doanh nghiệp có triển vọng hồi phục tốt cũng như đảm bảo sự bền vững trong dài hạn.

Triển vọng phục hồi của doanh nghiệp

Theo thống kê của FiinPro, trong quý III/2020, lợi nhuận của 347 doanh nghiệp phi tài chính (trừ Vietnam Airlines) tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy, hoạt động kinh doanh cốt lõi của các doanh nghiệp đã có sự cải thiện mạnh mẽ sau khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát.

Đặc biệt, một số ngành tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận như tài nguyên cơ bản, ô tô, phụ tùng và bán lẻ. Riêng ngành bán lẻ có doanh thu quý III/2020 gấp 7 lần quý II và lợi nhuận sau thuế tăng 30,2%.

Khối doanh nghiệp ngành tài chính cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, doanh thu quý III/2020 tăng 7,1%, lợi nhuận tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vẫn theo FiinPro, có 8/19 ngành duy trì tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong quý III/2020.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank nhìn nhận, quý IV/2020 và năm 2021, niềm tin tiêu dùng cũng như thu nhập của người dân tăng trở lại sẽ giúp ngành bán lẻ tăng trưởng cao.

Các doanh nghiệp xuất khẩu có triển vọng sáng với các hiệp định thương mại và kỳ vọng các thị trường xuất khẩu lớn hồi phục sau dịch. Nhóm vật liệu xây dựng, khu công nghiệp cũng có cơ hội tăng trưởng, nhất là khi đầu tư công được đẩy mạnh...

Ông Đào Tuấn Trung cho rằng, đầu tư công sẽ tiếp tục là câu chuyện đáng chú ý trong năm tới, nhất là trong bối cảnh dư địa thực hiện các chính sách tài khóa không còn nhiều. Theo đó, nhóm cổ phiếu xây dựng công nghiệp (LCG, FCN) và nguyên vật liệu xây dựng (HPG, HSG, NKG, PLC, DHA, KSB) sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền.

Với mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, thị trường bất động sản trong năm 2021 được dự báo sẽ sôi động trở lại, các cổ phiếu bất động sản (PDR, NLG, DXG, CRE, HLD) và xây dựng dân dụng (CTD, HTN, HBC) có tiềm năng tăng trưởng.

Cổ phiếu các nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch như hàng không (VJC, HVN), dịch vụ hàng không (AST, CIA, NTC), du lịch, bán lẻ (MWG, PNJ) cũng có triển vọng phục hồi, bởi sau khi dịch bệnh được kiểm soát, người tiêu dùng dự kiến sẽ chi tiêu nhiều hơn.

Thị trường có nhiều động lực tăng

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Chiến lược, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Đà phục hồi của thị trường chứng khoán gần đây được hỗ trợ bởi sự khởi sắc của các hoạt động kinh tế trong nước, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước như đẩy mạnh đầu tư công, hạ lãi suất.

Đây vẫn sẽ là động lực chính hỗ trợ thị trường trong năm 2021 khi mà kinh tế Việt Nam được hầu hết các tổ chức tài chính lớn trên thế giới như WB, IMF, ADB… dự báo sẽ tăng trưởng cao (phổ biến trong khoảng 6,5 - 7%).

Kinh tế tăng trưởng cùng với lạm phát được kiểm soát, tỷ giá ổn định sẽ tạo điều kiện cho Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng.

Môi trường vĩ mô thuận lợi kết hợp với nền lợi nhuận thấp trong năm nay bởi tác động của Covid-19 sẽ giúp các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng cao trong năm sau.

Trong khi đó, vùng giá hiện tại của chỉ số VN-Index chưa cao (xét theo P/E) so với dữ liệu lịch sử, qua đó tôi duy trì quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán.

Dù vậy, thị trường năm 2021 có thể sẽ có những diễn biến phức tạp, phụ thuộc vào các yếu tố chính như thời điểm vắc-xin phòng Covid-19 được sản xuất đại trà và dịch bệnh chính thức bị đẩy lùi; các chính sách mới của Tổng thống Mỹ, đặc biệt liên quan đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và quan hệ với Việt Nam; tốc độ phục hồi của kinh tế thế giới; biến động dòng vốn toàn cầu hay khả năng nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại mua ròng…

Chúng tôi tiếp tục đặt niềm tin vào nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ dẫn dắt xu hướng tăng trưởng của thị trường chung trong giai đoạn cuối năm nay và đầu năm sau, do đây là nhóm được hưởng lợi rõ nét nhất từ diễn biến khởi sắc của kinh tế trong nước. Số liệu quý III vừa qua cho thấy tác động của Covid-19 đến ngành này không lớn như lo ngại ban đầu.

Ngoài ra, một số ngành có động lực tăng trưởng riêng, kỳ vọng sẽ tiếp tục được duy trì trong năm sau như ngành nguyên vật liệu liên quan đến câu chuyện đầu tư công, bảo hộ thương mại; ngành hàng tiêu dùng với kỳ vọng sức cầu tiêu dùng trong nước hồi phục; ngành dệt may, cảng biến trước kỳ vọng hưởng lợi từ các hiệp định thương mại mới, cũng như hoạt động thương mại toàn cầu khởi sắc sau dịch Covid-19.

Cơ hội sẽ xuất hiện muộn hơn ở một số ngành như hàng không, bất động sản.

Nhiều doanh nghiệp vượt khó thành công

Ông Vũ Quang Đông, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vietcombank

Kinh tế Việt Nam dần ổn định trong thời gian qua và kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng nhờ nội lực trong thời gian tới. Đây là yếu tố hỗ trợ quan trọng nhất cho thị trường chứng khoán.

Năm 2020 có nhiều khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp đã vượt khó thành công. Thị trường chứng khoán phản ánh khá chính xác xu hướng này khi có diễn biến hồi phục mạnh.

Trong bối cảnh lãi suất thấp, thị trường chứng khoán hấp dẫn hơn, thu hút nhà đầu tư, giúp thanh khoản trên sàn niêm yết gia tăng, nhất là khi không ít doanh nghiệp lớn chuyển từ UPCoM sang. Có thể nói, năm 2020 có đặc trưng là thanh khoản lớn trong ngắn hạn đẩy thị trường đi lên.

Dự báo, trong thời gian tới, ngành công nghệ thông tin sẽ tiếp tục tăng trưởng. Ngành dược phẩm sẽ lấy lại đà tăng trưởng khi người dân quay trở lại làm việc và sinh hoạt bình thường. Ngành vận tải và giao nhận có thể hồi phục sớm hơn dự đoán.

Các ngành liên quan đến xuất khẩu hàng tiêu dùng, may mặc có thể phải chờ tới khi các nền kinh tế lớn kiểm soát được dịch bệnh Covid-19. Ngành du lịch sẽ phục hồi cầm chừng cho tới khi nhu cầu khách hàng nước ngoài hồi phục.

Với mặt bằng lãi suất thấp, khả năng kiểm soát dịch bệnh Covid-19 bằng vắc-xin đã hiện hữu (có thể bắt đầu tiêm vắc-xin từ tháng 1/2021), nhu cầu tiêu dùng trong nước gia tăng, đầu tư công được đẩy mạnh…, thị trường chứng khoán 2021 sẽ có mức tăng trưởng tương đối tốt.

VN-Index có thể đạt trên 1.100 điểm

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT

Kỳ vọng nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và bị đẩy lùi nhờ vắc-xin.

Hiện nay, có rất nhiều loại vắc-xin đang được phát triển trên thế giới, hiện trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trước khi được sản xuất thương mại.

Việc tiêm chủng vắc-xin sẽ giúp đẩy lùi Covid-19 trên toàn cầu, từ đó tạo ra tiền đề cho sự phục hồi của kinh tế thế giới từ năm tới.

Cụ thể, sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU sẽ giúp hàn gắn chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã bị phá hủy một phần do tác động của Covid-19, cũng như giúp gia tăng nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Việc nối lại các chuyến bay quốc tế với mục đích thương mại sẽ thúc đẩy sự hồi phục của ngành du lịch, một trong hai động lực tăng trưởng chính của ngành dịch vụ Việt Nam, bên cạnh sự phục hồi của tiêu dùng nội địa.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tăng mạnh do Chính phủ tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh áp lực lạm phát thấp trong năm tới; vốn đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phục hồi nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi hơn sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát.

VNDIRECT đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 ở mức 7,1% và lạm phát được kiểm soát dưới mức 3%. Với sự phục hồi của kinh tế vĩ mô, trong kịch bản cơ sở, chúng tôi kỳ vọng chỉ số VN-Index năm tới có thể đạt 1.120 - 1.160 điểm.

Trong năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng tích cực nhờ sự phục hồi của kinh tế thế giới và thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam được hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA nên nhóm ngành thủy sản, xuất khẩu đồ gỗ nội thất có triển vọng tăng trưởng khả quan. Nhóm ngành dệt may được kỳ vọng dần phục hồi trong nửa cuối năm 2021.

Các dự án cơ sở hạ tầng lớn như Đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, Sân bay Long Thành giai đoạn 1, Nhà ga T3 Tân Sân Nhất sẽ được triển khai trong năm 2021, thúc đẩy nhu cầu đối với ngành vật liệu xây dựng, đặc biệt là sắt, thép, đá xây dựng, nhựa đường. Do đó, ngành vật liệu xây dựng có tiềm năng tăng trưởng.

Với sự phục hồi của nền kinh tế, thu nhập của người dân sẽ được cải thiện và thúc đẩy nhu cầu đối với ngành bán lẻ, thực phẩm và đồ uống, giúp các ngành này tăng trưởng cao.

Hoàng Anh
Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2020

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục