Dự báo tác động của Fed tăng lãi suất đến tiền đồng

(ĐTCK) Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất USD từ 0,5 - 0,75%/năm lên 0,75 - 1%/năm trong phiên họp ngày 15/3 đã được dự báo từ trước. Những thông điệp sau phiên họp cũng không gây bất ngờ cho thị trường. 
Dự báo tác động của Fed tăng lãi suất đến tiền đồng

Fed tiếp tục giữ dự đoán tăng trưởng GDP 2% trong vòng 3 năm tới, tỷ lệ thấp nghiệp được giữ ở mức 4,5% và lạm phát sẽ là 2% vào năm 2018.

Dự báo của các thành viên Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc Fed vẫn cho thấy, trong năm 2017 sẽ có 3 lần nâng lãi suất (bao gồm lần nâng lãi suất này) và 3 lần cho năm 2018. Điểm thay đổi nhỏ so với dự báo đưa ra hồi tháng 12/2016 là các dự báo đã đạt mức đồng nhất cao hơn về mức lãi suất, đạt 1,5%/năm vào cuối năm 2017 và 2,25%/năm vào cuối năm 2018.

Dự báo tác động của Fed tăng lãi suất đến tiền đồng ảnh 1

Sau quyết định trên của Fed, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ngay lập tức nâng lãi suất trên thị trường mở thêm 0,2%/năm, từ 2,25%/năm lên 2,45%/năm đối với kỳ hạn 7 ngày. Theo PBOC, quyết định của Fed là một nguyên nhân khiến cơ quan này nâng lãi suất, nhằm giữ đồng nhân dân tệ không bị mất giá.

Chúng tôi cho rằng, đây là một nguyên nhân, nhưng không phải là nguyên nhân chính. PBOC có những lý do khác quan trọng hơn để thắt chặt tiền tệ, đó là lạm phát cao, tăng trưởng tín dụng nhanh và thị trường bất động sản tăng nóng. Ngay cả khi Fed giữ nguyên lãi suất, PBOC nhiều khả năng vẫn sẽ phải nâng lãi suất.

Việc Fed và PBOC nâng lãi suất sẽ không ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của các nước châu Á khác, ngoại trừ Singapore và Hồng Kông do 2 nền kinh tế này áp dụng cơ chế tỷ giá khác biệt. Có nhiều lý do để ngân hàng trung ương các nước châu Á chưa hành động, bao gồm cơ chế tỷ giá thả nổi, thặng dư cân thanh toán vãng lai, lạm phát thấp và một bầu không khí chung vẫn là kích thích kinh tế thông qua giữ lãi suất thấp.

Dự báo tác động của Fed tăng lãi suất đến tiền đồng ảnh 2
Dự báo tác động của Fed tăng lãi suất đến tiền đồng ảnh 3

Việt Nam còn sử dụng cơ chế kiểm soát dòng ngoại tệ nên rủi ro bị rút vốn làm ảnh hưởng đến đồng nội tệ thấp hơn so với các nước châu Á khác. Thị trường ngoại hối kể từ khi Fed nâng lãi suất tháng 12/2016 (từ 0,25 - 0,5%/năm lên 0,5 - 0,75%/năm) có chiều hướng ổn định trở lại, với tỷ giá trên thị trường tự do giảm 1,9%. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngược lại, đã chủ động điều chỉnh tỷ tham chiếu thêm +0,6%, làm giảm áp lực tỷ giá khi Fed nâng lãi suất lần này (ngày 15/3).

Dự báo tác động của Fed tăng lãi suất đến tiền đồng ảnh 4

Theo đó, việc Fed nâng lãi suất sẽ ít ảnh hưởng đến lãi suất tiền đồng (VND) trong thời điểm này. Lãi suất tiền đồng phụ thuộc nhiều hơn vào các yếu tố nội tại của Việt Nam mà một yếu tố quan trọng là thanh khoản hệ thống ngân hàng.

Tín dụng trong tháng đầu năm đã tăng nhanh hơn huy động, cụ thể tăng trưởng tín dụng tháng 1 là 1,75% - cao nhất 5 năm, còn huy động giảm 1,6% - thấp nhất 5 năm. Nếu tín dụng và huy động tiếp tục lệch pha kéo dài, hệ quả tất yếu là thanh khoản giảm và lãi suất sẽ tăng.

Các yếu tố khác ảnh hưởng đến lãi suất là lạm phát và nhập siêu cũng đang tăng. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng 0,69% so với tháng 12/2016 (cùng kỳ năm ngoái tăng 0,42%), còn nhập siêu trong 2 tháng đầu năm là hơn 800 triệu USD (cùng kỳ năm ngoái xuất siêu 675 triệu USD).

Chúng tôi cho rằng, chính sách tiền tệ nên tiếp tục theo hướng cân bằng tăng trưởng tín dụng với huy động, dựa trên nền tảng cán cân thanh toán tổng thể dương, nhằm ổn định lãi suất và tỷ giá.

Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Khối Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục