USD giảm nhẹ sau quyết định của Fed
Trước thời điểm Ủy ban Thị trường mở của Fed đưa ra quyết định chính thức về việc tăng lãi suất, trên thị trường ngoại hối quốc tế, chỉ số USD Index giảm nhẹ 0,15%, xuống mức 101,55. Trong khi đó, một số đồng tiền mạnh như EUR, GBP, JPY, AUD… đều lên giá từ 0,1 - 0,4% so với USD.
Trên thị trường ngoại hối trong nước, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên tỷ giá trung tâm ngày 15/3 ở mức 22.262 đồng/USD, không thay đổi trong ngày thứ ba liên tiếp. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng thương mại được áp dụng hôm 15/3 là 22.930 đồng/USD và tỷ giá sàn là 21.594 đồng/USD.
"Thời điểm này năm ngoái, khách hàng cá nhân chuyển từ nắm giữ USD sang đồng Việt Nam, thậm chí người nhận kiều hối đều chuyển ngay sang VND. Còn năm nay, tâm lý giữ nắm ngoại tệ đã mạnh mẽ hơn"
- Lãnh đạo một ngân hàng thương mại
Tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng trong ngày có biến động lên xuống nhẹ, nhưng cuối ngày đóng cửa ở mức 22.820 đồng/USD, điều chỉnh giảm nhẹ khoảng 10 điểm so với mức 22.830 đầu giờ, thanh khoản cơ bản ổn định.
Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD/VND biến động nhẹ, chẳng hạn Vietcombank niêm yết giá USD mua vào ở mức 22.785 đồng/USD và bán ra ở mức 22.855 đồng/USD, tăng 15 đồng ở cả chiều mua và bán so với cùng thời điểm sáng qua. Techcombank điều chỉnh tăng 10 đồng ở chiều mua và giữ nguyên giá bán so với hôm trước mua vào - bán ra, tương ứng ở mức 22.760 - 22.850 đồng/USD.
Ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán vào sáng ngày 16/3, ngay sau khi thông tin Fed tăng lãi suất được công bố, các ngân hàng đã có động thái điều chỉnh tỷ giá. Cụ thể, Vietcombank niêm yết tỷ giá ở mức 22.740 - 22.810 đồng/USD (mua vào – bán ra), giảm 50 đồng mỗi chiều so với ngày trước đó. Techcombank giảm 40 đồng chiều mua vào và 55 đồng chiều bán ra, giao dịch USD ở mức 22.720 - 22.810 đồng/USD. Vietinbank niêm yết tỷ giá đồng/USD ở mức 22.715 - 22.800 đồng/USD (mua vào – bán ra), giảm 45 đồng chiều mua vào và 40 đồng chiều bán ra.
Quyết định tăng lãi suất thêm 0,25%/năm trong phiên họp ngày 14 -15/3 và hướng tới lãi suất mục tiêu 0,75-1%/năm của Fed nhìn chung nằm trong dự đoán của giới đầu tư toàn cầu, dựa trên những tín hiệu tích cực của nền kinh tế Mỹ và diễn biến của tỷ giá USD trên thị trường tương lai. Kỳ vọng này đã phản ánh vào tỷ giá trước đó.
Nhưng cần thận trọng với tác động lâu dài
Nhận định, tỷ giá USD/VND đã phản ánh kỳ vọng tăng lãi suất nên không có thay đổi sau tuyên bố của Fed, nhưng ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB cho rằng, quan điểm cho rằng Fed tăng lãi suất không tác động đến kinh tế Việt Nam là chưa chính xác.
Bởi lẽ, Việt Nam đã hội nhập toàn cầu, thông thương khá sâu với kinh tế thế giới. Nếu Fed tăng lãi suất, dòng tiền đầu tư gián tiếp đến các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam sẽ giảm đi do dòng tiền nóng có xu hướng quay trở lại Mỹ tìm kiếm cơ hội lợi nhuận cao hơn khi USD lên giá.
“Từ 2008 - 2009, Fed gần như sử dụng chính sách nới lỏng định lượng nên dòng tiền nóng chảy mạnh sang các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, Fed bắt đầu tăng lãi suất từ năm 2015 thì đồng tiền của các quốc gia như Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia đều mất giá và dòng tiền nóng bắt đầu quay về Mỹ. Đối với Việt Nam, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) đóng góp nhỏ trong nền kinh tế nên không nhìn thấy tác động sâu rộng. Tuy nhiên, với việc Fed tăng lãi suất, chắc chắn có tác động tới việc nhà đầu tư phải cân nhắc khi đưa ra quyết định. Một vấn đề nữa là, USD Index tăng sẽ tác động đến rổ tiền tệ thế giới”, ông Trung nói.
Một lãnh đạo cao cấp của TPBank nhận định, thị trường ngoại hối chịu sự tác động của việc Fed tăng lãi suất cùng với cán cân thương mại kỳ 1 tháng 2 bất ngờ thâm hụt lớn 2,4 tỷ USD. Mức thâm hụt đột biến đến từ việc nhập khẩu trong tháng 2 tăng rất mạnh. Vốn FDI đăng ký tăng chậm lại. Trong 2 tháng đầu năm 2017 (tính đến 20/2/2017) vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 2,0289 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 167,5%).
Điều này cho thấy việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã có ảnh hưởng nhất định đến FDI đăng ký vào Việt Nam, nhất là FDI của Đài Loan đã giảm từ 119,8 triệu USD trong 2 tháng đầu năm 2016 xuống còn 26,1 triệu USD.
Còn theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, tác động của việc Fed tăng lãi suất sẽ không diễn ra ngay lập tức vì thị trường đã tính toán trước. Mặt khác thị trường đã kỳ vọng một mức tăng cao hơn.
"Thực tế trong sáng 16/3, tỷ giá USD so với các đồng tiền châu Á đã giảm xuống. Thông điệp của Fed cũng cho thấy có thể sẽ có các lần tăng khác diễn ra. Về lâu dài, khi lãi suất USD tăng lên, nếu lãi suất tiền đồng Việt Nam không tăng thì trong vài tháng tới chúng ta sẽ thấy tác động lên ngoại hối”, ông Hải nhận định.
Ông Hải chia sẻ thêm, nếu Fed tiếp tục chu kỳ tăng lãi suất trong năm nay (dự kiến tối thiểu 3 lần trong 2017), xu hướng chung của các đồng tiền trong khu vực 6 tháng đầu năm sẽ mất giá so với đồng USD trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ tăng trưởng trở lại.
Khi kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu, chúng ta cần chú ý tới biến động của các đồng tiền trong khu vực để đảm bảo Việt Nam không bị mất lợi thế cạnh tranh. Rủi ro về áp lực dòng tiền nóng chảy ra do chênh lệch lãi suất ở Việt Nam sẽ không cao, nhưng tác động âm thầm và dài hơi hơn là tác động trong xuất nhập khẩu là điều cần kiểm soát.
Tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, huy động ngoại tệ đã tăng trở lại, phản ánh tâm lý nắm giữ ngoại tệ tăng trở lại. Tính đến cuối tháng 2 vừa qua, tổng phương tiện thanh toán tăng gần 1,9% so với đầu năm trong đó, huy động vốn tăng gần 1,4% (VND tăng 0,98%, ngoại tệ tăng xấp xỉ 4%); dư nợ cho vay tăng khoảng 1,7% (VND tăng 1,4%, ngoại tệ tăng gần 4%).
“Thời điểm này năm ngoái, khách hàng cá nhân chuyển từ nắm giữ USD sang đồng Việt Nam, thậm chí người nhận kiều hối đều chuyển ngay sang VND. Còn năm nay, tâm lý giữ nắm ngoại tệ đã mạnh mẽ hơn”, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần nhận định.